VĂN HÓA

Thơ Phan Hoàng Phương chới với giữa những chân trời

Huỳnh Văn Hoa • 13-08-2021 • Lượt xem: 957
Thơ Phan Hoàng Phương chới với giữa những chân trời

Đọc thơ Phan Hoàng Phương, cứ nghĩ thời gian đã lăn tròn trên những mảnh vỡ cuộc sống, đã đánh cướp đi những cái gì gần gũi, thân thương và trả lại những hối tiếc, những mất mát. Có khi sự mất mát là những khung trời cũ, gắn liền với kỷ niệm thời thơ ấu, thời mới lớn, thời mới yêu.  Thơ Phan Hoàng Phương chới với giữa những chân trời.

Tin và bài liên quan: 

Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’

Giới thiệu thơ Phan Huyền Thư: Thức dậy tháng Tư

Dư Thị Hoàn, 'du nữ ngâm' giữa rừng thiêng núi thẳm

Hàm Anh, “Ba ngàn thế giới mang mang mắt em buồn”

Diviners Fest: 'Những bài thơ tiếp giáp giữa Ngôn từ và Vũ trụ' của Nguyễn Hữu Hồng Minh

Cách đây hơn 25 năm, năm 1994, Phan Hoàng Phương in tập thơ đầu tay, tập Giữa thời gian. Tập thơ mỏng, chỉ 65 trang, với 32 bài. Từ đó đến nay, thơ đăng rất ít, kiệm lời. Tôi gọi đó là người đàn bà lặng lẽ làm thơ, nửa muốn gắn bó và nửa muốn rời xa thơ ca. Gia sản cộng lại, kể cả tập sẽ in, đâu chừng trên dưới 70 bài. Ngần ấy của hơn ba thập niên làm thơ, dẫu biết rằng, ít hay nhiều, không thể nói bằng con số được. Tập thơ sắp in, có tên Giới hạn. Tôi thích sự chọn tên cho tập thơ của tác giả.


"Giới hạn" (Nxb Đà Nẵng) là tập thơ thứ hai của nhà thơ Phan Hoàng Phương sau 25 năm kể từ tập thơ đầu "Giữa thời gian" năm 1994. 

Phan Hoàng Phương viết ít, in ít, có lúc hình như muốn phủ nhận những đứa con nghệ thuật của mình, vì thế, có bài đọc xong, đeo bám suy nghĩ, đeo bám cảm xúc người đọc. Hơn 30 năm làm thơ, giữa hai tập thơ Giữa thời gian (NXB Đà Nẵng, 1994) và Giới hạn (2020) có khoảng cách 25 năm. 25 năm là độ lùi của bao cảm xúc và suy nghĩ, cái được và cái mất, hạnh phúc và đớn đau của cuộc đời. 25 năm, quãng thời gian không ngắn, bao dòng sông về xuôi, bao số phận bọt bèo, nghiêng ngả đã đi qua:
Đêm đó/ Sau lưng ông/ Dòng sông Hương như đứng lại/ Ghi lấy lời mai sau/ Quả rằng ông có lý/ Khi khuyên với nhân gian/ Những lúc buồn/ Hãy vịn câu thơ mà đứng dậy (Nhớ Phùng Quán)

Đêm nay/ Chuyến tàu chở người từ cõi âm về đông nghẹt/ Con không dám ra sân ga đón người/ Không dám nhìn sâu vào di ảnh của người/ Vì lại sợ người tin cậy … Chuyến tàu lại rời ga/ Con sấp ngửa chạy theo mà không ai hay biết … (Rằm tháng bảy)

Khi xưa ta khóc/ Khi không có được cái áo thật trắng, cái quần thật xanh cho ngày đồng diễn năm 76/ Khi không có được/ Những thanh củi thật khô để nhóm lên bếp lửa ngày đông khói khỏi cay nhòe nước mắt/ Lớn lên ta khóc/ Khi đứng giữa miền đất Chiên Đàn trơ trọi năm 78/ Mối tình đầu trôi theo mảnh trăng non…

