Duyên Dáng Việt Nam

Dấu xưa xứ Quảng: Ký ức thành phố tiếng còi tàu

Cung Văn • 02-06-2020 • Lượt xem: 1416
Dấu xưa xứ Quảng: Ký ức thành phố tiếng còi tàu

Nhà văn, họa sĩ tranh cắt giấy Trần Trung Sáng nổi tiếng là một cây bút vạm vỡ nội lực của thành phố biển Đà Nẵng. Anh vừa ra mắt tác phẩm đáng chú ý "Ký ức thành phố tiếng còi tàu" (Nxb Hội Nhà Văn) vào tháng 6/2020, nằm trong bộ "Dấu xưa xứ Quảng" dự định nhiều tập mà anh ấp ủ viết. DDVN giới thiệu bài điểm sách của nhà báo Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng về cuốn sách đặc biệt này. 

Tin và bài liên quan:

 Trần Trung Sáng - Người thổi hồn cho giấy

Có một ông Khanh Da Vàng…

Nghệ thuật Nguyễn Hữu Hồng Minh: Cánh hoa giữa vực thẳm và đỉnh cao

"Dấu xưa xứ Quảng - Ký ức thành phố tiếng còi tàu", tản văn của Trần Trung Sáng, Nxb Hội nhà văn ấn hành năm 2020, dày 250 trang. "Dấu xưa xứ Quảng" là chủ đề chung của bộ sách nhiều tập mà tác giả hướng đến trong tương lai.

"Ký ức thành phố tiếng còi tàu" có thể được xem là phần 1. Tác phẩm gồm 2 phần: tản văn, ghi chép về Quảng Nam, Đà Nẵng, nhằm phản ánh đời sống văn hóa, truyền thống lịch sử, những nhân tố, con người… làm nên tính cách và sự độc đáo của đất và người xứ Quảng.

Bìa cuốn sách "Ký ức thành phố tiếng còi tàu" của nhà văn Trần Trung Sáng 

Tuyển chọn 30 bài viết, dưới nhiều thể loại tản văn, bút ký, tạp ghi… nhằm hướng đến một toan tính dài hơi: đất Quảng Nam - Đà Nẵng - Quá khứ - Hiện tại và một phần dự báo tương lai, phải chăng nhà văn Trần Trung Sáng đến với người đọc lần này muốn thử nghiệm một công trình mà anh hằng ấp ủ lâu nay?

Tác giả chọn tiêu đề Dấu xưa xứ Quảng, và để mở đầu cuộc tìm về, bằng Ký ức thành phố tiếng còi tàu như vén màn thăm dò.

Thời điểm cuốn sách này đến với người đọc cũng có phần nhạy cảm: năm thứ 20 của thế kỷ 21, một năm mà đất nước thường có những cuộc lễ lạt, hội hè đình đám kỷ niệm những sự kiện can qua. Đây cũng là cột mốc đánh dấu ký ức thời niên thiếu của tác giả với âm thanh phát ra từ con gà kéo (tò he trong Quà chợ) tại vùng ngoại ô Hội An… bước những bước chập chững ra chốn phồn hoa đô hội.

Mấy ai còn nhớ, hồi thập niên 50 - 60 thế kỷ trước, phố cổ Hội An chỉ có 5 vạn dân; chưa bằng số dân ngụ cư gốc Quảng Nam tại phường Dệt Bảy Hiền, Quận Tân Bình, TP.HCM bây giờ!

Sự trầm mặc của phố cổ Hội An lại chứa đựng một sức sống dữ dội, đáng ngạc nhiên (đọc "Một gia đình độc đáo ở phố cổ Hội An" – gia đình ông bà Phi Anh) mới thấy góc nhìn tinh tế của tác giả ở tập tản văn này!

Tất cả rồi cũng là phù hoa. Mọi thứ đi qua hết. Có vậy, cuộc sống mới không ngừng biến chuyển”. Đây là câu nói của một nhân vật trong "Một thoáng phù hoa", ông Trần Trung Phát (thân sinh tác giả Trần Trung Sáng) khi có dịp trở về nhìn lại vẻ hoang tàn của cái nền kiosque mà chính bàn tay ông đã cắm dùi, mưu sinh bằng nghề âm thanh điện tử Ánh Sáng.

