Duyên Dáng Việt Nam

Ghé Long Sơn tìm về nét đẹp văn hóa Nam Bộ xưa qua đạo Ông Trần

Kim Phượng • 02-08-2020 • Lượt xem: 2165
Ghé Long Sơn tìm về nét đẹp văn hóa Nam Bộ xưa qua đạo Ông Trần

Về thăm Long Sơn, chúng tôi được tham quan Nhà Lớn và nghe kể chuyện về đạo làm người của Ông Trần. Đó là một nơi mà người dân vẫn truyền tai nhau từ đời này qua đời khác năm chữ Nhân - Nghĩa - Lễ -  Trí - Tín. Các cụ ông, cụ bà ở đây thường mặc áo bà ba đen năm nút, tóc búi củ hành, đi chân đất và khi chết đi thì cùng dùng chung một bao quan.

Đoàn chúng tôi chạy theo quốc lộ 51 tiến về Vũng Tàu khoảng 80 km. Gặp ngã ba Long Sơn, chúng tôi rẽ phải khoảng 5 – 6 km để đến với khu di tích Nhà Lớn Long Sơn. Nhà Lớn Long Sơn (hay còn gọi là Đền Ông Trần) là một khu di tích lịch sử - văn hóa được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận vào năm 1991. Đây là một nơi sinh hoạt tín ngưỡng, cố kết cộng đồng của người dân xã đảo Long Sơn và cũng là nơi khởi phát của đạo Ông Trần.

Là một xã đảo thuộc thành phố biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Long Sơn được bao bọc bởi kênh rạch, sông suối chằng chịt. Không gian sống của người dân nơi đây hiền hòa, thanh bình với sắc xanh của trời mây sông nước và rừng đước mênh mông, bạt ngàn. Người dân sống bằng nghề làm muối, khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Hàu được xem là loại hải sản nổi bật nhất ở đây.

nha lon long son
Nhà Lớn Long Sơn hiện có tuổi đời hơn một thế kỷ - Nguồn: dulichvungtau.baria-vungtau.gov.vn 

Kiến trúc Á Đông nổi bật với lối xây dựng “tiện đâu đặt đó”

Nhà Lớn Long Sơn (hay gọi là Đền Ông Trần) tựa mình vào sườn Đông núi Nứa, nổi bật với lối kiến trúc Á Đông, phảng phất không khí của đình làng Việt xưa. Quần thể kiến trúc phức hợp rộng 2 hecta này được sắp xếp khá ngẫu hứng, không sau trước mà xen kẽ kế tiếp nhau, “tiện đâu đặt đó” mà hòa hợp lạ thường. Nhà Lớn được xây từ năm 1910 đến năm 1929 thì hoàn thành, với vật liệu chính là mái ngói và gỗ quý. Tính quần cư và đoàn kết của người dân ở xã đảo hầu như được thể hiện trọn vẹn trong cách xây dựng Nhà Lớn này.

Tiếp chúng tôi, cô Lê Thị Kiềm (cháu cố đời thứ 4 của Ông Trần, người quản lý Nhà Lớn hiện nay) cho biết: “Nhà Lớn khi xưa được Ông xây bằng gỗ, nứa, tre và mái ngói. Năm 1971, hương chức ở đây có mời được ông Ngô Viết Thụ đến khảo sát, thiết kế để trùng tu nhà hội (nhà tiếp khách) nên Nhà Lớn mới có diện mạo như bây giờ.” Tuy nhiên, lối kiến trúc đình làng với trụ cột, xà ngang, vách gỗ vẫn được hậu duệ Ông Trần lưu giữ cẩn thận tới ngày nay.

