Duyên Dáng Việt Nam

Những khoảnh khắc sự thật

Thái Anh - Hoàng Nguyên • 02-09-2020 • Lượt xem: 1298
Những khoảnh khắc sự thật

Việt Nam và thế giới biết đến ông bởi ông đã dành trọn hơn 20 năm chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị danh tướng huyền thoại, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua những bức ảnh của ông, vị tướng uy quyền lừng lẫy năm xưa không đao to búa lớn mà vô cùng bình dị, rất đời thường và rất đỗi con người. Ông chính là nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng. Những bức ảnh cũng như chính con người ông, dung dị, giản đơn và rất… thật!.

Những chiều Hà Nội, bên bờ Hồ Gươm, một ông già nhỏ thó đang lững thững bước đi giữa dòng người. Thỉnh thoảng bắt gặp một hình ảnh độc đáo, ông lại dừng chân, bấm máy, ghi lại chân dung những người vô tình gặp trên đường. Khi ngồi xuống chiếc ghế đá, xem lại những khuôn mặt rạng rỡ có, hiu hắt có, ưu tư có của những nhân vật trong khung hình máy ảnh, ông lặng lẽ mỉm cười.

Chân dung nhà báo Trần Hồng 

Trong một căn hộ tầng 2 ở khu chung cư cũ kỹ, nhìn người đàn ông giản dị đến mức thô sơ, gần gũi đến mức xuề xòa và nhỏ bé đến mức... ốm yếu ấy, ít ai có thể ngờ rằng ông chính là Trần Hồng – Hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP), Hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân với 2 giải thưởng quốc tế và 20 giải thưởng trong nước về nhiếp ảnh.

Ông sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hương Khê – Hà Tĩnh, nơi nổi tiếng khắc nghiệt, chưa nắng thì đã 40 độ, chưa rét thì đã 10 – 12 độ, dưới chân dãy Trường Sơn. Năm 1968 ông tốt nghiệp rồi vào bộ đội 559 Trường Sơn. Một năm sau, ông được Bộ Quốc phòng cho đi học khóa báo chí đầu tiên tại Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Đến năm 1973 ông tốt nghiệp và công tác tại báo Quân đội nhân dân.

Sự nghiệp báo chí và nhiếp ảnh của Trần Hồng bắt đầu ở giai đoạn cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ngày ấy, miền Bắc có 3 tờ báo ra hàng ngày là Quân đội nhân dân, Nhân dân và Hà Nội Mới. Nhưng tờ Nhân dân và Hà Nội Mới chủ yếu lấy ảnh chiến trường từ báo Quân đội nhân dân. Vì thế, phóng viên ảnh phải rất ý thức chụp ảnh báo chí, tính thời sự đầy những sự thật lịch sử cung cấp cho báo mình cũng như báo bạn. Ngày về báo Quân đội nhân dân, Trần Hồng chỉ mới biết sử dụng máy ảnh chứ chưa thể cho ra đời một bức ảnh báo chí. Dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Ba – người có thâm niên chụp ảnh lâu nhất và chụp được nhiều ảnh báo chí nhất tòa soạn, Trần Hồng đã có sự tiến bộ vượt bậc so với các anh em khác. Cùng với những phóng viên cũng mới về tòa soạn như Vũ Đạt, Khắc Xuể, Hữu Dật, Trần Hồng đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh kỳ cựu Vũ Ba truyền đạt từ những lý thuyết đầu tiên về vai trò, vị trí của nhiếp ảnh trong đời sống, trong báo chí, trong nghệ thuật. Vũ Ba đã nhấn mạnh tính tư liệu lịch sử là vô cùng quan trọng. Trần Hồng như nuốt từng lời từng chữ. Chỉ trong vòng 2 – 3 năm, tay nghề của ông đã tiến xa, trở thành tay máy chủ chốt trong tổ nhiếp ảnh của báo Quân đội nhân dân.

Sau 50 năm Đại tướng trở lại hầm chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ( 1954- 2004) - Ảnh: Trần Hồng

Trần Hồng nổi tiếng từ thời là phóng viên chiến trường biên giới Tây Nam. Với những "xêri" ảnh đắt giá ở những nơi nóng bỏng nhất trên chiến trường, ông đã góp phần làm cho các trang báo Quân đội nhân dân giai đoạn đó nóng hổi tính thời sự, kích thích tinh thần lạc quan chiến đấu và ý chí quyết thắng của hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ.

