GIẢI TRÍ

Ảnh phim trường – Gian nan không nản

Y Diệp • 14-02-2020 • Lượt xem: 948
Ảnh phim trường – Gian nan không nản

Một công việc tưởng như không thể thiếu ở mỗi đoàn phim, nhưng thực tế cho thấy, cứ 10 bộ phim phát sóng trên truyền hình thì gần như 7 đến 10 phim là không có tên nhiếp ảnh trong đoàn phim. Công việc này gần như bỏ trống bởi nhiều lý do. Và trên thực tế, vai trò của nhiếp ảnh đã để lại không ít chuyện vui buồn trên màn ảnh Việt.

 

Tin, bài liên quan:

Hậu trường như mơ của 'Mắt Biếc'

Pháp sư mù ‘bật mí’ chuyện hậu trường

Hậu trường chuyện... ‘Bán chồng’

Thực trạng buồn!

 

Đã rất nhiều lần khi người viết bài này phỏng vấn các diễn viên và xin vài tấm hình để đăng kèm theo bài viết, thì nhận được câu trả lởi: “Đoàn phim em không có người chụp ảnh anh ơi!”. Và cũng rất nhiều lần khi đối diện với các nhà sản xuất, hỏi thăm ai sẽ là nhiếp ảnh phim trường, thì câu trả lời vẫn là cái lắc đầu và cười nhẹ: “Có thằng em đạo diễn đi theo chụp ảnh cho… vui là đủ rồi, cần gì nhiếp ảnh cho… rối!”.

 

 

Lần theo đường dây các đoàn phim, để ý kỹ thì các “nhiếp ảnh gia” này đa phần là các cô thư ký chụp hình theo dạng rắc co cho các nhân vật, hoặc em ông chủ nhiệm hoặc anh phục trang… Tất cả chỉ “hành nghề” cho riêng mình hoặc chụp theo kiểu vui là chính, còn lại các diễn viên tự lấy điện thoại nhờ mấy anh trợ lý hoặc bạn diễn chụp vài kiểu kỷ niệm để về “khoe” với người nhà, hoặc đưa lên facebook câu like… Còn lại hầu hết các đoàn phim, ít ai quan tâm đến nghề… nhiếp ảnh phim trường!

 


 

 

Vì sao lại có thực trạng “thảm” như vậy. Ai cũng biết, với thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, hình ảnh của phim mang tầm rất quan trọng trong việc quảng bá cho phim? Theo lý giải của một số nhân vật trong nghề: “Chụp làm gì, một bộ phim đã có sẵn quảng cáo hết rồi, chỉ cần thu hình chiếu phát sóng là xong, đăng nhiều hình, nhà báo để ý khui ra nhiều chuyện mất công phải giải thích. Có chụp hình, diễn viên bung ra, “bi a” theo kiểu cá nhân không ai kiểm soát được lại vướng thêm nhiều chuyện phiền hà… Và cũng còn rất nhiều phim được làm theo kiểu đặt hàng, cứ cố gắng làm tốt, phát sóng được là xem như hoàn thành sứ mệnh, cần gì phải hình với ảnh cho… mất tiền!”.

 

Ảnh phim trường, mỗi người mỗi kiểu

 

Ở các hãng phim tư nhân, cũng có người chụp hình theo thỏa thuận, nhưng vì hãng phim lớn “bắt kèo” giao lại cho hãng phim nhỏ, nên việc tiết kiệm chi phí chụp hình cũng là điều tất nhiên. Chỉ cần một cái máy nhỏ, một người biết “sơ sài” chụp lại vài “pô” để báo cáo với sếp trên là đủ chỉ tiêu rồi.