Lạc vào không gian của Nhà Lớn, chúng tôi như ngẩn ngơ trước nét đẹp mộc mạc của kiến trúc xưa. Mái ngói đỏ, tường vôi trắng, rèm che thấp thoáng một màu xanh biếc. Những câu đối, câu liễn được treo ngoài cửa ánh trong nắng mai làm nên nét đẹp thi trung, thi họa. Khách hành hương chiêm ngưỡng nét đẹp này tựa thấy mình như đang ở chốn quê nhà, yên bình và khoáng đạt.

nha lon long son 1
Nhà Lớn có nhiều tấm phản gỗ dài để cho người hầu phiên và khách nghỉ ngơi - Nguồn: kienthuc.net.vn

Nhà Lớn gồm 3 khu vực chính: khu nhà thờ, khu lăng mộ và khu nhà chức năng. Khu nhà thờ được xây đầu tiên vào năm 1910. Khu này thờ Khổng tử, Phật giáo, Đạo giáo và tổ tiên của họ nhà Lê. Bên trong khu Chánh điện được treo nhiều câu đối, liễn và hoành phi. Chúng được chạm trổ hình hoa lá, muông thú công phu và khéo léo. Hiện nay, Nhà Lớn còn lưu giữ bộ bàn ghế bát tiên tương truyền là của vua Thành Thái từng dùng và bức tranh vẽ thơ Lục Văn Tiên được phục chế bằng kính.

Khu nhà chức năng gồm bếp, nhà khách, trường học, nhà chợ, kho chứa thóc, nhà đèn, nhà thợ mộc… được dựng lên để phục vụ cuộc sống an cư lạc nghiệp của người dân xã đảo. Ông Trần vốn coi trọng việc truyền bá chữ nghĩa nên đã thuê người về dạy học cho bá tánh ở đây. Ông cho khắc hai câu đối ở ngay cửa trường học để khuyến khích người dân học tập thành tài: “Sư truyền thiện đức thiên thu nghiệp / Sĩ đạt kỳ tài vạn lệ vinh”  (Tạm dịch nghĩa: Thầy dạy trò học là sự nghiệp muôn đời/ Người học thành tài rồi sẽ có cuộc sống giàu có, sung túc hơn). Ngày nay, các em nhỏ hoặc thanh niên trai tráng thường được các cụ dạy viết liễn, viết chữ Nôm ở Nhà Lớn để lưu truyền nét đẹp văn hóa xưa.

Khi Ông Trần mất, con cháu đưa Ông vào Nhà Lớn để thờ phụng. Từ đó, Nhà Lớn còn được nhân dân gọi là Đền Ông Trần. Khu lăng mộ cũng vì vậy mà được chú trọng,  xây dựng khang trang hơn. Những ngôi mộ ở đây được quét vôi trắng và không để bia ghi tên người mất. Cô Ba chia sẻ ý nghĩa của việc này là có dụng ý để nhắc thế hệ sau luôn nhớ về tổ tiên. “Hằng năm, cứ vào 25 tháng chạp, đông đảo con cháu dù có đi làm việc xa thì vẫn phải tụ họp về Long Sơn để thắp nén nhan, thăm mộ ông bà”, cô Ba mường tượng kể.

Ông Trần “đầu đội trời chân đạp đất”

Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu, quê gốc ở quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên (nay là huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang). Năm 1900, ông cùng 20 người thân quyến xuôi dòng Rạch Giá dừng chân ở chợ bến Long Điền. Chiếc thuyền buồm khi xưa được ông đặt tên là Ghe Sấm và hiện nay vẫn được con cháu ông bảo tồn ở Nhà Lớn. Nhận thấy đây là một vùng đất hoang sơ có tiềm năng để khai khẩn, năm 1909, ông đã đề đạt với nhà cầm quyền Pháp (tỉnh Bà Rịa) cho xây dựng đền thờ Khổng Tử (khu nhà thờ hiện nay)để làm nơi sinh hoạt tâm linh cho người dân ở đây. Sinh thời, ông Mưu thường cởi trần, tóc búi, đi chân đất, lao động suốt ngày nên người dân quen gọi là Ông Trần.

