Đó là Engineer Nguyễn Như Ánh, ông là Việt kiều Đức - đã trở về Việt Nam sinh sống. Là kỹ sư điện ảnh, từng giành giải Oscar kỹ thuật hồi năm 1985 khi là “cha đẻ” của chiếc camera Arriflex 535, vừa qua đời vì Covid-19.
Tin và bài liên quan:
Nhà báo Nguyễn Công Khế: Nhân loại đớn đau
Phan Tam Khê và bí mật những dòng suối nhỏ
Phan Huy Đường, Người tư duy tự do (Kỳ 1)
Nguyễn Công Khế, nhà báo có trái tim nghệ sĩ
Trần Vũ - Phép lạ của văn chương (Kỳ 1)
DDVN được biết, ông đã bị sốt vì nhiễm Covid - 19 phải nhập viện. Sau đó bệnh trở nặng mà không thể chuyển lên tuyến trên do không có chỗ và rồi đã không kịp cứu chữa. Ông đã mất trong đêm 6/8…
Nhà thơ Đông Trình từ Đà Nẵng gọi vào cho DDVN biết thông tin này. Ông cho hay Kỹ sư Nguyễn Như Ánh là lớp học trò đầu tiên của ông ngày thi sĩ vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế được ủy nhiệm về dạy học ở trường Phan Châu Trinh - Đà Nẵng. Sau đó ông còn là Hiệu trưởng của trường này. - "Đây là lứa học trò giỏi xuất sắc thời đó nên tôi không thể quên".
Từ thông tin này DDVN tiếp tục tìm hiểu thì được biết, công ty Ánh Việt Greenpost của ông Nguyễn Như Ánh đã từng tham gia phần kỹ thuật màu sắc, hình ảnh trong khâu thực hiện hậu kỳ cho nhiều phim. Trong đó có những phim rất nổi tiếng như “Dòng máu anh hùng”.
Kỹ sư Nguyễn Như Ánh trong một lần làm việc với đoàn phim.
Kỹ sư Nguyễn Như Ánh sinh ra và lớn lên tại Huế, năm 1970 Ánh đi du học tại Đại học Dortmund (Đức) và theo học chuyên ngành Điện tử truyền tin. Năm 1976, Nguyễn Như Ánh tốt nghiệp và ở lại Đức, làm việc tại một công ty chuyên nghiên cứu- sản xuất máy tia laser để đo lường vận tốc, chất liệu của vật liệu, máy móc. Năm 1980, Nguyễn Như Ánh chuyển đến TP Munich và vào làm vào hãng ARRI nổi tiếng.
Tại đây, Nguyễn Như Ánh được giao dự án mới về thiết bị điều khiển tự động hóa về đèn, âm thanh, cần cẩu cho các studio điện ảnh và truyền hình. Sau hai năm nghiên cứu, Như Ánh và các cộng sự thực hiện thành công dự án và sau đó Nguyễn Như Ánh được cử làm giám đốc dự án.
Từ đó, Nguyễn Như Ánh đã cùng đồng nghiệp nghiên cứ và sáng chế được máy quay phim đời mới Arriflex 535. Đây là chiếc máy hiện đại nhất lúc bấy giờ, có với chức năng điện tử có thể dùng computer để lập trình, điều khiển, giúp cho người điều khiển có thể sáng tạo nghệ thuật đầy hiệu quả. Riêng bộ phận Elktronics Variable Shutter (bộ cửa chập tự động) của Arriflex 535 đã được nhận giải Oscar kỹ thuật vào năm 1985. Và giới chuyên môn kỹ thuật điện ảnh thế giới, kể cả các studio lớn ở Hollywood lúc đó cũng đánh giá cao chiếc máy này.
Đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh đã rất tiếc nuối người anh, đồng nghiệp trong làng điện ảnh vừa đi xa. Chị đã viết trên facbook:
"Khoảng 2005-2012, nhiều đạo diễn điện ảnh Việt Nam được anh Ánh nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật và thiết bị quay. Một số anh em quay phim đạo diễn đã sang học và thực tập ở Đức cũng do anh Ánh tổ chức, thiết bị máy móc tại Saigon ít nhiều do anh Ánh tư vấn kết nối để mua… anh làm mọi việc bằng tình yêu nghề và tình yêu quê hương cộng lại.
Trong hôn nhân, bạn bè người thân ai cũng ngưỡng mộ tình yêu lãng mạn bền chặt của anh chị. Hầu như lúc nào anh chị cũng bên nhau, ánh nhìn ấm áp, viên mãn, hạnh phúc. Anh chị đã quyết định về Việt Nam nghỉ hưu, vậy mà…
Những năm gần đây, anh Ánh hợp tác mở chương trình đào tạo điều dưỡng và tiếng Đức cho khá nhiều sinh viên Việt Nam, các bạn sau khi tốt nghiệp sẽ sang Đức làm việc trong các viện dưỡng lão. Bạn bè khuyên anh nghỉ ngơi cho khỏe vì nhiêu khê quá, vất vả quá, nhưng anh vẫn cố gắng làm, tôi hiểu, anh chỉ mong muốn có thêm cơ hội cho nhiều bạn trẻ Việt Nam mà thôi. Dịch bệnh đã ngăn một vài dự định của anh, và giờ đây đã ngăn cản vĩnh viễn những việc thiện lành mà anh thích làm..."
DDVN giới thiệu lại một bài viết về kỹ sư Nguyễn Như Ánh trên báo Thanh Niên để bạn đọc có thể hiểu thêm về nhân vật được xem như người đầu tiên ở Việt Nam đoạt giải dù đó là giải thuộc về kỹ thuật.
Kỹ sư Nguyễn Như Ánh và một thiết bị kỹ thuật tham gia làm hậu kỷ cho phim.
Cách đây vài năm, trong một lần trò chuyện với Nguyễn Như Ánh - một Việt kiều và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật điện ảnh ở Đức - tôi có hỏi anh về việc dự định về quê hương thành lập công ty riêng. Khi đó, anh úp úp mở mở: Vâng, tôi đang có một số dự tính, nhưng cho phép giữ bí mật nhé.
Bẵng đi một thời gian, qua báo chí tôi mới biết Nguyễn Như Ánh thành lập Công ty Ánh Việt Greenpost tại TP.HCM. Chính công ty này đã tham gia phần kỹ thuật màu sắc, hình ảnh trong khâu thực hiện hậu kỳ cho phim Sài Gòn nhật thực, rồi Dòng máu anh hùng. Ngoài ra, anh còn hợp tác cùng Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và Lưu trữ điện ảnh tại TP.HCM thực hiện dự án phim trường Ánh Việt Greenpost. Hay Nguyễn Như Ánh còn giới thiệu và chủ trương áp dụng công nghệ làm phim 5D (phim có mùi) tại VN. Nhiều người trong giới biết Như Ánh là kỹ sư điện ảnh, nhưng cũng không mấy người biết anh là tác giả của chiếc camera Arriflex 535, từng giật giải Oscar kỹ thuật năm 1985 và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong nhiều hãng điện tử của Đức.
Là người gốc Huế, năm 1970, Nguyễn Như Ánh bỏ tiền túi, tự sang du học tại Đại học Dormun, CHLB Đức. Anh theo học chuyên ngành Điện tử truyền tin, tốt nghiệp vào năm 1976 và quyết định sinh sống, định cư tại đây. Hỏi anh: Chắc anh tốt nghiệp xuất sắc nên mới tìm ngay được việc làm và có nhiều nơi mời như thế? Anh trả lời thật thà: Không, phải nói thật là tôi tốt nghiệp chỉ thuộc loại trung bình thôi. Nhưng khác với một số quốc gia, tại Đức, người ta không đề cao sự xuất sắc về bằng cấp. Người Đức tuyển người chủ yếu theo khả năng làm việc thông qua phỏng vấn. Tôi cũng khá ngạc nhiên vì họ còn trò chuyện, khuyên tôi không nên làm lâu ở một chỗ mà nên làm việc ở nhiều công ty để tích lũy kinh nghiệm.