Lật giở từng bức ảnh một thời khói lửa, đôi mắt ông buồn rười rượi. Con người hay cười hay nói ấy dường như biến thành một người khác hẳn. Ông nói với chúng tôi mà như nói với chính mình: “Trong loạt ảnh tư liệu chiến tranh, có những bức ảnh khủng khiếp, đau đớn đến mức những người cầm máy như chúng tôi cũng không dám nhìn lại. Đó là những khoảnh khắc chỉ có thể bấm máy một lần duy nhất, giữa lằn ranh sinh tử. Đó là những tấm ảnh gìn giữ sự thật, để tố cáo tội ác chiến tranh và để đồng bào chúng ta yêu thương, đồng cảm, chia sẻ nỗi đau với nhau trong quá khứ”.

Về với vùng sâu vùng xa - Mường Tè - Tây Bắc - Ảnh: Trần Hồng 

Tại Hội thảo Nhiếp ảnh về chiến tranh và Cách mạng nhân kỉ niệm 30 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam vào tháng 12/1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát biểu rằng: “Với mọi ngành nghệ thuật khác, khi chiến tranh đã đi qua người nghệ sĩ vẫn có thể mô tả lại chiến tranh qua các nguồn tài liệu tin cậy. Nhưng với nhiếp ảnh, nó chỉ có thể mô tả chiến tranh, phản ánh các mặt thực tế của chiến tranh ngay trong quá trình khói lửa… Khi nhìn lại những bức ảnh về chiến tranh và Cách mạng của dân tộc ta, nhìn lại những con người làm nên lịch sử, trong đó có chúng ta, tôi như sống lại từng ngày, từng giờ của quá trình gian khổ nhưng rất kỳ diệu và vẻ vang đó. Nhiếp ảnh sao mà chân thực, ghi nhớ chính xác và gợi cảm lạ lùng đến như vậy. Có những chuyện do thời gian chúng ta có thể quên đi, nhưng nhìn vào ảnh là nhớ từng chiến sĩ, từng trận đánh, từng ý tứ chỉ đạo của Trung ương và Bác Hồ... Thay mặt những chiến sĩ trong chiến tranh, tôi chân thành cảm ơn các nhà nhiếp ảnh”.

Chân dung má Nguyễn Thị Khánh ở ấp Tám Ngàn, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Má có 7 con trai là liệt sĩ.

Chiến tranh kết thúc, vẫn mặc trên mình bộ quân phục cũ, ông lại đi. Dấu chân ông in hằn trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ đỉnh Hà Giang đến mũi Cà Mau. Đi nhiều, lăn lộn nhiều nên ảnh của ông rất phong phú, đa dạng về đề tài, thể loại. Và trong ảnh của ông, người xem dễ nhận ra sự chân thực, giản dị về hình thức, nhưng sâu sắc về tư duy.

Nhiều nhà phê bình đã nhận xét, Trần Hồng triết lý cuộc đời bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh. Ở thể loại nào ông cũng thành công, song dấu ấn đậm nét nhất, khắc họa nên tên tuổi Trần Hồng chính là thể loại ảnh chân dung, đỉnh cao là bộ ảnh "Chân dung Mẹ" - bộ sưu tập chân dung các Bà mẹ Việt Nam trên mọi miền đất nước (triển lãm năm 1995).

Văn Cao - Nhà thơ, nhạc sx, họa sĩ nổi tiếng - Ảnh: Trần Hồng

Ông thích chụp ảnh chân dung, bởi qua chân dung, ông có thể khắc họa rõ nét được bản chất sâu thẳm, cái thật nhất bên trong một con người. Từ năm 1972, ông đã bắt đầu chụp chân dung. Và cái duyên đưa ông về với các mẹ Việt Nam anh hùng bắt đầu từ 23 năm trước.

Ông kể lại: “Trong một dịp về Hải Dương, tôi chợt nhìn thấy một người đàn bà già nua, ốm yếu, đội chiếc nón cời rách nát, bước đi liêu xiêu, mông lung, trên con đường vắng. Cảm giác nao nao dậy lên khiến tôi dừng xe và tất tả chạy đến đưa máy ảnh lên, nhưng bà đã lấy nón che mặt. Tôi hỏi chuyện và xin bà cho chụp một số kiểu. Bà kẹp chiếc nón vào nách rồi nói: “Chú muốn chụp thì chụp các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tôi cũng như hàng ngàn bà mẹ khác, chỉ có một con là liệt sỹ, nên không được phong Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng tôi không thắc mắc gì cả. Chú ơi, chẳng có bà mẹ nào lại muốn con mình hi sinh để được Anh hùng...” Nghe xong, mắt tôi đỏ hoe. Tôi đã đứng sững giữa trời nắng chang chang nhìn theo bóng mẹ liêu xiêu về phía cuối đường. Cảm giác nhói buốt ấy đã ám ảnh tôi. Từ đó, ý định chụp ảnh về các Bà mẹ Việt Nam thôi thúc tôi. Với tôi, tất cả các bà mẹ có con ra trận trên đất nước này đều là Bà mẹ Anh hùng”.

