Duyên Dáng Việt Nam

Giao lưu trực tuyến ra mắt tác phẩm 'Về Nguyễn Huy Thiệp'

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 03-07-2021 • Lượt xem: 1740
Giao lưu trực tuyến ra mắt tác phẩm 'Về Nguyễn Huy Thiệp'

Buổi giao lưu sẽ diễn ra lúc 20 h tối Chủ nhật, 4.7.2021 trên Zoom giới thiệu một tác phẩm nhân 100 ngày mất của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021). Sách tập hợp nhiều bài viết của các nhà văn, nhà thơ, đạo diễn nổi tiếng như Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Duy, Thụy Khuê, Việt Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư... các học giả, editor, giám đốc nhà xuất bản như Marion Hennebert, Peter Zinoman, Thomas A. Bass, Thierry Leclere... Độc giả yêu văn chương có thể cùng tham gia buổi giao lưu trực tuyến này. 

Tin và bài liên quan: 

Nhà báo Nguyễn Công Khế: Tiễn Nguyễn Huy Thiệp, 'như một lời chia tay'

Thi sĩ Nguyễn Quang Thiều viết điếu văn tiễn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Nguyễn Huy Thiệp, 'Nhà văn phải cố gắng đến từng chữ'

Những đầu sách của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xuất bản tại nước ngoài

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Nguyễn Huy Thiệp, thời đẹp nhất đã qua (Kỳ I)

Dẫn chương trình và điều phối buổi ra mắt tác phẩm "Về Nguyễn Huy Thiệp" là nhà văn Di Li. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ được mời giao lưu, trò chuyện trong buổi trực tuyến như họa sĩ Lê Thiết Cương, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Văn Công Hùng, Lê Thiếu Nhơn, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà phê bình Văn Giá, Nguyễn Thành Phong, Marion Hennebert, Peter Zinoman, Thomas A. Bass, Thierry Leclere... Ban tổ chức cho biết còn nhiều nhà báo, các hãng thông tấn như VTV, VOV, các phóng viên nhiều báo cũng có thể tham gia trực tiếp bằng các câu hỏi.

Chương trình bắt đầu đúng 20 h đến 22 h tối Chủ nhật ngày 4.7.2021. 

Tôi từng viết 4 bài về con người, tác phẩm và đặc biệt là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đăng trên tờ Duyên Dáng Việt Nam. Và bài "Nhà văn phải cố gắng đến từng chữ" của tôi viết sau ngày anh qua đời (20.3.2021) đã được Ban biên soạn chọn đưa vào sách "Về Nguyễn Huy Thiệp" với đề từ như một nén hương thơm thắp tưởng nhớ anh nhân 100 ngày mất cũng chính là bài tôi ưng ý nhất. 

Bìa sách "Về Nguyễn Huy Thiệp" nhà xuất bản Dân Trí, 7.2021. Họa sĩ Lê Thiết Cương, một người bạn vong niên của nhà văn sinh thời tổ chức bản thảo.  
Như cái tựa "Nhà văn phải cố gắng đến từng chữ" các bạn mới đọc vào đã thấy toát lên quan niệm làm văn chương của Nguyễn Huy Thiệp. Văn xuôi - ở đây chủ chốt là truyện ngắn, không kể đến Kịch, Tiểu luận phê bình, Tiểu thuyết của anh - thì  đã phải "cố gắng" đến từng chữ chứ chưa bàn đến Thơ, chữ là sinh mệnh, sứ mệnh! Hiển nhiên. Sinh thời anh Thiệp còn vẽ tranh, làm dĩa gốm và rất nhiều thơ. 

Họa sĩ Lê Thiết Cương từng tổng kết: "Truyện ngắn Việt Nam hiện đại có thể kẻ một đường thẳng từ Nam Cao đến Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng Nam Cao độc đáo ở tả. Còn Thiệp là ở thoại". Bức ảnh tình bạn giữa hai ông lúc sinh thời. Hình như tuần nào họ cũng có những gặp gỡ tại gallery 39 Lý Quốc Sư - Hà Nội. Nhiều truyện ngắn nổi tiếng như "Không có vua" nhà văn đã viết tại căn nhà này.   

