Duyên Dáng Việt Nam

Sống tiết kiệm và mua sắm hạn chế có cuộc sống hạnh phúc hơn?

Quyên Hà • 09-11-2020 • Lượt xem: 1590
Sống tiết kiệm và mua sắm hạn chế có cuộc sống hạnh phúc hơn?

Nghiên cứu mới của Đại học Arizona đã kết luận, chi tiêu trong ngân sách, tiết kiệm và mua sắm ít hơn đem đến những lợi ích không nhỏ trong việc quản lý tài chính cá nhân và cả trong cuộc sống.

Theo nghiên cứu này, thế hệ Y hay những người sinh năm 1980 – 2000 có khả năng vạch ra các chiến lược tài chính chủ động cho bản thân có xu hướng hạnh phúc và thỏa mãn hơn trong cuộc sống.    

Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu từ cuộc sống của 968 người trẻ sinh năm 1981 đến 1996, bắt đầu từ khi họ vừa tốt nghiệp đại học (khoảng 18 – 21 tuổi).

Họ theo dõi cuộc sống của những người này cho đến tuổi 23 – 26.

Những người tham gia nghiên cứu đã trả lời những câu hỏi về chủ nghĩa vật chất, các chiến lược tài chính cá nhân của họ như lên ngân sách và các thói quen ủng hộ môi trường khác trong cuộc sống.

Các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm tới những thói quen sống thân thiện với môi trường, vì chúng cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về cách những người trẻ này “đối phó với những nguồn tài nguyên hạn chế”.

Những người tham gia cũng trả lời câu hỏi về sức khỏe tinh thần, bao gồm cả câu hỏi họ có hài lòng với cuộc sống của mình không và họ đánh giá hạnh phúc của mình ở thang điểm mấy.

Kết luận là, những người tiết kiệm tiền nhiều hơn cảm thấy hạnh phúc hơn và ít cảm thấy buồn chán hơn. Đồng thời, những người mua sắm và tiêu dùng ít hơn ít có triệu chứng trầm cảm hơn.

Như vậy, rõ ràng việc tiết kiệm và mua sắm hạn chế đã tạo ra những tác động tích cực hơn lên sức khỏe tinh thần.

Và không có gì ngạc nhiên, các chiến lược tiết kiệm tiền cũng cải thiện sự hài lòng về mặt tài chính của những người này.

Tiến sĩ Helm, người đứng đầu nghiên cứu cho biết, bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu có thể để ra một khoản phòng trừ rủi ro.

Và một khi bạn biết rằng mình có thể xoay sở cuộc sống trong khoản thu nhập giới hạn của mình, suy nghĩ đó sẽ tác động tích cực rõ rệt lên sức khỏe tinh thần của bạn.

Nghiên cứu này có ý nghĩa đặc biệt với người trẻ, những người thường xuyên gặp phải khó khăn tài chính.

Bên cạnh đó, các nỗ lực bền vững nhất định cũng có tác động tương tự lên sức khỏe và hạnh phúc của mỗi người.

Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng, những người trẻ tiêu dùng ít hơn nhằm giúp đỡ môi trường cảm thấy hạnh phúc hơn những người chỉ giúp đỡ bằng cách mua những sản phẩm “thân thiện với môi trường”.

Theo tiến sĩ Helm, người đứng đầu nghiên cứu, mặc dù rất nhiều người nghĩ rằng những sản phẩm “xanh” là giải pháp đúng, thực ra, giảm bớt số lượng đồ mua sắm và tiêu dung mới là chiến lược tốt hơn cho sức khỏe tinh thần của bạn.

Đương nhiên, việc mua một thứ gì đó để giúp bản thân bạn giải quyết đủ loại vấn đề trong cuộc sống không phải chuyện gì xấu, nhưng nó đã vô tình góp phần không nhỏ vào biến đổi khí hậu.

May mắn thay, có khá nhiều mẹo hiệu quả mà bạn có thể dùng để tránh khỏi cạm bẫy suy nghĩ của chủ nghĩa tiêu dùng và cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống.

Tiến sĩ Helm gợi ý bạn luôn giữ bên mình một cuốn nhật ký ghi chép mua sắm hàng tuần và lên danh sách mua sắm nhằm tránh cho mình những cơn mua sắm bốc đồng.

Quan trọng không kém, bạn nên chú ý đến thói quen mua sắm hàng ngày của bản thân và phân tích xem những món nào là không cần thiết nhằm loại bỏ nó.