Đến Long Sơn, chúng ta ngẫu nhiên bắt gặp hình ảnh cụ ông, cụ bà hay cô chú trạc từ tứ tuần ăn mặc giản dị với áo bà ba đen năm nút, tóc búi củ hành, đầu trần, chân đất. Cách ăn mặc này rất giống với lối sống dung dị của người Nam Bộ xưa. Đây là một điểm nhận biết của những người theo đạo Ông Trần. Cô Ba cho chúng tôi biết: “Ở Long Sơn, hầu như ai cũng theo đạo Ông Trần”.

nha lon long son 2
Truyền thống viết liễn vào ngày Tết ở Nhà Lớn - Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Ông Trần vốn là một tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, biết chữa bệnh và có phẩm chất của một người “đầu đội trời, chân đạp đất”. Sau khi lập nghiệp ở Long Sơn, ông đã kết hợp chọn lọc giáo lý của đạo này với Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo để đúc kết tư tưởng: đạo làm người. Người dân tưởng nhớ công ơn của ông nên còn gọi đạo này là Đạo Ông Trần. Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín là năm yếu tố cốt lõi trong đạo làm người của ông.

Theo các nhà nghiên cứu Nam Bộ xưa, Ông Trần được coi là một ông Đạo trong tín ngưỡng của người dân. Nam Bộ xưa có lưu truyền câu chuyện về ông Đạo Chợ, Đạo Đọt, Đạo Dừa, Đạo Nằm và có cả Đạo ÔngTrần. Những nhân vật này thường mang trong mình màu sắc huyền bí vì có hành vi kỳ lạ hoặc tài năng khác người như tiên tri, chữa bệnh… Người dân ở Long Sơn theo Đạo Ông Trần một phần vì ông có ơn khai khẩn Long Sơn. Hơn nữa, đạo làm người của ông phù hợp nếp sống, nếp nghĩ đơn giản của họ.

Lúc sinh thời, Ông Trần thường kể chuyện xưa về các bậc anh hùng như Nguyễn Trãi, Lê Lợi hay ngâm thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu để cắt nghĩa, răn dạy con cháu đạo làm người.  “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga bước ra từ trong thơ và trở thành hình mẫu để con cháu, bá tánh học hỏi, chiêm nghiệm lẽ sống ở đời. Ngày nay, những hương chức ở Nhà Lớn vẫn còn giữ thói quen kể cho con cháu nghe đạo lý như vậy.

“Tu không thành tiên, mà để thành Phật, thành người”

Đạo Ông Trần đặc biệt ở chỗ không được ghi chép trong bất kỳ bộ sách kinh, kệ nào. Người theo đạo chủ yếu truyền tai nhau những lời ông dạy về lẽ sống trái phải ở đời. Họ không xây chùa chiền, không cần ăn chay, không hề “ly gia cắt ái”, mà vẫn lấy vợ lấy chồng, sinh con bình thường. Họ tu tại gia, tu tại tâm, lấy lối sống thường ngày để biểu hiện lời dạy của Ông: chú tâm đến việc thờ cúng ông bà tổ tiên, bố thí và lấy việc tu nhân tích đức làm nền tảng cho sự hành đạo. Ông Trần thường răn dạy con cháu, đệ tử: “Tu không thành tiên, mà để thành Phật, thành người”.

Gắn bó với nhà Lớn từ thời còn con gái, bà Lê Thị Kiềm, kể cho chúng tôi nghe về đạo làm người của Ông Trần. "Đạo Ông Trần vẻn vẹn được đúc kết trong 5 chữ: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đây là một tư tưởng hướng tới lẽ công bằng, vô tư 'làm ơn há dễ trông người trả ơn'. Ông khuyên bà con nên ăn ở hiền lành, ăn ngay nói thật, việc nào thiện thì làm, sai quấy thì chừa, phải tu theo phép nước, việc nhà nước cấm thì đừng làm". Nhà Lớn đón người tứ xứ về thăm cũng vì cái nghĩa hiếu khách, yêu người như vậy.