Có một điều thú vị ở câu "Nhà văn phải cố gắng đến từng chữ" tôi đúc kết trên đây là một câu chuyện dài mà muốn kể thêm ở đây vì không có trong bản in.

Tác giả trong buổi họp cùng các nhả văn, nghệ sĩ sẽ giao lưu trên Zoom trực tuyến bắt đầu vào lúc 20 h tối Chủ nhật, 4.7.2021.   

Câu này rút ra từ ghi chép của tôi một buổi chiều tôi bay Hà Nội cùng anh em tập đoàn truyền thông Thanh Niên và tạp chí DDVN làm chương trình ca nhạc Duyên Dáng Việt Nam chủ đề "Xuân". Chúng tôi đã cùng hẹn nhau đi ăn tối. Anh Thiệp thường ngồi với nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh mỗi buổi chiều ở cà phê Nhân phố Hàng Hành. Buổi trò chuyện của chúng tôi đã diễn ra ở đây. 

Gần đây bất ngờ tôi thấy quan niệm này của anh Thiệp gần giống với cách nhìn  của nhà văn Italo Calvino (Ý) trả lời phỏng vấn của nhà báo William Weaver đăng trên tờ The Paris Review, đại ý: "Khi nói tôi phải lựa từng chữ, và khi viết, tôi cũng nhọc nhằn như thế!...". 

Những nhà văn, nghệ sĩ lớn trong thời đại của mình đều có vị thế đứng cao hơn so với cộng đồng chung bởi những ý thức và trách nhiệm tự nhận lãnh hay tự "trói buộc" như vậy! Đó là cây thập-tự-giá-chữ-nghĩa mà khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc cuộc hành hương họ phải mang giữ trên vai như sứ mệnh thiêng liêng suốt cuộc đời! 

Các nhà văn trong nước và nước ngoài cùng gặp gỡ trong một giao lưu trực tuyến giới thiệu tác phẩm "Về Nguyễn Huy Thiệp" nhân 100 ngày mất của ông. Chương trình và sách do công ty Liên Việt và nhà xuất bản Dân Trí tổ chức, phát hành. 

Nói về nghề văn, tưởng không thể không nhắc đến đoạn đối thoại "Nói chuyện một mình" mà trong cuốn sách "Về Nguyễn Huy Thiệp" đã nhóm tuyển chọn đã sưu tầm được để giới thiệu rộng rãi cùng các bạn yêu văn chương. Và còn rất nhiều bào hay như thế ở trog sách mà các bạn nên tìm đọc. 

“Hỏi: Một nhà văn phẩm chất là gì?
Đáp: Tôi biết rõ lắm. Tôi chỉ nhắc lại lời của các cụ ngày xưa thôi. Lê Quý Đôn nói: “Văn học không phải trò chơi, là câu chuyện phiếm. Muốn văn hay phải hiểu biết và từng trải nhiều. Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”. Lê Quý Đôn quan niệm như thế nghĩa là mặc nhiên đặt nhà văn vào vị trí một trí thức, thậm chí phải là người trí thức nhất trong cộng đồng.
Hỏi: Cổ điển quá, tuyệt đối quá!
Đáp: Đúng rồi. Rất cổ điển, tuyệt đối! Nhưng nên hướng về cổ điển và tuyệt đối. Tôi thì chưa thấy ai làm được như thế trong thế hệ mình.
Hỏi: Anh là ai?
Đáp: Tôi là một dạng ăn mày, một nhà văn may mắn gặp thời. Tôi gặp được toàn những người rất tốt. Tôi ăn may…


Hỏi: Ăn may hay ăn mày?
Đáp: Thành công thì gọi là ăn may!
Hồi bé tôi rất thích truyện Trạng Lợn. Trạng Lợn đi qua một cái làng, định vào đấy nghỉ đêm, thấy ở cổng làng có dựng một cái chày đứng. Trạng Lợn thấy thế bèn lấy bút ra viết vào tường hai chữ “đừng cháy” rồi bỏ đi. Thế nào đêm ấy làng này để củi lửa ra sao hóa ra cháy sạch! Chuyện ấy thật buồn cười, nó ám ảnh suốt cuộc đời viết văn của tôi.
Hỏi: Anh đã gặp chuyện gì tương tự thế chưa?
Đáp: Gặp nhiều chứ!
(Trích trang 199 đến trang 201 - Sách "Về Nguyễn Huy Thiệp" - Nxb Dân Trí 7.2021)


