Duyên Dáng Việt Nam

'Mẹ tôi chửi kẻ trộm' - Còn có ai đọc thơ?

Đông Sơn • 06-10-2021 • Lượt xem: 1070
'Mẹ tôi chửi kẻ trộm' - Còn có ai đọc thơ?

Trong nhịp chảy hiện đại, hình như thơ không còn nhiều đất sống như các loại hình khác khi so sánh với truyền hình, phim ảnh...Và đặc biệt là internet với bao trò chơi giải trí lôi cuốn trên mạng. Tuy vậy, thơ vẫn có thị phần ít ỏi của nó trong ký ức tâm hồn. Một bài thơ có rất nhiều cách đọc và cách hiểu. DDVN giới thiệu bài viết của Đông Sơn vừa gửi về từ Đà Nẵng.

Tin và bài liên quan: 

Mùa Covid-19 bỗng nhớ Hội An

Tháng ngày không tọa độ - Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

Ruồi Nhiệt Đới - Tiểu thuyết Nguyễn Hữu Hồng Minh (Kỳ 1)

'Tôi gọi tên nỗi buồn sáng nay' và những bài thơ khác

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu 'Vỉa Từ' bản tiếng Tây Ban Nha

Lâu nay thơ ca là thứ không ai thèm đọc, thèm quan tâm khi những thứ hấp dẫn khác cứ nháo nhào, đổ xô trên mặt báo. Và bây giờ là “chửi” thơ, cũng là một cách lật nhào cái không ai “thèm” quan tâm.Nói về tác giả thơ người dân tộc, trước đây bạn đọc vẫn nhớ cái tên: Lò Ngân Sủn, người dân tộc Dáy với lối nói mộc nhưng hay và đậm chất thi ca,  có bài thơ “Chiều biên giới” được nhạc sỹ Trần Chung phổ nhạc nổi tiếng cả nước với giai điệu mượt mà, nhẹ nhàng và lời thơ đậm chất bảng lảng heo may của núi rừng biên giới.

 

Chiều biên giới em ơi

Có nơi nào xanh hơn

Như tiếng chim hót gọi

Như chồi non cỏ biếc

Như rừng cây của  lá

Như tình yêu đôi ta.

Chiều biên giới em ơi

Có nơi nào cao hơn

Như đầu sông đầu suối

Như đầu mây đầu gió

Như quê ta ngọn núi

Như đất trời biên cương.

Chiều biên giới em ơi

Có nơi nào đẹp hơn

Khi mùa hoa đào nở

Khi mùa sở ra cây

Lúa lượn bậc thang mây

Mùi toả ngát hương bay.

Chiều biên giới em ơi

Rừng chăng dây điện sáng

Ta nghe tiếng máy gọi

Như nghe tiếng cuộc đời

Lòng ta thầm mê say

Trên nông trường lộng gió

Rộng như trời mênh mông.

Chiều biên giới em ơi

Đôi ta cùng chiến hào

Gần nhau thêm bền chí

Tình yêu là vũ khí

Giữ đất trời quê hương.

Chiều biên giới em ơi

Nghe con sông chảy xiết

Nghe con suối thác đổ

Hồn ta như ngọn gió

Thổi giữa trời quê hương

Hoàng Liên Sơn, 1980

Trở lại chùm thơ ba bài vừa đoạt giải thưởng cuộc thi của báo Văn nghệ năm của tác giả Tòng Văn Hân, bài thơ được “chửi” nhiều nhất của tác giả này mộc mạc đến vô hồn. Những câu thơ diễn văn xuôi, không vần điệu tạo cảm giác nhàm chán cho người đọc, hình ảnh thơ không có gì mới, không tạo sự độc sáng, cái lạ trong lòng người đọc. Lẽ dĩ nhiên nếu để mặc bài thơ một mình hẳn không ai chú ý, nhưng khi đặt nó lên giải cao nhất của cuộc thi ( giải B, giải cao nhất của cuộc thi) thì lắm kẻ “săm soi”. Bởi bài thơ được tôn vinh cho một người có tài nhưng lại không hay lắm, không mới lạ. Nếu như cuộc thi trao giải đặc biệt cho một tác giả người dân tộc mà lại biết làm thơ bằng tiếng Kinh để diễn giải cho văn hóa của người dân tộc Thái thì ắt hẳn đó là điều thú vị, là điểm nổi bật cho cuộc thi. Thế nhưng để xếp hạng vào giải cao nhất ắt hẳn là có sự nhầm lẫn hoặc cuộc thi quá nhạt nhẽo, không có người tôn vinh xứng đáng.