Nơi đầu tiên mà chàng kỹ sư trẻ Như Ánh làm việc là bộ phận nghiên cứu và thiết kế của một công ty chuyên sản xuất máy tia laser để đo lường vận tốc, chất liệu của vật liệu, máy móc. Cũng cần nói thêm, sau này người ta còn ứng dụng phương pháp vừa nêu để thiết kế, sản xuất các máy bắn tốc độ xe hơi cho cảnh sát giao thông, hay dùng để đo trọng lượng của máy bay, trọng lượng của xe vận tải…
Sau hai năm đầu làm việc, một công ty khác biết đến Như Ánh và mời anh làm việc, đảm nhiệm vai trò giám đốc ở bộ phận nghiên cứu thiết kế về các thiết bị điện tử đo lường cho kỹ thuật môi trường. Vào khoảng thời gian đó, do Đức đang gặp khó khăn nhiều trong môi trường, nên họ tập trung vào lĩnh vực này và công nghệ phát triển rất mạnh. Công việc thuận lợi, ổn định. Nhưng vào năm 1980, người con của Như Ánh đến tuổi đi học. Đắn đo, suy nghĩ, cuối cùng anh quyết định cùng gia đình chuyển đến Munich sinh sống, để con mình có điều kiện học hành tốt hơn. Như Ánh cũng không biết trước, do sự chuyển biến này, mà đường công danh, sự nghiệp của anh bước qua giai đoạn mới, mang đầy dấu ấn thành công.
Nói về việc mình được nhận vào hãng ARRI nổi tiếng, Như Ánh thổ lộ: Đây cũng là sự tình cờ, năm 1980, tôi quyết định chuyển về Munich là vì con tôi. Tôi viết đơn xin việc vào hãng ARRI. Sau khi xem xét, họ nhận tôi và bố trí làm việc ở bộ phận thiết kế hệ thống hỗ trợ và kỹ thuật máy quay phim. Làm việc được khoảng một năm, hãng giao cho tôi dự án mới về thiết bị điều khiển tự động hóa về đèn, âm thanh, cần cẩu cho các studio điện ảnh và truyền hình.
Chân dung Kỹ sư Nguyễn Như Ánh.
Sau hai năm mày mò nghiên cứu, Như Ánh và các cộng sự thực hiện thành công dự án. Vì thế, đến năm 1982, anh được Hội đồng quản trị của ARRI cử làm giám đốc kỹ thuật điện tử. Điều đáng nói là vào thời điểm đó, Như Ánh là người ngoại quốc duy nhất trong bộ phận nghiên cứu thiết kế của “gã khổng lồ” và cũng là người nhỏ con nhất. Nhắc lại chuyện này, Như Ánh cười vui. Đó là niềm vui của “người nhỏ con nhất” đang gặt hái thành công tại một hãng lớn không chỉ của Đức mà còn của thế giới.
Lâu nay, có nhiều ý kiến cho rằng, người Đức thường khá tự tôn và có ý phân biệt, nếu không muốn nói là xem thường người nước ngoài. Nhưng thực tế không hẳn vậy. Như Ánh nói: Người Đức có đầu óc thực dụng rất cao. Đúng là họ cũng có cái nhìn khác về người nước ngoài, nhưng nếu bạn làm việc hiệu quả, có khả năng tổ chức, luôn sáng tạo những gì mới nhất, mang lại lợi ích lâu dài, thì họ sẽ sử dụng mình. Hơn thế, người Đức rất tôn trọng kỷ luật, tuân thủ rất nghiêm túc các quyết định của cấp trên. Nói về vị trí lãnh đạo của mình, Như Ánh cho biết: Có thể sau lưng mình họ bàn tán điều này điều nọ, nhưng người Đức rất kỷ luật. Khi họp có thể bàn bạc, thảo luận, nếu có ý kiến không đồng ý, có thể tranh luận song phẳng, nhưng khi tôi đã quyết thì mọi người đều tôn trọng thực hiện. Trong công việc thì họ rất nể tôi, kể cả cấp trên. Thậm chí nhiều ban bệ khác còn nhờ tôi thuyết phục cấp trên về những dự án, hay vấn đề nào đấy của họ mà cấp trên không chấp thuận.
