Duyên Dáng Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Hữu Hương: Một đời đã qua, một thời không quên

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 18-06-2020 • Lượt xem: 5619
Nhà báo Nguyễn Hữu Hương: Một đời đã qua, một thời không quên

Một buổi ra mắt ấm áp tuyển tập "Nhà báo Nguyễn Hữu Hương - Một thời & một đời" ấn hành vào dịp 21/6 do bạn bè, đồng nghiệp, thân hữu tổ chức tại Đà Nẵng sáng nay. Có các nhà thơ Đông Trình, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long... và nhiều văn nghệ sĩ đến dự. Nhiều câu chuyện cảm động "lần đầu mới kể" về một nhà báo, một gương mặt trí thức đã chia tay cuộc đời 10 năm, nhưng tấm lòng và những trang viết vẫn còn lại... 

Tin. bài liên quan:

Trí thức 'Xóm Ga'

Thi sĩ ''quái kiệt' Sơn Núi qua đời, vài băn khoăn để lại

Nhà văn Trần Trung Sáng ra mắt tác phẩm về dấu tích Đà Nẵng xưa

Cảm động nhất có lẽ là thời điểm ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam (21/6) lại ra mắt một cuốn sách như kể lại hành trình của một người yêu nghề báo, lặng lẽ sống chết với nghề, say đắm, trách nhiệm với từng dòng tin, con chữ và cũng mất đi lặng lẽ như một cánh hoa giữa dòng phù vân sinh tử.

Quá trình thực hiện cuốn sách "Nhà báo Nguyễn Hữu Hương - Một thời & một đời" kéo dài đúng 10 năm. Cũng là một chứng nghiệm, suy tư về lẽ sống, khí phách "không đổi" của một trí thức nặng lòng với nghề và thao thức trước những thay đổi nhiều chiều xã hội...

Nguyễn Hữu Hương sinh thời có lần anh than với tôi cái khó, cái thế "ngặt" không giống ai của người làm báo miền Trung "bị thiệt thòi đủ cách vì ở một vùng trũng giữa hai đầu đất nước" và "rất khó để vươn lên thành một cây bút vững chãi đúng nghĩa vì ở quá xa trung tâm, không gần tòa soạn". Điều của anh nói bạn đọc thấy có vẻ mâu thuẫn nhưng với anh em trong nghề báo và đặc biệt ở "vùng trũng" xa xôi mới thấy thấm thía. Ngay cả khối tin tức trên một tờ báo thì cũng phân chia vùng "địa phương", "thành thị" có nghĩa ít tin bài hơn.


Nhà thơ Đông Trình, thầy dạy nhà báo Nguyễn Hữu Hương thời anh học trường Phan Châu Trinh kể lại câu chuyện về người học trò sớm có năng khiếu làm báo từ tuổi mười tám, đôi mươi. 


Trang sách với những chữ ký lưu niệm văn nghệ sĩ trên cả nước tựu về nhân ngày phát hành cuốn sách "Nguyễn Hữu Hương, Một thời & một đời" 

Nhưng cũng chính vì cái thế "ngặt" như vậy mà anh em lại thương nhau nhiều hơn. Tôi lấy đơn cử một ví dụ như ở Đà Nẵng, mỗi khi có một nhà báo qua đời gần như là một vết thương trong lòng người ở lại. Bởi cái nghề nó dữ dội mà bèo bọt, quanh năm sống nhờ tin tức và cũng chết đi chỉ vắn vẻo trong một dòng tin tức. Đôi khi dòng tin xót thương đó cũng ít ai đọc thấy vì lẫn chìm vào biển thông tin ngồn ngộn, mù mịt của nó.

Nhà báo Lê Tấn Hòa (bìa phải), nhà thơ nhà báo Trần Tuấn (trái) hai chủ biên "nặng lòng" của tập sách và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. 

Và anh em đã tìm lại từng trang bản thảo của từng nhà báo đã ra đi để giữ lại như các tác phẩm của nhà báo, nhà thơ Đặng Ngọc Khoa "Không trái tim ai ngừng đập trên đời" (Nguyễn Hữu Hồng Minh, Huỳnh Lê Nhật Tấn tuyển chọn), "Đa Mang - Thơ Đặng Ngọc Khoa (nhà thơ Uyên Hà và nhóm ACE thực hiện), Mảnh mai sợi chỉ tơ trời - Bút ký Đặng Ngọc Khoa (Nguyễn Hữu Hồng Minh, Huỳnh Ngọc Chênh, Trần Thanh Bình, Nguyễn Hoàng Xuân Vinh và báo Thanh Niên)...

Nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu trong buổi ra mắt tập sách "Nguyễn Hữu Hương, Một thời và một đời"

Đơn cử thêm nhiều cuốn khác như nhà báo, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng "Cõi tạm phù hoa" (Hồ Đăng Thanh Ngọc chủ biên) ở Huế hay gần đây nhất là nhà báo, nhà thơ Nguyễn Trung Bình với tuyển "Người trẻ dáng nâu" (do hai nhà thơ Trần Tuấn và Phùng Tấn Đông chủ biên) mất ở Sài Gòn đưa về Duy Xuyên - Quảng Nam an nghỉ. Những cuộc ra đi chữ nghĩa đa đoan như vậy còn lại dấu ấn trên từng trang sách chữ nghĩa mà theo sự xói lở của thời gian tin rằng còn lại. Hay nói như cụ Nguyễn Du "của tin còn một chút này...".   

Họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn, người từng vẽ minh họa cho tờ Doanh Nghiệp Chủ Nhật (do nhà báo Nguyễn Hữu Hương thực hiện) và nhà văn Nguyên Ngọc 

Và bây giờ là cuốn "Nguyễn Hữu Hương - Một thời và một đời" do các nhà báo Lê Tấn Hòa, nhà thơ Trần Tuấn, nhà văn Trần Trung Sáng cùng các anh em những bạn bè biên soạn.

Nhà thơ Đông Trình, từng là Hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh - Đà Nẵng kể về người học trò của mình: "Từ những năm trước 1975, Nguyễn Hữu Hương thì đã bộc lộ năng khiếu làm báo rất sớm khi mới học lớp 10 và quan tâm đến các vấn đề xã hội. Anh đã cùng bạn bè như Đặng Ngọc Khoa, Nguyễn Khoa Chiến... làm báo tường với nhiều chuyên mục độc đáo và hấp dẫn như tờ báo thực thụ. Và các bạn đã tạo ra một sự kiện gây chấn động học đường lúc ấy. Đó là vẽ một tấm bản đồ chủ đề "Việt Nam quê hương tôi" có đầy đủ cả hai miền Bắc - Nam. Anh Hương đã bị cảnh sát vào tận trường "thăm hỏi"! Đúng với tinh thần nghĩa hiệp, thẳng thắn của một nhà báo Nguyễn Hữu Hương sau này...". 

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính viết: "Trên tấm bia ghi tên Nguyễn Hữu Hương, năm sinh và năm mất, tôi muốn thêm: một con người đặc sắc. Làm sao lại có ngoại lệ ấy? Đành nhớ Hương vậy!".  

Chân dung nhà báo Nguyễn Hữu Hương (1955 - 2010)

Tác giả Vũ Ngọc Hoàng viết: "Trong vấn đề dân chủ và tự do, ý kiến của anh (tức nhà báo Nguyễn Hữu Hương) khá phong phú, mạch lạc, là một trong số những bạn bè của tôi ở Đà Nẵng có nhận thức sớm và đúng về nhà nước pháp quyền, nhà nước của dân, thể chế dân chủ, tự do bầu cử, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và báo chí, về tranh luận và đối thoại, về các quyền con người. Trong những vấn đề khá gai góc và "nhạy cảm", anh thường giữ thái độ bình tĩnh, kiên định, biết chờ đợi, chân thành và cầu thị. Tôi nghĩ nhiều ý kiến của anh là đúng đắn, đi trước, có ích cho cuộc đời và việc xây dựng một xã hội văn minh...".      


Nhà văn Hồ Trung Tú trong buổi giới thiệu sách.  

Nhà thơ Thanh Thảo nhận xét: "Làm báo không chỉ phải nuôi tờ báo sống, mà còn phải nuôi nhân sự cả tờ báo, lại phải trả nhuận bút cho cộng tác viên, lại phải mắc vào trăm thứ bà dằn khác, đó là một công việc thực sự vất vả, mà cống hiến của một người như anh Nguyễn Hữu Hương, nhiều khi lại rất thầm lặng. Tôi thực sự kính phục những người như thế, còn hơn là khâm phục những tổng biên tập những tờ báo lớn, thành danh và có thu nhập cao...". 


Từ phải: Nhà thơ Trần Tuấn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu Trần Phương Kỳ, nhà báo Trần Hân, nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long, họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn... trong buổi ra mắt sách. 

Cuốn sách của nhà báo nguyễn Hữu Hương có lẽ khó làm hơn hết cả khi dự định của anh em chúng tôi đã nhen khởi từ tháng 9.2010 lúc anh Hương vừa mất vì bệnh ung thư. Cuộc đời anh là một đầu bếp, là thợ cả lo cho việc "bếp núc" của tòa soạn như Khoa học và Phát triển, Doanh Nghiệp chủ nhật, chủ biên các tuyển tập đồ sộ viết và bàn về các vấn đề lớn, 'sống còn' của văn hóa tri thức, xã hội của các học giả, nghệ sĩ tên tuổi trong ngoài nước. Đó là các cuốn "Chào năm 2000", "Chuyện thời chúng ta đang sống" nên đã lấy hết sức khỏe của anh cũng như thời gian để viết.


Nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Đông Trình, nhà báo Trần Hân, nhà thơ Trần Tuấn

Những ánh mắt trầm tư, những câu chuyện lắng đọng, những chia sẻ về nghề chữ nghĩa, báo chí sôi động một thời...  


Nâng ly bia mừng tác phẩm sau mười năm ấp ủ: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Đông Trình. 

Nói cách khác, anh vun vén, tô điểm thêm sự lộng lẫy sang trọng cho người khác rồi như một người kéo màn sau cánh gà lặng lẽ một mình khi bắt đầu một vở diễn. Cứ như thế! Lại làm một khán giả trung thành tung hứng, vỗ tay, nồng nhiệt cỗ võ. Và bay trên chữ nghĩa chỉ có tấm lòng tình yêu cuộc sống vào một ngày mai tươi sáng sẽ đến!

Để sau mười năm, hôm nay tác phẩm nặng tình nghĩa anh em bạn bè báo chí đã ra đời! 

Như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết: "Chỉ có nỗi nhớ vẫn đọng lại. Nhớ Nguyễn Hữu Hương - một người Quảng gày  gò, săn sắt, suốt đời chỉ một ham mê làm báo. Nhớ Nguyễn Hữu Hương - một người báo rất Quảng...". 

Sài Gòn, 18.6.2020

Nguyễn Hữu Hồng Minh