Duyên Dáng Việt Nam

Quốc ca, sao phải bàn cãi một việc phải làm từ lâu!

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh • 13-12-2021 • Lượt xem: 644
Quốc ca, sao phải bàn cãi một việc phải làm từ lâu!

Có bạn hỏi quan điểm của tôi về vụ lùm xùm Quốc ca. Tôi đã nhiệt tình trả lời. Tôi muốn nói rõ thêm quan điểm của tôi về vấn đề này như sau. 

Tin và bài liên quan: 

Cái ao sen - Tùy bút Võ Thiện Thanh

Tôi không thấy anh sáng nay - Tùy bút Võ Thiện Thanh

Chiều ngang qua nhà thờ Đức Bà - Tùy bút Võ Thiện Thanh

Thư gửi những người bạn chưa quen - Tùy bút Võ Thiện Thanh

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Võ Thiện Thanh - Âm nhạc và hành trình giao điểm

Việc Quốc ca bị tắt trong trận Việt Nam gặp Lào, khiến dư luận bức xúc gần đây là vấn đề tất yếu của việc không tổ chức chặt chẽ, bài bản và liên thông, đồng bộ giữa các ban ngành với nhau. Nếu như Bộ Văn Hoá - Thể Thao & Du lịch là nơi quản lý bản ghi Quốc ca chính thống, VFF hay bất cứ ngành nào, khi có nhu cầu sử dụng Quốc ca khi ra đấu trường quốc tế, đều phải do Bộ VH-TT& DL cung cấp bản ghi chính thống, thì không có chuyện vừa qua.


Cố nhạc sĩ Văn Cao, tác giả bài hát Tiến quân ca, sau này là Quốc ca. 

Từ chỗ không có một thông tin rạch ròi và rõ ràng bản ghi âm nào là chính thống, do Bộ VH-TT & DL cung cấp, và bản thu nào là của tư nhân sản xuất. Khi phát sóng trực tiếp, các doanh nghiệp quá "sợ hãi" bị gậy bản quyền, nên thôi tắt luôn cho an toàn. Chính nỗi sợ "mất tiền" làm họ quên bẵng đi đều này làm tổn thương công chúng, lòng tự hào dân tộc và hạ thấp chính họ. (Có khi họ chả biết đâu.)

Một bản nhạc Pop bình thường hiện nay, khi phát hành trên các nền tảng như itunes hay Spotify... thì cũng phải chú trọng tất cả các khâu liên quan tới chất lượng âm nhạc như: hoà âm phối khí, thu âm và mastering sao cho đạt chuẩn quốc tế. Hầu hết các ca sĩ đều gởi ra nước ngoài để làm hậu kì, sao cho khi phát hành trên các nền tảng số không bị lép so với thế giới.

Vậy còn Quốc ca thì sao? Tôi nghĩ nó phải gấp ngàn lần như vậy, về mức độ kĩ lưỡng về âm thanh, hoà âm phối khí, chuyển soạn cho dàn đại hợp xướng, dàn nhạc giao hưởng sao cho các yếu tố về mặt học thuật như: hoà thanh, phối khí đạt sự chuẩn mực nhất của thể loại này.

Quốc ca, chỉ sau Thánh ca, là thể loại âm nhạc mang tính đặc thù với những tính chất gắn liền với sự trang nghiêm, đẹp đẽ, hùng dũng, trong sáng và cả sự thánh thiện. Bởi vì nó mang tính biểu tượng và bao trùm lên cả ước nguyện và ý chí cả một dân tộc. Và về tính linh thiêng, đôi khi nó không khác gì một bản Thánh ca là mấy.

Để đảm nhiệm và thể hiện tất cả những điều trên, chỉ có dàn nhạc giao hưởng và đại hợp xướng mới có thể làm nổi.

Bạn hãy tượng tượng khi bản Quốc ca được vang lên trên đấu trường quốc tế, nó là sự huy hoàng, tráng lệ, hùng dũng và thiêng liêng. Nếu một bản thu âm không đủ chất lượng về hoà âm phối khí và kỹ thuật thu âm, nó sẽ trở nên lạc lõng, yếu ớt và rời rạc.