Bà Ba cho biết: “Theo triết lý của Ông, khi chết mọi người đều bình đẳng như nhau, nên bao quan được dùng chung cho mọi người. Gia đình có tang chỉ việc đến thỉnh bao quan về khâm liệm và trả lại cho Nhà Lớn cất giữ. Đám tang của người theo đạo Ông Trần không có thầy chùa tụng kinh, gõ mõ, ít tiếng than khóc và gia đình không nhận phúng điếu”.

Người qua đời được chôn cất trong vòng 24 giờ, “chiều mất sáng chôn, sáng mất chiều chôn”, mà không cần mời thầy coi ngày tính tháng. Con cháu cũng được xả tang ngay tại mộ. Đây là một cách chôn cất người chết rất giản dị và giản lược mọi thủ tục.

nha lon long son 3
Lễ hội Trùng Cửu thu hút từ 9.000 đến 10.000 người tham gia - Nguồn: Facebook

Hiện nay, Nhà Lớn có khoảng hơn 300 người là con, cháu hoặc người dân ở Long Sơn theo đạo Ông Trần tự nguyện phụ việc, quét tước, nấu nướng, tiếp khách và trông coi ở đây. Họ đều tình nguyện góp sức để gìn giữ khu di tích này mà không cần trả công. Mỗi phiên hầu ở Nhà Lớn sẽ có 5 người trực. Đàn bà lo tiếp khách phía ngoài. Đàn ông lo dâng hương, dâng nước ở khu nhà thờ.

Nhà Lớn thường xuyên tiếp khách phương xa đến thăm, khách ba miền trong nước và cả nước ngoài. Khách du lịch, người tham quan tới đây không cần phải mua vé mà chỉ cần cho biết tính danh và sẽ được mời vào khu nhà khách uống ly trà nóng và nghe các cụ kể về câu chuyện của Ông Trần. Người đến đây đều được sắp xếp chỗ nghỉ ngơi và thết đãi bữa trưa miễn phí. Đạo tiếp khách này của Nhà Lớn xuất phát từ ngụ ý “khách nào đến cũng tiếp, không phân biệt sang hèn” như hai câu đối của Ông Trần được khắc ở ngoài cửa: “Long môn xuất nhập anh hùng khách/ Thượng lộ bình an tiện quý nhân".

Mỗi độ ngày giỗ Ông Trần (20 tháng 2 âm lịch) và ngày Tết Trùng Cửu (9 tháng 9 âm lịch), mọi người theo đạo Ông Trần, bất kể già trẻ lớn bé đều đến Nhà Lớn để lo phụ giúp, cung kỉnh ("kỉnh" theo cách gọi bình thường là "cúng"), tiếp khách và để ý an ninh trong ngoài. Khách tham gia những ngày lễ này chủ yếu là ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Hằng năm, bà con ở Kiên Giang đều trích một số gạo đem tặng nhà lớn để kỉnh Ông và giúp người khó khăn. Bởi, họ nhớ đến cái ơn trời biển mà Ông đã cưu mang họ vào mùa bão năm 1904. Kỉnh Ông không có tiếng chuông mõ, kinh kệ. Người kỉnh chỉ lặng lẽ dâng cơm chay, chắp tay vái thành kính, đưa hai tay lên trán để xả rồi lui ba bước.

Đạo Ông Trần là đạo nhưng cũng không phải đạo. Bởi vì nó vốn là lẽ sống thường nhật ở đời mà người dân Việt vốn tín ngưỡng, noi theo. Ăn ở hiền lành, tránh ác theo thiện, nhân – nghĩa – lễ - trí – tín.

Rời Long Sơn trong nhiều vấn vương về Nhà Lớn và đạo làm người của Ông Trần, chúng tôi tự hứa với mình sẽ sống ngay thẳng, thành thực và tử tế như những tấm gương đẹp của người dân ở xã đảo Long Sơn: cho đi mà không nghĩ nhận lại.