Chợ xép Đà Nẵng xưa - Tranh cắt giấy của họa sĩ, nhà văn Trần Trung Sáng

Cụ Trần Trung Phát qua đời năm 2015, nghĩa là trước khi an nghỉ, ông còn kịp chứng kiến cái cảnh ao tù, nước đọng tại vuông đất vàng, thuộc quận Hải Châu, Đà Nẵng. Khu đất một thoáng phù hoa này có ba mặt tiền trên các đường Hùng Vương - Lê Lợi - Nguyễn Thị Giang (nay là Nguyễn thị Minh Khai). Trải qua ba cuộc chiến tranh, khu đất này có nhiều tên gọi: bến xe, quảng trường, khu giải trí, đình Hòa Bình, nơi xuất phát phong trào sinh viên học sinh đô thị Đà Nẵng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ... song thoạt kỳ thủy nó là một trại giam, một nhà tù từ thời Pháp thuộc. Chìm lắng qua những cuộc bể dâu, khu đất vàng từng được nhóm lợi ích tên Vũ Châu Long trống giục, cờ tung khai trương, động thổ năm lần, bảy lượt nay vẫn nằm im bất động như số phận cùng trêu ngươi với nó: khu văn hóa 84 Hùng Vương, sân vận động Chi Lăng (đường Ngô Gia Tự hiện nay)…

Đà Nẵng sẽ phải “đánh thức tiềm lực” đặng các thế hệ mai sau kịp nhận thức ra rằng, thế hệ cha ông chúng từng rêu rao và cũng từng miệt thị “thành phố đáng sống hay không đáng sống?” đúng hay không đúng? Rất mong các bạn đọc có gốc gác QN-ĐN, trẻ lẫn già, trong cũng như ngoài nước, tìm thấy thấp thoáng hình bóng của mình trong Dấu xưa xứ Quảng, sẽ không bao giờ quá muộn, qua tác phẩm của Trần Trung Sáng.

Như mọi tỉnh thành khác trên khắp đất nước Việt Nam hôm nay, Đà Nẵng đã và đang mọc ra những khu sinh hoạt – khu văn hóa – khu ẩm thực đặc biệt như: khu phố Tây ở khu dân cư An Thượng, khu Hàn Quốc ở đường Phạm văn Đồng (phía bắc đường Hồ Nghinh), khu phố Tàu gần khách sạn Furama (trở vào hướng nam đường đi Hội An), khu phố Hàn – Nhật trên đường Phan Bội Châu (từ Quang Trung quẹo xuống Lý Thường Kiệt). Dấu nay luôn “tiến nhanh, tiến mạnh” hơn dấu xưa, nếu không kịp ôn cố để tri tân, chúng ta sẽ không nhìn ra và dễ để mất dấu… như ga xép chợ Cồn, như cầu Vồng… đã cùng với thời gian “một đi không trở lại”.

Vẫy nhìn Đà Nẵng hay Đà Nẵng vẫy chào những người anh em làm nghệ thuật từng có thời gắn bó hoặc chỉ là khách vãng lai trong câu chuyện, những cuộc gặp gỡ với Chế Lan Viên, Phạm Duy, Du Tử Lê, Phạm Văn Hạng, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Lê Nuôi, Thu Vàng, Mai Chửng, Phan Ngọc Minh, Lưu Công Nhân, GS Nguyễn Đăng Hưng… và còn nhiều nữa, mà tác giả tập tản văn đã “ký họa” trong tập sách này.

Sau cùng, xin phép tác giả, xin phép bạn đọc có thêm một ghi chú ‘tâm linh” nghề nghiệp: cách đây tròn 10 năm, qua mách bảo của đồng nghiệp Nguyễn Hữu Hương (đã mất năm 2009), tôi có mấy lời giới thiệu tác phẩm Nữ hoàng nhạc Twist của Trần Trung Sáng, bấy giờ anh đã có những đứa con tinh thần khỏe mạnh như: Ngày Chủ Nhật tuyệt vời, Búp bê phiêu lưu ký, Đêm trắng phập phù… Nay, theo dự tính, thay vì anh Hoàng Khanh (*), nguyên chủ nhiệm nhà xuất bản Da Vàng tại Đà Nẵng đầu thập niên 60 thế kỷ trước, sẽ là người chấp bút viết giới thiệu cuốn sách nhưng, tiếc thay anh ấy lại đột ngột qua đời vào ngày 15/12/2019.

Ông Hoàng Khanh (ngồi - bìa phải), nguyên chủ nhiệm nhà xuất bản Da Vàng tại Đà Nẵng đầu thập niên 1960 và các nhà thơ Đông Trình, Đoàn Huy Giao, Liêm Lương, Huỳnh Lê Nhật Tấn. Cà phê Mỹ thuật Đà Nẵng tết 2019.  

Trần Trung Sáng alô cho tôi!... Thôi thì hãy để chuyện buồn trôi qua. Và chúng ta cùng chào đón năm 2020 với những lời chúc an lành, đọc tác phẩm mới./.

Nhà báo Cung Văn (Nguyễn Vạn Hồng) 

 

Chú thích:

(*) Ông Hoàng Khanh khi làm chủ nhiệm Nxb Da Vàng từng tiếp nhận bản thảo Trần Trung Sáng ở độ tuổi thiếu niên. Lúc đó, ông đã có một lá thư riêng với những lời khuyên chân tình, để lại những ký ức đặc biệt sâu đậm với tác giả.