Nhà thơ Thu Bồn - Ảnh: Trần Hồng

Chụp ảnh chân dung rất khó. Chụp chân dung các bà mẹ lại càng khó, bởi chỉ trong một khuôn hình, phải làm sao lột tả được nỗi đau, sức chịu đựng, sự hi sinh mất mát, tâm trạng dồn nén của mỗi bà mẹ từ gánh nặng thời gian và số phận. Nhiều lần Trần Hồng bấm máy, liên tục, liên tục, nhưng khi về làm ảnh thì cái thần thái của nhân vật vẫn còn lẩn khuất trong cõi sâu xa nào đó, chưa lộ ra được. Ông nhận ra, để lột tả được chân dung mỗi bà mẹ, người nghệ sĩ không đơn thuần chỉ dựa vào các thao tác kỹ thuật, mà phải có sự rung cảm cao độ từ chính trái tim.

Nhà báo Trần Hồng trong một lần về thăm mẹ 

Mỗi lần về với các bà mẹ, Trần Hồng đều vận quân phục, như là sự trở về của đứa con đi xa. Ông kính cẩn thắp hương lên bàn thờ các liệt sỹ, con của mẹ, rồi ngồi bên mẹ, nấu cơm, nhặt rau cùng mẹ. Và trong khung cảnh ấy, với sự nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ, tình cảm của một người con, ông lựa chọn những khoảnh khắc sâu lắng nhất để ghi lại chân dung mẹ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tác giả Trần Hồng trong phòng triển lãm chân dung Mẹ tại Hà Nội, năm 1995.

Nhưng không phải lần nào đến với các bà mẹ, ông cũng chụp được ảnh. Trường hợp của mẹ Nguyễn Thị Khánh, 87 tuổi ở Kiên Giang, có 7 con trai, cả 7 đều là liệt sỹ, ông phải đến nhà mẹ lần thứ 3 mới có thể bấm máy.

Ông kể: "Hai lần đầu tôi đến, nhìn thấy tôi mặc quân phục, giống các con mình. Má khóc. Tôi khóc. Không tài nào nâng máy ảnh lên được. Lần thứ ba tôi dừng lại thật lâu trước ngõ nhìn vào căn nhà đơn sơ. Má đang ngồi ăn cơm. Thấy tôi, má nhìn ra ngõ. Và tôi đưa máy ảnh lên, như sợ rằng nếu tôi vào nhà rồi thì lại giống như hai hôm trước, hai má con chỉ biết khóc và khóc".

Bức ảnh đó là một trong những bức được đánh giá cao nhất trong bộ ảnh "Chân dung Mẹ" của ông. Hình ảnh mẹ Khánh bưng bát cơm, một hạt cơm còn đọng trên môi, phía dưới, một con mèo gối đầu vào chân mẹ lim dim, một con cá kho trong đĩa bên cạnh cái nồi nhỏ. Mẹ ăn cơm nhưng ánh mắt mẹ lại đang dõi về cõi xa xăm, như chờ, như đợi, như đau đáu mong sự trở về của những đứa con, dẫu chỉ là cái bóng vô hình đầu ngõ.

Bộ đội thả hàng cứu đói - Trận lụt 1999 tại miền Trung (Thừa Thiên Huế chết gần 600 người)

Khi Trần Hồng đến với mẹ, mẹ khóc, Trần Hồng khóc. Nhưng khi xem ảnh Trần Hồng thì chúng ta khóc. Trong ảnh Trần Hồng, người xem nhận ra tất cả niềm tôn kính, hiếu nghĩa, sự xúc động tan hòa vào tác phẩm, tan vào người xem.

Mỗi số phận, mỗi cuộc đời các mẹ được ông ghi lại là sự tôn vinh công lao trời biển, niềm đau thương, mất mát mẹ gánh nặng suốt đời. Trong mỗi khuôn hình ấy, ta nhận ra trong đôi mắt mẹ ánh lên chút vinh quang muộn mằn khi được Tổ quốc, dân tộc tôn vinh, nhưng sự mất mát, hi sinh, nỗi niềm góa bụa, buồn đau... thì đọng lại theo thời gian, ngày càng sâu thêm, nhiều thêm trong khóe mắt, nếp nhăn, và cả trong mỗi nụ cười của mẹ... Trong triển lãm “Chân dung Mẹ” năm 1995 của ông, người Mỹ sau khi xem ảnh đã phải thốt lên: “Các bà mẹ! Đây chính là nguyên nhân khiến người Việt Nam có động lực và sức mạnh ý chí, chấp nhận mọi thử thách, chiến đấu và chiến thắng”.