 

 

Nếu tinh ý xem danh sách người tham dự đoàn phim ở phần cuối bộ phim, ngoài tên đạo diễn, quay phim, diễn viên, ánh sáng cũng được ghi đầy đủ, nhưng tên nhiếp ảnh phim trường ít khi nào xuất hiện…

 

Nhìn lại hình ảnh các bộ phim trước đây như: Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Mê Thảo, thời vang bóng… dù đã qua gần ba thập niên nhưng vẫn là tư liệu quý cho các lớp trẻ sau này. Nó được ghi nhận từng khoảnh khắc nhỏ nhất, quý nhất trong mọi hoạt động của đoàn phim. Và cũng từ những tấn ảnh quý hiếm ấy, thế hệ sau chỉ cần nhìn vào cũng hiểu được những bộ phim ngày xưa thực hiện quy mô và hoành tráng như thế nào.

 

 

Ngày trước, người nhiếp ảnh phim trường được xem là một thành viên không thể thiếu của đoàn với chế độ đãi ngộ như một thành viên chính thức của đoàn. Anh này có nhiệm vụ ghi lại tất cả mọi hoạt động của đoàn, làm tư liệu quảng bá phim.

 

Những bộ phim như: Cánh đồng bất tận, Những nụ hôn rực rỡ, Dòng máu anh hùng, Bẫy Rồng, Bỗng dưng muốn khóc đều có sự chuẩn bị rất kỹ cho khâu chụp hình… Bản thân Ngô Thanh Vân, trước khi phim bấm máy một tháng, cũng rủ rê Trí Nguyễn tạo hình nhân vật cho nhiếp ảnh ghi lại tất tần tật, và dùng những hình ảnh ấy tạo sự hiếu kỳ cho khán giả.

 

 

Và nếu tinh ý, không phải tự nhiên mà các bộ phim của Vũ Ngọc Đãng luôn xuất hiện đều đặn trên các mặt báo, hình nào cũng đẹp, từ khoảnh khắc của sao, đến những câu chuyện hậu trường. Và các thông tin về phim của anh luôn đứng vào hàng top thu hút sự chú ý của khán giả. Lý giải điều này, chỉ có Đãng là hiểu được “sức mạnh” của những tấm ảnh ấy, vì anh xuất thân từ nhiếp ảnh, và trong đoàn phim của anh, người chụp ảnh luôn được tôn trọng như một quân sư chốn hậu trường.

 

Đã từng tranh cãi

Đã có lúc người nhiếp ảnh phim trường phải “đao to búa lớn” với nhà sản xuất, bởi sự tranh giành về quyền lợi, như bộ phim “Cánh đồng bất tận” là một điển hình. Một tay nhiếp ảnh chưa tên tuổi được mời theo đoàn phim, ngày đêm lặn lội ở vùng sông nước hàng tháng trời, để kịp ghi lại nhiều khoảnh khắc của đoàn phim. Và một nhiếp ảnh gia “bậc thầy” được mời vào để thiết kế những tấm poster cho phim.

 

 

Tuy nhiên, khi phim xuất hiện trước công chúng, một cuộc “đấu khẩu” đã diễn ra khắp các diễn đàn. Người thì cho người đàn anh cướp công, người thì bảo đàn em tận dụng thời cuộc để tạo xì-căng-đan. Nhưng lý giải của nhà sản xuất thì tất cả đã có những bản hợp đồng rấ cụ thể, chẳng qua các anh ấy chưa hiểu rõ nên mới có những cuộc đôi co như thế. Kết luận cho cuộc tranh luận “sóng gió” này, khoan bàn đến chuyện ai đúng ai sai, chỉ thấy rõ một điều: Vị trí nhiếp ảnh phim trường đến nay vẫn chưa được xem trọng!

 

Ít tiền dễ chết, ngu sao làm!