Như Ánh không giấu giếm niềm vui, sự hãnh diện vì trong thời gian làm Giám đốc Thiết kế kỹ thuật điện của hãng ARRI, anh đã sáng tạo được máy quay phim đời mới Arriflex 535. Đây là chiếc máy hiện đại nhất lúc bấy giờ, có với chức năng điện tử có thể dùng computer để lập trình, điều khiển, giúp con người sáng tạo nghệ thuật đầy hiệu quả. Riêng bộ phận elktronics variable shutter (bộ cửa chập tự động) của Arriflex 535 được nhận giải Oscar kỹ thuật vào năm 1985. Khỏi phải nói, giới kỹ thuật điện ảnh thế giới, kể cả các studio lớn ở Hollywood lúc đó cũng đánh giá cao chiếc máy này.
Những tưởng sự nghiệp của mình sẽ gắn bó cùng ARRI, nhưng những yếu tố bên ngoài đã tác động đến nhiều công việc của Nguyễn Như Ánh sau này. Đấy là vào khoảng năm 1998, hãng ARRI gặp khủng hoảng về tổ chức. Hai ông chủ của hãng không thỏa thuận được với nhau, vì thế nhiều công trình, dự án bị lãng quên nên một số người bị sa thải. Lúc ấy Như Ánh còn được hội đồng quản trị giao phụ trách cả bộ phận cơ, quang học để tiếp tục thực hiện các dự án. Để tháo gỡ những bế tắc, anh kêu gọi, mời các công ty khác hợp tác. Nhân cơ hội đó, anh còn thành lập công ty riêng chuyên tư vấn, thiết kế mẫu máy cho ARRI (sau này là cho nhiều công ty khác). Dấu ấn cuối cùng của Như Ánh tại “ông lớn” này là chiếc máy ARRICAM. Trong đó có bộ phận videoassist lấy hình ảnh qua video xem trước khi dựng phim để tiết kiệm chi phí.
Một bài báo từng viết về chân dung Kỹ sư Nguyễn Như Ánh và những đóng góp của ông cho kỹ thuật Điện ảnh.
Một vài lần từ Đức trở về VN, Nguyễn Như Ánh hiểu và biết nền điện ảnh nước nhà còn nhiều khó khăn. Với mong muốn góp chút ít công sức cho sự phát triển trong lĩnh vực này, anh từng làm việc với Cục Điện ảnh VN và một số Cty XNK văn hóa, hợp tác trong đào tạo và tư vấn kỹ thuật điện ảnh. Dù vậy, không phải mọi việc đều thuận lợi. Có lần anh tư vấn cho phía Việt Nam nên mua thiết bị điện ảnh như thế nào, nhưng lại vướng mắc về cơ chế. Ví dụ xin 1 tỉ đồng để mua máy, đến khi duyệt xong đã mất hơn 1 năm, khi ấy có thể loại máy mình mua đã lạc hậu. Anh nói: Nếu cơ chế uyển chuyển thì vừa đỡ lãng phí vừa có hiệu quả cao. Có lẽ một phần vì lý do này, mà Như Ánh đã quyết định thành lập công ty tại quê hương, để mọi việc có thể nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Một người tài năng đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của kỹ thuật điện ảnh Đức, người đó chắc chắn sẽ rất hữu ích cho nền điện ảnh nước nhà.
Minh Ngữ tổng hợp