VĂN HÓA

Gốm cổ Sông Hương, tình yêu tri âm và câu chuyện văn hóa

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 25-04-2022 • Lượt xem: 1242
Gốm cổ Sông Hương, tình yêu tri âm và câu chuyện văn hóa

Bảo tàng Gốm cổ sông Hương vừa chính thức ra mắt tại Huế những ngày cuối tháng Tư. Được sống trong không khí của Thái tộc Gia trang những ngày chuẩn bị cho sự kiện khai mạc quan trọng này mới hiểu hết tấm lòng yêu quê hương, yêu Huế của một người con đất Thần kinh: GS.TS Thái Kim Lan sống xa tổ quốc, ở Munich nước Đức. Có những công việc chị đã âm thầm chuẩn bị từ nửa thế kỷ trước...   

Tin và bài liên quan: 
Trò chuyện với GSTS Thái Kim Lan: Tuồng cổ và Triết học (Bài 1)
Trò chuyện với GSTS Thái Kim Lan: Diễn từ giải thưởng Đào Tấn (Bài 2)
Qua Munich gặp cố đô - Tùy bút Nguyễn Văn Dũng
Nam Triều Y trang viện: Trung thu ở Huế
Nhớ Phùng Thăng, người dịch 'Câu chuyện dòng sông' và 'Kẻ lạ ở Thiên đường'

GS.TS Thái Kim Lan là một gương mặt khá độc đáo trong giới trí thức Việt sống xa đất nước. Là người nghiên cứu, giảng dạy triết học, có nhiều công trình chuyên sâu về lĩnh vực này bà còn nổi tiếng trong việc giới thiệu những cái hay, cái đẹp của văn hóa, văn học, thi ca Việt Nam... ra thế giới và ngược lại.

Tác giả bài viết và GS.TS Thái Kim Lan (phải) chụp ảnh với bộ sưu tập Gốm cổ Sông Hương tại bảo tàng Thái gia tộc, mồng 6 Tết Canh Dần 2022. (Ảnh: Nguyễn Văn Hiệp)    

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu Triết học Thái Kim Lan người điều phối đêm thơ của  nhà thơ Tô Thùy Yên và thi sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh trong chương trình giới thiệu Thơ Việt Nam chủ đề "105 Kinh độ Đông" do Viện Goethe Institut và trung tâm LiteraturWERKStatt tổ chức tháng 11.2005 tại Diễn Đàn Viện Văn hóa Goethe - Muenchen, nước Đức. Đây là trụ sở chính của Viện Goethe, thi hào nổi tiếng. Cẩn biết thêm Viện Goethe Institut hiện nay có mặt khắp nơi trên thế giới.

Vì những kỷ niệm đẹp đó, khi nghe chị Thái Kim Lan về nước và sống ở Huế, tôi rất muốn có một dịp gặp lại chị. Khi nhà thơ Tô Thùy Yên mất, tôi càng thấy thời gian gấp rút. Hai chị em hẹn hò mãi cho đến mấy ngày đầu xuân Canh Dần 2022 năm nay, tôi có dịp ra Huế và đến thăm Thái gia tộc của chị. May mắn hơn được chị cho lưu trú lại Thái gia tộc hai hôm để nghe chị giảng thêm nhiều điều về triết học và văn hóa Huế.   

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp (Viện trưởng viện Ngôn ngữ học Việt Nam), GS.TS Triết học Thái Kim Lan và tác giả bài viết (Ảnh: Trương Thị An Na )

Trong không mưa xuân, tết Huế, chị Lan đã tôi uống một thứ rượu mơ đặc biệt do chính tay chị chưng cất. Rượu ngon, làm tôi nhớ thi sĩ Lê Đạt từng biến tấu hai câu thơ: "Thánh hiền bặt dưới cỏ xanh / Riêng tên nghiện rượu lừng danh để đời". Hai câu này vốn để ca tụng Lưu Linh. Chị Lan cũng là người dịch thơ Lê Đạt sang tiếng Đức. Thứ thơ mà những tay mơ không thể dịch được.