 

Đó là tâm sự của tay “nhiếp ảnh” trong bộ phim “Kế hoạch 99” do NSND Lý Huỳnh thực hiện. Có nhiệm vụ chụp ảnh, nhưng mỗi lần đến cảnh bắn súng và các quả nổ diễn ra là anh này trốn đâu mất biệt. Đến khi phát hiện mới biết, hàng chục vụ cháy nổ kinh hoàng nhưng anh không chụp một tấm nào. Khi được hỏi, anh lý giải tỉnh bơ: “Chú ơi, chụp hình đâu có bao nhiêu tiền, mà phim thì toàn là cảnh cháy nổ, bắt con chụp hình kiểu này lỡ bom rơi đạn lạc chết ai lo…”. Đến nước này thì đoàn phim mới biết, anh này chỉ chuyên trang điểm, nhưng do được người quen giới thiệu nên mới có nghịch cảnh như vậy.

 

 

Cảnh bay qua đám cháy của cascadeur Việt Nam tại Ấn Độ

 

Nhiều nhà sản xuất từng tuyên bố: “Lần này chúng tôi làm phim rất chuyên nghiệp, hy vọng phim sẽ là một tác phẩm nghệ thuật cao…” nhưng khi được hỏi: “Đoàn của anh đã có nhiếp ảnh cho phim trường chưa?” thì lại nhận được cái lắc đầu kèm lời than: “Phim này kinh phí không được nhiều, có lẽ sẽ nhờ một người trong đoàn chụp giúp là được rồi!”.

 

Diễn viên Thanh Vinh từng nhận lời làm “bi a” cho một bộ phim chiếu rạp, thế là trong quá trình thu hình, Vinh cứ ê a mời gọi các anh chị nhà báo, hãy giúp em đưa tin đăng bài, nhưng khi kêu gửi hình ảnh, thì Vinh chỉ mail vài tấm ảnh sơ sài, thậm chí là mờ nhạt, không có nội dung. Khi các nhà báo thắc mắc, Vân chỉ cười ỏn ẻn: “Kinh phí eo hẹp quá, nên không có mời nhiếp ảnh, anh thông cảm dùng đỡ những tấm ấy chắc cũng ổn mà!”

 

Một nhiếp ảnh gia từng là giám khảo cho hàng loạt cuộc thi uy tín, khi được mời chụp ảnh cho một đoàn phim dài tập, cứ tưởng được tung hoành với những góc nhìn nghệ thuật. Ai ngờ, 2 tháng sau gặp, anh than thở: “Chán lắm, ngày nào cũng ra phim trường từ sáng đến khuya mới được về nhà, nhưng bọn họ quay có mấy cảnh thôi, người như tao mà chầu chực cho đoàn phim như thế thì chỉ có… chết!”.

 

 

Thế là mất thêm một tay nhiếp ảnh thứ thiệt, bởi nhà sản xuất cứ yêu cầu anh ta phải có mặt xuyên suốt trên phim trường, nhưng lại chẳng biết lúc nào nên chụp và lúc nào cần nghỉ ngơi!

 

Hình ảnh một tay nhiếp ảnh, năng nổ có mặt ở nhiều đoàn phim, ngày nay gần như biến mất ở phim trường. Các bài viết về ký sự trường quay, hoặc những bộ ảnh phía sau hậu trường quay cũng gần như không được xuất hiện nhiều trên các mặt báo. Và người viết cũng từng được một trưởng ban trong tòa soạn “dạy dỗ” theo kiểu, anh đừng ra phim trường làm gì, vừa mất công, mất của lại hiếm khi gặp chuyện hay để viết, chỉ cần ở nhà alo cho diễn viên, hoặc kêu “ông” sản xuất mail vài tấm hình là có thể đăng thành bài viết… ly kỳ và hấp dẫn rồi!”.

 

Với kiểu nhìn nhận về nghề nhiếp ảnh phim trường như thế này, làm sao người đọc có thể cảm nhận được không khí làm việc sôi động của các đoàn phim? Và đến khi nào, vai trò người nhiếp ảnh được chú ý, thì mới hy vọng, ở mục phim ảnh có được những bài viết hấp dẫn theo đúng nghĩa của nghề làm phim.