Tôi đã tìm nghe bản Quốc ca trên cổng thông tin chính phủ. Đây là bản chính thức cho tới lúc này. Tôi nghĩ là nó được ghi âm khá lâu rồi. Nếu dùng để phát trên các đấu trường quốc tế chắc chắn không thể đáp ứng những điều tôi nói ở trên.

Phải tổ chức sản xuất lại một bản ghi âm mới thôi.

Có nhiều người bình luận sau khi đọc bài báo trên VnExpres rằng, phiên bản làm mới của Tùng Dương hay, sao không dùng?

Bạn thử hình dung đi biển mà mặc đồ dạ hội, đi dạ hội mà mặc cái quần Jean thì sẽ thế nào? Phiên bản Quốc ca của Tùng Dương hay, rất hay là đằng khác. Nhưng nó chỉ có thể được dùng ở những hoàn cảnh không phải những nghi lễ chính thức.

Cũng giống như trang phục phải có nhiều loại để dùng cho nhiều hoàn cảnh và mục đích khác nhau, âm nhạc cũng vậy. Không phải ngẫu nhiên mà có rất nhiều thể loại, nhiều cơ cấu dàn nhạc, từ một ban nhạc Pop vài người cho tới một dàn giao hưởng mấy trăm con người. Và mặc nhiên, phiên bản Quốc ca chính thức lúc nào cũng phải được thể hiện bởi dàn giao hưởng, bởi những thủ pháp và thể loại kinh điển, mà thường là những hành khúc (March) với những công năng hoà âm thuần cổ điển, những niêm luật chặt chẽ. Tất cả những đều này sẽ toát lên sự trang nghiêm, trong sáng, oai hùng và thần thánh khi Quốc ca vang lên.

Cũng như Thánh ca, quốc ca cũng có thể được làm mới. Nhưng bạn biết đó, Eve Maria có nghệ sĩ nào dám hát Rock hay Rap chưa? Nếu lòng tin của bạn vào Đức Mẹ quá thiêng liêng! Thì Quốc ca cũng vậy. Bạn phải tự giới hạn mình bằng văn hoá nền, lương tri và sự hiểu biết.

Nếu một người am hiểu và có kiến thức âm nhạc, tôi nghĩ anh ta không dám và không dại gì thay đổi hoà thanh, chứ đừng nói đến giai điệu. Điều đó là bất khả. Vì cấu trúc, hình thức và hoà thanh đó như được mặc khải để nói lên quốc hồn quốc tuý của dân tộc. Không phải những công năng đó là ngẫu nhiên.

Tự một công dân phải ý thức điều này trước khi nhà nước ra qui định cấm xâm hại tới quốc ca về mặt âm nhạc.

Quốc ca là bộ mặt quốc gia, là quốc hồn quốc tuý, là bộ lư hương bằng vàng trên bàn thờ tổ tiên của dân tộc. Sao lại giao bộ lư hương quí giá ấy cho đại trà chứ?

Phải có người chuyên lau chùi, nhang đèn và canh giữ, để tránh làm trầy xướt và hoen ố.

Người canh giữ chính là Bộ VH-TT& DL: Và bộ lư hương bằng vàng ấy chính là Quốc ca Việt Nam, được thu âm bởi dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam cùng dàn đại hợp xướng Việt Nam.

Chỉ một phiên bản duy nhất khi ra đấu trường thế giới và cho những nghi lễ cấp quốc gia. Không có phiên bản nào khác!

Bạn hãy nghe thử một Soviet March, một khúc nhạc dành cho duyệt binh thôi, chưa phải là quốc ca, để hiểu sự hùng hồn, tính kinh điển trong hoà âm phối khí của thể loại này. Âm nhạc như này làm sao cái chết có thể khuất phục được lòng yêu nước chứ ?

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh