Duyên Dáng Việt Nam

Giao lưu văn chương trực tuyến: Thi sĩ Trần Hoàng Phố, nhà văn Phạm Thị Anh Nga

Đông Dương • 27-11-2021 • Lượt xem: 9186
Giao lưu văn chương trực tuyến: Thi sĩ Trần Hoàng Phố, nhà văn Phạm Thị Anh Nga

Thi sĩ Trần Hoàng Phố (tức Nguyễn Phước Bửu Nam) và nhà nghiên cứu Phạm Thị Anh Nga là hai nhà giáo, hai nhà khoa học, hai nhà văn và là đôi bạn trăm năm cùng xuất hiện trên đặc san Quán Văn số 82 với chủ đề "Nhật Nguyệt Dấu Yêu". Mời bạn đọc gặp gỡ, giao lưu trực tuyến lúc 9 h sáng Chủ nhật, 28.11.2021. 

Tin và bài liên quan: 

Khám phá: Những câu chuyện bất ngờ về cuộc đời Thomas Edison 

Tháng ngày không tọa độ - Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

Thi phẩm 'Vỉa từ' của Nguyễn Hữu Hồng Minh: Những sáng tạo mới Thi ca

Kraun Sinhapura, sông Thu Bồn xưa và tam giác châu thổ - Đinh Bá Truyền 

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu 'Vỉa Từ' bản tiếng Tây Ban Nha

Nhà nghiên cứu phê bình văn học TS Nguyễn Thị Tịnh Thy (Huế) đã viết giới thiệu chân dung đôi thi sĩ nghệ sĩ như sau: 

Phạm Thị Anh Nga, không thể nhạt mờ

"... Năng khiếu văn chương của Anh Nga có từ thuở thanh xuân. Năm 1974, cô đã đăng truyện ngắn trên tuần san Tuổi Ngọc. Chút Bất Ngờ Cho Cô Nhỏ, Điều Khám Phá Tuyệt Vời, Vì Sao Trong Đêm Thánh, Lưng Chừng Hạt Mưa,… viết về tuổi học trò với những mối tình chớm nở thật trong trẻo đáng yêu; tuổi hoa niên đầy mộng mơ lãng mạn. Và, hình như truyện của Anh Nga cũng trở nên già đi theo năm tháng. Đã có những mất mát và rượt đuổi trớ trêu trong Muôn Thuở Tìm Nhau với kết cấu như một bài thơ văn xuôi; những cồn cào nhung nhớ xen lẫn chua chát và đau khổ vì “tưởng rằng đã quên, cuộc tình sẽ yên, tưởng rằng đã quên, nhưng tim yếu mềm…” trong Tháng Năm Cổ Tích với hình thức nhật ký mang yếu tố tự truyện. Chuyện Của Anh lại xây dựng được một kiểu nhân vật cơ hội điển hình của thời đại với giọng điệu châm biếm nhẹ nhàng mà thâm thuý, thể hiện sự thành thục của một cây bút truyện ngắn.


Bìa cuốn "Nhật Nguyệt Dấu Yêu" tác phẩm thơ của Phạm Thị Anh Nga 

Trong các thể loại tản văn, truyện ngắn và thơ của Anh Nga, tôi vẫn thích nhất là tản văn. Bởi vì đọc tản văn của cô, tôi được tiếp xúc với một người phụ nữ biết yêu và trân trọng những gì mình đang có. Tản văn của Anh Nga đã mang tôi đi đến tận phương Tây rực rỡ và Ai Cập huyền bí, nhưng rồi lại trả tôi về với xứ Huế cổ kính thân thương, nơi mà tập tục lễ nghi rườm rà đã là một phần của đời sống hằng thường mà cô vui vẻ đón nhận. Và hình như với Anh Nga, chỉ cần yêu những người xung quanh, quý những thứ xung quanh thì cũng đủ để hạnh phúc tròn đầy. Thú thật, tôi học được rất nhiều những bài học đức hạnh từ tản văn của Anh Nga.

Văn của Anh Nga nhẹ nhàng, giản dị, tự nhiên nhi nhiên, rất có duyên dù không hề làm dáng. Đó như là cái duyên của một người phụ nữ có vẻ đẹp trí tuệ và tâm hồn, không cần trang điểm thì cũng đã cuốn hút và mang lại cảm giác thư thái, yên ổn cho người đối diện. Viết lách đối với cô, cơ hồ như là một động thái hằng thường, một công việc thú vị để được là chính mình, đối thoại với mình, nhìn lại những buồn vui khóc cười của cuộc sống. Giản dị vậy thôi, nhưng suy cho cùng, giản dị chính là cảnh giới cao nhất của nghệ thuật…".


Đôi nghệ sĩ thi sĩ Trần Hoàng Phố và nhà văn Phạm Thị Anh Nga.

Trần Hoàng Phố, chàng chăn cừu cô đơn trên thảo nguyên chữ nghĩa

"... Thơ Bửu Nam - Trần Hoàng Phố là một thế giới cổ xưa, xa xăm chất chứa nỗi cô quạnh của kiếp người, nỗi hoài niệm về thời quá vãng; là sự kết hợp của những suy tư triết học phương Đông lẫn phương Tây, những cổ mẫu và biểu tượng in đậm dấu ấn của vô thức tập thể lẫn vô thức cá nhân. Cảm thức thơ dẫu buồn bã cô độc, nhưng vẫn mang vẻ đẹp đẽ và sang trọng của nỗi buồn quý tộc. Trần Hoàng Phố đưa người đọc lướt đi trên những áng mây xa, những thảo nguyên xanh hoang vắng, những đền đài ngả bóng hoàng hôn rực rỡ một thời… Ở những nơi đó, ta bắt gặp “bài hát du mục”, “thần khúc u sầu”, “những con chim lửa”, “những cánh chim thiên di bay qua các thiên nhã ca”, những “đổ nát điêu tàn của nền văn minh”, “đấu sĩ giấc mộng và mặt nạ”, những “sấm truyền” “và lời hiến tế”, “nhạc thánh đường”, “hồi chuông sớm”, “tội tổ tông”, “ngày tận thế”, “mùa lễ tro”, “chén rượu thánh” và “bữa tiệc chữ cuối cùng”…

Trong thơ Trần Hoàng Phố thấp thoáng hình ảnh của các tiểu hành tinh mà Hoàng tử bé của Saint-Exupéry say mê khám phá và bầu trời đầy sao của Chàng chăn cừu xứ Provence của ‎Alphonse Daudet‎, thấp thoáng bóng dáng của chàng kỵ sĩ phương Tây rong ruổi trong khu rừng với toà lâu đài cổ ẩn hiện trong những thiên tiểu thuyết hiệp sĩ, thấp thoáng nhiều điển tích của Kinh Thánh với không gian rợn ngợp và tráng lệ như những bức cổ hoạ Tây phương trên mái vòm các giáo đường thinh lặng. Nhưng đồng thời, vẻ trầm mặc của phế tích kinh thành và giếng cổ, sự bảng lảng của đám mây đem sương mù về ngủ bên núi, giai điệu ngân nga bổng trầm của tiếng chuông chùa bên thành Hoá Châu xưa cũng khiến thơ ông thấm đượm màu sắc phương Đông. Lắng chìm trong đó là nỗi trăn trở đến khắc khoải “đi về đâu hỡi lịch sử” và niềm thao thức với hiện tại, băn khoăn với bến đỗ linh hồn “sau bao ngộ nhận của hành trình kiếm tìm đau đớn/ như đàn chim di trú trở về cố hương xa thẳm” (Hãy Để Cho Trái Tim Bạn Tái Sinh Cùng Mùa Xuân). Tất cả những suy tư kim cổ Đông Tây đó hoà vào trong tâm thức người nghệ sĩ, để rồi bật ra những ngôn từ và hình ảnh thơ đầy sáng tạo, khiến mỗi chữ, mỗi câu, mỗi hình ảnh và nhạc điệu đều có sức cuốn hút và lay động vô cùng..." (Trích nghiên cứu, phê bình của TS Nguyễn Thị Tịnh Thy). 

Kính mời quý vị tham dự sự kiện online vào lúc 9h00 Chủ nhật, ngày 28/11/2021. Với đường dẫn vào buổi giao luu sau:

Link: https://zoom.us/j/4245420729...


Bìa số tạp chí Quán Văn giới thiệu chủ đề "Nhật Nguyệt Dấu Yêu". 

Đ,D.