Trần Hồng kể rằng có những lúc ông thầm nghĩ, mình mê chân dung đến như vậy, mà bên cạnh mình lại có một người thầy, người cha, người chú, người đồng đội lớn như Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì tại sao lại không tìm cách tiếp cận con người này để chụp, để thỏa mãn nguyện vọng khai thác nội tâm nhân vật. Và cuối cùng, ông cũng làm được việc đó. Năm 1974 nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông chụp ảnh cụ Giáp lần đầu tiên trong lễ diễu binh. Lúc ấy ông nghĩ rằng mình chụp ảnh cụ để làm tài liệu phục vụ cho bài viết của mình. Đến năm 1994, Trần Hồng kiên quyết vào số 30 Hoàng Diệu, quận Ba Đình xin chụp ảnh Đại tướng. Lúc đó, Trần Hồng gặp ông Nguyễn Huyên – Thư ký riêng của Đại tướng, ông dùng hai lý do để xin chụp ảnh cụ: vì Trần Hồng với cụ cùng là người lính và còn vì ông là phóng viên báo Quân đội nhân dân. Nguyễn Huyên đã nói rằng: “Nếu là lính mà muốn gặp cụ thì cả nước này có biết bao nhiêu người, đâu chỉ mình đồng chí. Còn nếu là phóng viên báo Quân đội nhân dân, thì tôi còn phải xếp lịch, đồng chí chắc phải đợi rất lâu vì Đại tướng rất bận rộn và không biết cụ có đồng ý cho chụp ảnh không?”… Trần Hồng đã rất thất vọng. May sao lúc đó Đại tướng đi ngang qua, cụ hỏi:

- Cậu ở đâu?

- Dạ, cháu ở báo Quân đội nhân dân.

- Cậu vào đây làm gì?

- Cháu vào để chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cụ nhìn một lúc rồi đồng ý cho phép Trần Hồng được vào chụp ảnh cụ. Ông vô cùng hạnh phúc. Ngay ngày hôm sau, 5h sáng ông đã đạp xe đến chỗ cụ, tâm trạng vừa vui mừng vừa hồi hộp… Hôm ấy Đại tướng cho phép Trần Hồng ở bên cạnh thích chụp gì thì chụp, còn mình vẫn tiếp tục những công việc hàng ngày. Trần Hồng đã ở bên cụ từ 5h30 đến tận 21h.

Có rất nhiều nhà nhiếp ảnh đã chụp và luôn muốn được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, riêng Trần Hồng lại có được vinh dự đặc biệt là thường xuyên được gặp và chụp ảnh Đại tướng bất kỳ lúc nào. Đó không chỉ là may mắn, ông cho rằng có hai lý do cụ thể: “Thứ nhất, có lẽ vì Đại tướng là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Còn tôi là một người lính. Khi người lính gặp nhau, các bạn cũng biết sự đồng cảm sẽ đến mức nào... Thứ hai, Đại tướng là người rất tinh tường. Chắc là Đại tướng mến cái “chất lính” của Trần Hồng khi tác nghiệp… Ở đời may mắn sẽ đến với bất cứ ai và cũng sẽ bỏ đi rất nhanh khi người ấy không hết mình vì công việc mình đang theo. Với tôi, ước nguyện được chụp ảnh Đại tướng trong những khoảnh khắc bình dị là may mắn lớn nhất trong cuộc đời cầm máy”.

Lăn xả vì nghệ thuật nhiếp ảnh báo chí, đề cao tính nhân văn trong nghệ thuật, Đại tá - Nhà báo Trần Hồng đã vinh dự nhận 2 giải thưởng quốc tế và hơn 20 giải thưởng trong nước.

Ảnh Trần Hồng cũng như con người ông, không màu mè hình thức mà rất mộc mạc, chân chất. Trong các buổi nói chuyện và thuyết giảng tại khoa Báo chí Phân viện Báo chí và Tuyên truyền hay trong những giờ giảng bài cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, Trần Hồng luôn nhấn mạnh đến sự chân thực của nhiếp ảnh. Với ông, nhiếp ảnh là "Sự thật, sự thật, và sự thật".