Mẹ tôi chửi kẻ trộm

Những lần gà nhà tôi bị mất

Mẹ tôi chửi:

- Cái đứa trộm gà ơi

Ta cầu mong cho ngươi

Nuôi được gà đầy đàn

Lứa này tiếp lứa khác

Có nhiều gà nhất bản

Có nhiều gà nhất mường!

Những lần lợn con nhà tôi bị mất

Mẹ tôi chửi:

- Đứa nào trộm lợn nhà tôi

Thì hãy có nhiều lợn

Đàn tiếp đàn núc ních

Lứa tiếp lứa không ngừng

Bán được nhiều tiền nhé!

Từ thuở bé đến giờ

Hễ nhà mình mất gà mất lợn

Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế

Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả

Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa.

Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường

Nhan sắc không bằng đám bạn

Khéo léo không bằng người ta

Thế mà có hẳn bốn nhà

Muốn được tôi làm con dâu của họ.

Bài thơ đọc kỹ là lời nói diễn suông. Không hoa mỹ và câu chữ ít ngôn ngữ thơ. Ý tứ được sắp đặt vụng về như lời nói.

Theo lời của tác giả nhà thơ Tòng Văn Hân người dân tộc Thái, là người ít sáng tác thơ. Có nhiều lời chê trách tác giả, theo cá nhân tôi là không nên lắm. Bởi theo quan niệm người Kinh và Thái là hai dân tộc anh em. Và tấm lòng người Kinh thì luôn rộng mở với người Thái. Với văn hóa của người dân tộc Thái thì cũng nên tôn trọng.

Cá nhân tôi cũng rất tôn trọng BGK là những cây bút nổi tiếng, cây đa cây đề trong làng văn học Việt Nam và điều có những tác phẩm hay.

Và tôi tự đặt câu hỏi: Những người chê trách tác giả liệu họ đã có những tác phẩm hay chưa? Và nếu viết hay tại sao họ không dự thi đi.

Tiếc là giải thưởng đã trao, tác giả đã nhận. Điều tiếng không tránh khỏi. Chỉ mong BTC rút kinh nghiệm để tổ chức cho những cuộc thi sau.

Tính nhân đạo là một đức tính truyền thống nhân văn của người Việt. Ví dụ như việc trao trả tù binh trong kháng chiến, việc tha tội chết cho tử tội… Và những điều này đi kèm với hành động giáo dục và là sự tha thứ chứ không phải là sự bỏ qua.

Như trong trường hợp này cả người ăn trộm và người bị trộm không hề biết mặt, mà lại có sự tha thứ từ người bị mất trộm con gà rằng:

Cái đứa trộm gà ơi

Ta cầu mong cho ngươi

Nuôi được gà đầy đàn

Lứa này tiếp lứa khác

Có nhiều gà nhất bản

Có nhiều gà nhất mường!


Phong cảnh nên thơ của làng bản người Tày ở xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa ( tỉnh Lào Cai) được nhiều khách quốc tế chọn tới thăm.

Không khéo là điều cầu chúc vô nghĩa mà kẻ trộm, kẻ lười biếng ăn cắp lại được tạo điều kiện ăn trộm (cắp) nhiều hơn. Lời cầu chúc, thái độ nhân đạo dường như vô nghĩa, trái ngược khác với tính giáo dục, tính nhân đạo. Vì vậy tứ thơ trở nên không mạch lạc, thiếu tính logic và bài học giáo dục nhân văn trở nên sáo rỗng trong lòng người đọc.

Nếu bài thơ mang tính ngụ ngôn, tính ẩn dụ thì lại không cao, thiếu tính sâu sắc.

Thật tội cho tác giả trong cuộc thi thơ; Khi không vì bài thơ dự thi được giải lại gây ồn ào không đáng có. Một giải “phản đối” của khán giả  phản ngược với giải thơ của BGK chắc chắn bài thơ không còn bạn đọc.

Thôi thì, chân cứng đá mềm, đường xa vạn dặm… Hy vọng lần sau cuộc thi lại có người được giải cao hơn, ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc về một bài thơ hay!

----------

(*) Chú thích ảnh chính: Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải -Yên Bái. (Ảnh tư liệu)
 

Đông Sơn