Từ điển mở Wikipedia đã hệ thống từ nhiều bài viết, trong đó có bài của tôi đã đăng trên DDVN, về nhà văn như sau: Nguyễn Huy Thiệp là hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, để lại sức ảnh hưởng và dấu ấn lâu dài trên văn đàn. Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết, tiểu luận văn chương, kịch... nhưng đặc sắc nhất là truyện ngắn. Truyện ngắn của ông có cấu trúc, nhân vật, ngôn ngữ, cách triển khai riêng biệt, ảnh hưởng đến nhiều cây bút trẻ; chỉ thoáng đọc đã nhận ra ngay "chất Nguyễn Huy Thiệp đặc sệt" trong sáng tác của họ. Ðó là những câu văn ngắn, tốc độ nhanh, ngữ pháp đơn giản nhưng sắc lẹm, nhiều ẩn dụ, có lúc thật tinh khôi, có lúc thật ám ảnh, ma mị. Nhiều nhà phê bình gọi đó là lối văn tự sự mang xu hướng tự thuật, cô đọng, ngắn gọn, gọi thẳng tên sự việc hiện tượng, rất ít dùng phương pháp uyển ngữ.

Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp in dấu ấn khá đậm nét về nông thôn và những người lao động. Sở trường của ông là truyện ngắn, mảng đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động.

Một trong những mảng đề tài đặc sắc nhất của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là nông thôn, với Chảy đi sông ơi (1985), Những bài học nông thôn (1988), Thương nhớ đồng quê (1992), đã dựng thành phim năm (1995), Chăn trâu cắt cỏ (1996), Chú Hoạt tôi (2001)... Mảng đề tài thứ hai là về miền rừng núi, mang dấu ấn 10 năm ông dạy học ở Tây Bắc. Ðó là những truyện ngắn xuất sắc: Những ngọn gió Hua Tát (1971-1986), Muối của rừng (1986), Những người thợ xẻ (1988) đã dựng thành phim cùng năm...

Và một mảng đề tài nữa là cuộc sống thị dân: Huyền thoại phố phường (1983), Tướng về hưu (1986) đã dựng thành phim năm 1988), Không có vua (1987)..., tuy được viết về khía cạnh ngột ngạt, bức bối nhưng vẫn đặt ra được những câu hỏi về lẽ sống, nhân cách và lòng yêu thương con người.

Ngoài ra ông còn viết kịch, thơ (chưa xuất bản tập thơ nào, nhưng xuất hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của ông) và tiểu luận phê bình đăng trên nhiều báo, tạp chí trong nước. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài.

Năm 2004, bài viết "Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn" của ông, đăng trên Tạp chí Ngày nay, tạo ra những tranh luận sôi nổi trong giới văn chương một thời gian dài trên báo Văn nghệ và một số trang mạng tại Việt Nam. 

Cuối cùng, tôi đã chọn được câu tiêu biểu sau đây để thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tâm tình về nghề chữ nghĩa. Đọc rất xúc động. 

“Viết văn là công việc khó, nhưng nó cũng rất bình dị. Chúng ta không nên đặt quá nhiều chức năng, điều nọ điều kia lên đôi vai còm cõi của nhà văn. Tôi nghĩ nhà văn cũng như người đánh giầy hay người may veston, họ chăm chỉ, cố gắng sống bằng công việc. Viết văn cũng như những nghề khác, không phải kiếm được rất nhiều, nhưng cứ trung thành với nó, tận tụy với nó có thể sống được ở mức cơ bản nhất. Viết văn giống như thuật dưỡng sinh, để đi hết cuộc đời trầm luân, khổ ải này...”. 

Sài Gòn, tòa soạn, chiều 3.7.2021.

Nguyễn Hữu Hồng Minh