Tôi kể với chị Lan câu chuyện sau: "Gần đây em mới hiểu câu thơ của Lê Đạt. Làm thơ "phu chữ" như ông khó kinh".

Chị Lan tò mò: "Câu chi rứa? Đọc chị nghe coi".

Tôi trả lời: "Thì câu nổi tiếng của Lê Đạt mà người đời vẫn xưng tụng ấy thôi! Nhưng em nghĩ họ xưng tụng đu theo trend thế thôi chứ chưa chắc mấy ai hiểu. "Chiều Âu Lâu / bóng chữ động chân cầu"... ". Chị Lan cười: "Vậy em hiểu thế nào câu này?".

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp và nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh ở bảo tàng Gốm cổ sông Hương của GS.TS Thái Kim Lan. 

Tôi uống cạn hơi rượu nồng thơm cho đã rồi mới nói: -"Em cũng băn khoăn mãi câu này vì thấy không có gì hay cả! Mãi có đến gần đây, đọc bộ "Việt Nam Phật giáo Sử luận" của tác giả Nguyễn Lang mới ngộ ra chút. À, mà Nguyễn Lang hóa ra là bút danh thầy Nhất Hạnh. Cuốn này nhiều vấn đề nhức óc lắm nếu đưa ra bàn luận! Thôi kệ! Ở đây nói cái hay thôi! Thầy Nhất Hạnh có viết một chương về kinh đô Phật giáo Việt Nam tên là Luy Lâu ngày xưa phát truyền và phát triển khá rực rỡ ở Bắc Ninh khi các nhà sư theo con đường tơ lụa từ Ấn Độ sang Việt Nam thời bấy giờ.

Thầy còn diễn giải cho rằng trung tâm (hay Kinh đô?) Phật giáo Luy Lâu đã ra đời và có thể có trước cả trung tâm Lạc Dương của Trung Hoa. Như vậy có thể chữ "Lâu" trong thơ Lê Đạt biến tấu từ đây cộng với chữ "Âu" từ cái tên Việt cổ là Âu Lạc! Câu thơ "Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu" của Lê Đạt nhắc đến sự rung động tâm hồn Việt Giao chỉ từ ngàn xưa... ".

Tác giả trong bảo tàng Gốm cổ sông Hương mùa xuân 2022. 

Chị Thái Kim Lan cười. Đại loại những câu chuyện hai chị em chúng tôi giữa mùa xuân nói toàn những chuyện Đông Tây kim cổ đọc và ngẫm như thế! Cũng trong Gia Trang Thái tộc, Thái Kim Lan nói chuyện triết học giữa Arthur Schopenhauer, Martin Heidegger, Jean-Paul Sartre... theo chị có khai triển nhiều vấn đề Sống - Chết, ý nghĩ tồn tại ngẫu sinh từ triết học Phật giáo. Rồi chúng tôi nói chuyện gốm sông Hương. 

Đây là bộ sưu tập đã bắt đầu thực hiện từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Chị Thái Kim Lan đã nhờ một người anh là một họa sĩ tài hoa mua gốm cổ tình cờ vớt được tử đáy sông Hương lên cũng như các nguồn khác. Thường là bình cổ, chén, lọ... Lâu dần bộ sưu tập đầy lên để có thể thành một bảo tàng như hiện nay. Để có bộ gốm trải dài nhiều niên kỷ, thời đại, dòng sông Hương đã kể một câu chuyện thời gian qua những gì trục vớt được "duyên ngộ" trong lòng nó để về với một GS.TS Triết học, một tri âm thành tri kỷ.   

Bao công phu để có thể nói lời cảm ơn với gốm cổ sông Hương. Dưới đây là lời phát biểu của chủ nhân bộ sưu tập với quan khách và người yêu cổ vật.

 

Bài phát biểu của GS.TS Thái Kim Lan trong buổi ra mắt giới thiệu bảo tàng Gốm cổ sông Hương:

Xin nói một lời cám ơn thật sâu xa đến tất cả mọi người đã tham dự buổi lễ khai mạc Bảo Tàng Gốm Cổ Sông Hương 17/04/2022, những quà tặng của những người không đến được.

Xin cám ơn Chư tôn đức, quý vị chức trách và tất cả các nghệ nhân đã góp phần long trọng, rực rỡ trong suốt ngày khai mạc. Cám ơn sự nồng nhiệt của quý khách!

Kính thưa quý tôn khách, các thân hữu và anh chị em,

Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn sự hiện diện của quý vị trong buổi khai mạc khiêm tốn của Bảo Tàng Gốm Cổ Sông Hương hôm nay.

Thật không thể nói hết lời sự cảm kích của chúng tôi, được nhận những thịnh tình và chân tình của mọi khách quý, của các thân hữu trí thức, nghệ sĩ, của chị em thiết thân, không quản đường xa từ khắp nơi: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, đã dành thì giờ, nhất là tình thương và tâm thành đến nơi chốn nhỏ bé này để cùng chia xẻ niềm vui về sự ra đời của một địa chỉ văn hóa mới, vốn đã tồn tại lâu dài bên dòng sông Hương, trên ngọn đồi Hà Khê. Có thể nói, trong quá trình hiện hữu của một dòng họ, trải qua nhiều thế hệ, với những trăn trở, thao thức, tích lũy vật chất và tinh thần, Thái tộc từ đường hôm nay đã trở dạ sinh thành nên một diện mạo mới mong muốn đóng góp thêm vào di sản và gia sản của văn hoá Huế trên giải đất gấm vóc này.

Lan Viên Cố Tích chính là diện mạo ấy, được xây dựng trên nền tảng và cội nguồn từ ký ức quá khứ, từ chất liệu cổ xưa của những nền văn minh đã trải qua trên dải đất Thuận Hoá, một dải đất luôn trở mình với thời đại như dòng sông Hương luôn chảy, nhưng luôn giữ trong lòng trầm tích và di tích con người sống trên vùng đất nó chảy qua. Gốm Sông Hương chính là dấu tích quá khứ đang trở thành tương lai cho người đi sau. Chính sự tích lũy chỉ có ý nghĩa "cố tích" khi nó làm giàu cho mai sau, gây cảm hứng sáng tạo cho người đi sau trong những điều kiện hiện sinh mới, khác với quá khứ, sống động và hiện đại. Hơn nữa, sự tồn tại cũng chỉ có thể tồn tại trong sự cùng nhau chung sức xây dựng để phát triển, hoàn thiện hơn, đẹp hơn.

Chính trong lúc thực hiện góp nhặt những hiện vật cổ xưa trong căn nhà xưa trên nền đất xưa, cảm nhận những bàn tay góp sức, chung sức thật sâu xa, và nơi đây tôi xin nói lời tri ân tất cả những bàn tay của các em trẻ, đã cùng tôi khám phá, nhận ra trong quá trình tu bổ xây dựng vẻ đẹp trang trọng của quá khứ và giá trị của nó trong tương lai.

Sự khai mạc Bảo tàng Gốm Cổ Sông Hương hôm nay do đấy đánh dấu một giai đoạn mới của bộ sưu tập gốm cổ của gia đình và bằng hữu, bảo tàng trong nghĩa - trước hết chủ quan - cố sức mình - sau nữa - không một mình - mà luôn có sự quan tâm, ủng hộ của bằng hữu, của nhà chức trách trong việc gìn giữ và phát huy. Năng lực chung sức như tôi đã nhận được trong thời gian qua khi xây dựng bảo tàng và ngay chính trong khu vườn này, giờ phút này, cảm nhận sự chia xẻ gần như ruột thịt lại sống động và xúc động hơn bao giờ…

Rằng trăm năm cũng từ đây

Của tin gọi một chút này làm ghi

Gốm cổ ngàn năm là sự ký thác trăm năm cho mai sau và ngàn sau nữa...

Cũng thế "Của tin"- như bà tôi thường nhắc, "của tin" có nghĩa gìn vàng giữ ngọc cho nhau, đó chính là bảo tàng của con người.

Trân trọng cám ơn và kính chúc một cuộc gặp gỡ khai mạc đầy thân ái.

                                                                                            GS.TS Thái Kim Lan