Duyên Dáng Việt Nam

Giải mã một số bảo vật hoàng cung triều Nguyễn

DDVN • 02-01-2022 • Lượt xem: 749
Giải mã một số bảo vật hoàng cung triều Nguyễn

Nếu nói về bảo vật của nhà Nguyễn thì phải nói đến kho báu được vua Bảo Đại bàn giao cho chính phủ Việt Minh vào những năm 1945, trong đó có tới hơn 2.500 hiện vật.

Kho báu này đã được chính phủ giao cho Bảo tàng Lịch sử ở những năm thập niên 80 thế kỷ trước, để rồi cho đến nay đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia nghiên cứu và xuất bản rất nhiều ấn phẩm nổi tiếng. Ở bài viết này chỉ đề cập đến 3 bảo vật cần được nghiên cứu tiếp.

Chiếc hộp đựng trầu đời vua Minh Mạng

Về tục ăn trầu ở nước ta, sách Lĩnh nam chích quái cho biết có từ thời Hùng Vương, gắn liền với “Sự tích trầu cau” nói về mối tình chung thủy của vợ chồng và anh em thì thương nhau, gắn bó. Còn các nhà khảo cổ cũng đã chứng minh tục ăn trầu có từ thời văn hóa Đông Sơn, bởi họ đã tìm thấy dấu vết trong một ngôi mộ thuộc thời kỳ này ở núi Nấp thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là tập tục mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, chả thế mà trong dân gian có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, và còn là lễ vật khởi đầu trong các lễ nghi truyền thống như cưới hỏi.

Có lẽ chính vì vậy mà các triều đại ở nước ta rất coi trọng tục này, và các dụng cụ ăn trầu thường được chế tác bằng chất liệu quý như ngà voi, bạc, vàng. Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng trong các kho báu của người Chăm xưa cho thấy các dụng cụ ăn trầu được làm bằng vàng, bạc là rất phổ biến. Điển hình là chiếc bình vôi bằng vàng có niên đại khoảng thế kỷ 17, đang được lưu giữ ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Rồi chiếc bình vôi bằng vàng trong mộ phần của Thống chế Thoại Ngọc Hầu và vợ được triều đình Cao Miên ban tặng…


Đài thờ

Về hộp trầu được làm bằng vàng thì loại hình này được biết sớm nhất có lẽ là chiếc hộp của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, được thượng hoàng Hồ Quý Ly (1400 - 1407) ban tặng trong một cuộc họp triều đình nên đánh hay nên hòa với quân Minh. Tiếp đến, chiếc hộp thời chúa Nguyễn Phúc Chu trong cảnh đón tiếp nhà sư Thích Đại Sán được nói đến trong Hải ngoại ký sự. Tiếc rằng những chiếc hộp đó chỉ tồn tại trong lịch sử, còn bằng vật chất hiện tồn thì hiện nay duy nhất là chiếc hộp đời vua Minh Mạng, thuộc kho báu triều Nguyễn.

Hộp trầu này hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia, và đã được công bố trong ấn phẩm Rồng - phượng trên bảo vật triều Nguyễn thuộc trang 80, cho biết hộp dùng để đựng trầu cau trong hoàng cung đời vua Minh Mạng, ở đáy khắc 3 dòng chữ Hán được dịch như sau: “Thần Lê Văn Trường ở Cục Tượng Ngân nội tạo, vâng mệnh tạo tác, vàng 8 tuổi rưỡi, gộp lại 1 lạng 7 tiền (7 chỉ) 5 phân. Tạo tác vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824)”. Hộp cao 7,5 cm, đường kính 8,9 cm.

Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy hộp được chế tác bằng phương pháp gò, hàn, chạm, đề tài trang trí là phượng trong mây và hoa lá, được chạm với kỹ thuật nổi nhẹ điêu luyện rồi dùng vân trứng cá làm nền. Đây là một tác phẩm thuộc đỉnh cao trong nghệ thuật kim hoàn.