Ông quan niệm, chụp đẹp thì rất dễ, nhưng chụp làm sao để qua dung nhan, diện mạo người ta biết được bản chất con người thì đó mới là cái đích tôi hướng đến. Trong tuyên ngôn nhiếp ảnh của mình, ông nói rất rõ: “Ảnh là cái nhìn đầu tiên của người cầm máy, đúng sai, phải trái thì nhất nhất mọi người đều nhìn vào bức ảnh đầu tiên của người cầm máy, vì thế trọng trách của người cầm máy rất lớn. Ảnh phải thông tin chính xác nhất, trung thực nhất, bảo vệ thông tin một cách trọn vẹn nhất, vì thế không bao giờ trong những bức ảnh của tôi có sự can thiệp thô bạo của photoshop để làm sai lệch giá trị của bức ảnh. Những sự can thiệp thô bạo ấy chính là sự giả dối, nặng hơn nữa nó còn là tội ác vì đem lại cho mọi người một cái nhìn không đúng với thực tế”.

Đã tuổi "thất thập cổ lai hy” song sức sáng tác của Trần Hồng vẫn căng tràn. Căn phòng nhỏ chừng hơn chục mét vuông của vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng tại số 3 Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, được cơi thêm một gác xép nhỏ dường như không còn chỗ trống nào, trên tường, trong tủ hay góc nhà, bởi đâu đâu cũng thấy có ảnh.

Mẹ Cả Tám ở Thị xã Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh trong ngày đón hài cốt con về Nghĩa trang liệt sĩ quê nhà - Ảnh: Trần Hồng

Chiếc tủ gỗ và bộ bàn ghế mây giản dị được đặt ở giữa phòng là nơi ông vừa nhìn ngắm lại những tác phẩm của mình, vừa thuận lợi trong việc sắp xếp, tra cứu những thước phim, tư liệu quý. Không gian tuy nhỏ hẹp nhưng ông vẫn khéo léo bố trí những thiết bị sấy tiện lợi để lưu giữ, bảo quản phim, tư liệu.

Trần Hồng đang tỉ mẩn giới thiệu với chúng tôi từng bức ảnh các thành viên gia đình mình. Nào là ảnh bà Ngô Thị Ý – vợ ông từ ngày còn trẻ, ảnh hai cô con gái và các cháu ngoại của mình. Ông cười sảng khoái và cho biết: “Đây, tôi mắc nợ những con người này nhiều nhất đấy!”

Tất nhiên là phải nợ! Ông nợ người vợ hiền từ của mình cả một quãng thời son trẻ. Nợ bà những lần hò hẹn lúc yêu đương, nợ bà những lúc bà cần ông khi đã thành vợ thành chồng. Nợ các con ngày ra đời mà ông không về kịp. Những năm tháng ông đi mải miết, một tay bà vừa dạy học vừa nuôi con, vừa gánh vác việc nhà. Một tháng đôi lần ông mới ghé về thăm, nhưng cũng có những khi ông đi biền biệt mấy tháng trời, bà và các con luôn lo lắng và chờ đợi.

Giờ đây, ngày rộng tháng dài, hai ông bà đều đã về hưu. Cứ những khi hứng lên, ông lại dắt bà đi khắp mọi miền để gặp gỡ bạn bè, gặp gỡ mọi người và chụp ảnh. Trong cái rét buốt tê tái của miền Bắc, bà vẫn cứ sát cánh bên ông đón giao thừa nơi đồn biên phòng của các tỉnh vùng Tây Bắc. Hoặc có lúc bà xuôi về Nam, theo chân ông chụp các bà mẹ có con đã hy sinh ở phía bên kia, bởi ông quan niệm, người mẹ nào có con đã hy sinh, dù bên này hay bên kia trận tuyến đều có chung một nỗi đau. Người lính mang tâm hồn nghệ sĩ ấy cũng ấp ủ dự định tổ chức một triển lãm chân dung các bà mẹ ở hai chiến tuyến Việt Nam - Mỹ.

Người đàn ông ấy vẫn nhỏ bé, lọt thỏm giữa dòng người trên phố phường Hà Nội. Ông vẫn hay la cà ở quán bia hơi gần nhà cùng bạn bè, đồng nghiệp. Nụ cười luôn rạng rỡ, cái xiết tay luôn chặt, nồng hậu và ấm áp. Ông vẫn bước từng bước lặng lẽ giữa dòng đời, mặc cho cuộc sống cứ xô bồ, mặc cho Hà Nội cứ ngày ngày thay đổi. Con người ấy vẫn cứ mải miết đi tìm sự thật qua những khoảnh khắc của nhiếp ảnh. Bước chân tuy mỏi nhưng vẫn chưa chịu dừng, vẫn cứ sẵn sàng cho những chuyến đi…