Đừng biến mình thành những chú hamster trong guồng quay cuộc sống

Nếu bạn đang làm công ăn lương, bạn có biết cái giá thực sự mà bạn đang được trả cho thời gian của mình là bao nhiêu không?

Thời gian cũng như những tài sản khác mà chúng ta sở hữu, một số tác giả thậm chí còn gọi nó là “năng lượng sống”.

Tại sao lại gọi như vậy? Câu trả lời có thể không đơn giản như bạn nghĩ.

Giả sử bạn đang kiếm được 10 triệu đồng cho một tháng làm việc 8 giờ/ngày và 5 ngày/tuần, tổng cộng là 8x5x4 = 160 giờ, thì thời gian của bạn đáng giá khoảng 62 ngàn đồng/giờ?

Nhưng thực ra, để có thể chuẩn bị trang phục và tới được chỗ làm, cũng như từ chỗ làm trở về nhà, bạn phải mất thêm ít nhất là 2 giờ/ngày nữa. Vậy là bạn mất thêm 40 giờ/tháng để đi làm.

Thực tế đó đã làm giảm mức giá của bạn xuống còn 50 ngàn/giờ.

Và nếu bạn tính đến các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đi làm, như tiền xăng, tiền sửa xe, cà phê, giao lưu với đồng nghiệp, ăn vặt, quần áo công sở... thì mức giá bạn đang bán thời gian của mình sẽ còn giảm xuống tới mức nào nữa?

Kết luận là, dù rất nhiều người trong chúng ta không nhận ra, nhưng chúng ta thực sự đang chạy trong một guồng quay cuộc sống như những chú chuột hamster.

Phần lớn thời gian chúng ta đã dành để kiếm tiền, và chúng ta đang tiêu một phần không nhỏ của số tiền đó cho những chi phí mà chúng ta vốn sẽ không phải bỏ ra nếu không đi làm.

Tệ hơn thế, không ít người trong chúng ta vẫn đưa ra những quyết định mua sắm phù phiếm mà cuối cùng sẽ nằm trong một xó tủ hay nhà kho nào đó, trong khi chẳng hề giúp ích gì cho kế hoạch hưu trí của ta.

Những khách hàng không hạnh phúc

Chúng ta đang cùng sinh sống trong một xã hội tự do và đương nhiên, mỗi người có quyền tiêu dùng “năng lượng sống” của họ theo cách nào họ muốn.

Vấn đề là hệ thống xã hội theo chủ nghĩa tiêu dùng tự do là một hệ thống không bền vững.

Một kỷ nguyên trước, khuyến khích công dân tiêu dùng nhiều hơn nhằm thúc đẩy sản xuất đã từng là một chính sách hợp lý.

Nhưng ngày nay, lối suy nghĩ đó đã không còn đúng.

Lý do là vì thực hành suy nghĩ đó trong hàng thập kỷ đã đưa trái đất của chúng ta đến với những vấn đề môi trường nghiêm trọng như: cạn kiệt tài nguyên, phá vỡ đa dạng sinh học và thảm họa thay đổi khí hậu toàn cầu.

Tiêu dùng đã không còn mang ý nghĩa “khiến cho cuộc sống dễ dàng hơn”.

Chúng ta đã vượt xa khỏi mức tiêu dùng cần thiết đó. Và đang tiến tới một định nghĩa mới của tiêu dùng: dùng đến cạn kiệt, lãng phí và phá hủy tài nguyên.

Đồng thời, tiêu dùng quá mức không khiến chúng ta hạnh phúc hơn.

Đã có nhiều tài liệu chứng mình, mua sắm quá mức cần thiết nhằm thỏa mãn cảm xúc thực chất không đem đến cảm giác thỏa mãn như mong đợi.

Thực tế là, khi đạt tới một điểm mà cảm giác thỏa mãn đã cực đại, sở hữu thêm đồ đạc chỉ khiến cuộc sống của ta thêm bừa bộn và khiến hạnh phúc suy giảm.

Tệ hơn thế nữa, chủ nghĩa tiêu dùng đã biến chúng ta thành những tín đồ tôn sùng vật chất.

Chúng ta không còn định nghĩa giá trị bản thân bằng năng lực, tính cách, lòng nhân hậu hay “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nữa.

Giờ đây, chúng ta định nghĩa nhau bằng những chiếc điện thoại thông minh, bằng những bộ quần áo và phụ kiện hàng hiệu.

Nhưng liệu lối suy nghĩ tôn sùng vật chất đó có thực sự khiến bản thân ta và các mối quan hệ xung quanh tốt hơn? Có lẽ mỗi người chúng ta tự biết câu trả lời rõ hơn ai hết.