Tuy nhiên, điều bí ẩn và cần được nghiên cứu ở đây là trang trí trên phần nắp hộp như sau: Tại trung tâm của nắp là một hình tròn có chạm một hoa nổi cao và cẩn ở giữa một viên pha lê. Qua xem xét cho thấy hoa được thể hiện gồm ba lớp với rất nhiều cánh nhỏ, và đây

có lẽ là hoa cúc. Tiếp đến, điều thú vị là xung quanh hình tròn chạm hoa có 3 chim phượng bay vòng quanh theo chiều kim đồng hồ. Phải nói đây là một đồ án trang trí rất đặc sắc của triều Nguyễn và gợi mở đến nhiều vấn đề.

Vấn đề đặt ra ở đây, nếu hoa cúc không phải là biểu tượng của mặt trời thì chẳng có gì đáng nói, và rõ ràng nghệ nhân cung đình Lê Văn Trường cũng thừa biết nên ông đã thiết kế, đồng thời thiết kế này cũng được Cục Tượng Ngân nội tạo phê duyệt. Tức là kiểu thức trang trí này còn được hiểu là 3 chim phượng bay quanh mặt trời.

Như vậy, với kiểu thức thể hiện này chúng ta hoàn toàn có lý do liên tưởng đến trang trí ở mặt trống đồng thời Lý - Trần, đó là mặt trời ở trung tâm với rồng phượng bay xung quanh, và xa hơn nữa là trống đồng Đông Sơn với mặt trời và chim lạc cùng một kiểu thức. Không rõ kiểu thức trang trí trên nắp hộp đựng trầu này có phải là dư ảnh của văn hóa thời Lý và Đông Sơn hay là sự tình cờ thì còn phải tiếp tục nghiên cứu.

Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm trống đồng không những tồn tại phổ biến ở thời Lý, mà còn được kế thừa kéo dài đến thế kỷ 18. Bằng chứng là ở thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) đã dùng trống đồng làm hiệu lệnh trong các cuộc tập trận, và đã được nhà sư Thích Đại Sán nói đến trong Hải ngoại ký sự của mình. Còn trống đồng Cảnh Thịnh thời Tây Sơn đang lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì lại mang kiểu thức trống da và trên mặt trống không được trang trí gì. Nhưng dù sao cũng nói lên tính kế thừa từ Đông Sơn (trước Công nguyên) đến thế kỷ 18.

Đài thờ và đỉnh bạc

Đài thờ được chế tác bằng vàng và cẩn rất nhiều loại đá quý. Phải nói đây là một tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật kim hoàn. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là hình hồ lô bằng mã não màu đỏ, được các nghệ nhân xưa bố cục trên nắp một cách rất trang trọng và đề cao, nó được một đài hoa cúc đại đóa nâng đỡ ở dưới, cùng một kiểu thức hồ lô được long phù đội trên đầu như điển hình là ở bờ nóc điện Thái Hòa. Điều này nói lên tính đề cao Nho giáo ở triều Nguyễn.

Với đỉnh bạc, ngoài là một trong những tác phẩm nghệ thuật kinh điển, còn có điều đáng nói là hình ảnh mặt trời ở trên nắp đỉnh, bởi kiểu thức này cũng cho thấy rất được phổ biến trên các nghi môn, bờ nóc trong kiến trúc đền đài cung điện ở Huế. Ở đây cũng chỉ ra rằng tính đề cao thông điệp của biểu tượng của hoàng đế triều triều Nguyễn.

Chỉ với 3 bảo vật nêu trên nhưng cũng nói lên đề tài trang trí ở mỗi bảo vật đã được các nghệ nhân cung đình dụng tâm và dụng công một cách nhuần nhuyễn, biểu đạt về tư tưởng trong nghệ thuật tạo hình thật rõ ràng. Các nghệ nhân xưa đã kế thừa nhưng luôn tìm tòi và đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật.

Theo Vũ Kim Lộc/Thanhnien.vn