Rồi bẵng đi bao nhiêu năm/ Tiếng khóc dựa vào đỉnh núi/ Chỉ như thấy cây kia luôn xanh, hoa kia luôn thắm/ Chỉ như thấy ánh trăng dịu dàng mong ngóng/ Mây trắng vờn quanh năm/ Chỉ mình Anh theo dõi theo/ Rồi vẫn nói/ Đắng cay không có cặn đâu em (Khóc)

- Không thể hỏi trời xanh/ Không thể hỏi sông dài/ Bao phận người đã trôi/ Bao đục trong đã nhận/ Bao chén rượu vơi đã thức để sông đầy (Trước sông)

- Chỉ một đoạn đường thôi/ Mà hoa trái chạm đến tầm tay với / Đẩy nỗi buồn lùi lại phía xa xôi (Bên nhau một chặng đường)

Tập thơ này có 45 bài, có tựa hơi lạ, Giới hạn. Giới hạn, theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt: “Phạm vi, mức độ nhất định, không thể hoặc không được phép vượt qua” (Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, 2005, trang 405). Với toán học, “giới hạn là một trong những khái niệm cơ bản của giải tích toán học” (Từ điển toán học thông dụng, NXB Giáo dục, HN, 2001, trang 268). Giới hạn còn là một khái niệm của triết học (Xem Danh từ triết học, LM Cao Văn Luận chủ biên, NXB Trí Dũng, Sài Gòn, 1969, trang 97). Giới hạn như một chủ đề, xuyên suốt nội dung, hình ảnh thơ.

Xét đến cùng, Con người – Cuộc đời – Không gian – đều có giới hạn. Giới hạn của đời người làm ta hiểu rõ hơn cái vô hạn của vũ trụ, của thiên nhiên. Mọi nền triết học, cả đông lẫn tây, đều bàn về giới hạn. Giới hạn không chỉ là khái niệm của hình học, như đã nêu trên, mà còn là ý niệm của mỹ học, đạo đức học, tôn giáo. Các nhà hiền triết, xưa và nay, ít hay nhiều, đều nghĩ về giới hạn. Thơ Phan Hoàng Phương chới với giữa những chân trời.

Đọc thơ Phan Hoàng Phương, cứ nghĩ thời gian đã lăn tròn trên những mảnh vỡ cuộc sống, đã đánh cướp đi những cái gì gần gũi, thân thương và trả lại những hối tiếc, những mất mát, có khi sự mất mát là những khung trời cũ, gắn liền với kỷ niệm thời thơ ấu, thời mới lớn, thời mới yêu. Trong lấp lánh những mảnh vỡ đó, ta bắt gặp sự lặng thầm của một trái tim mẫn cảm, tha thiết nhớ, tha thiết tiếc thương. Lại có lúc là sự phủ nhận, trốn chạy chính mình. Những hình ảnh mờ tỏ, khuất chìm của quá khứ và cả hiện tại chưa xa lắm, về phương diện sáng tạo, đó là những thời gian – không gian mang tính nội tâm:

- Những ngày đi trong mưa gió/ thèm được nghe những câu thơ cũ/ đau như trời tuôn mưa/ buốt như cơn gió xé/ đẹp như vạt lau bừng sáng tận bìa rừng …

Những ngày đi trong mưa gió/ Thèm nơi trở về, ngồi bệt trên nền nhà mát lạnh/ mâm cơm nóng hổi đủ đầy/ thèm nơi trở về/ có những gương mặt ngẩng lên nụ cười chào đón/ quên người xa để nhớ những người gần (Đi trong mưa gió)

- Đã lâu rồi, tôi không nhìn ánh trăng khuất sau mé núi/ để thấy mình cheo leo (Đã lâu rồi)

Khi tôi về/ Lời nguyền xưa đã mất/ Bước chân đi chầm chậm một kiếp người (Khi tôi về)

Mọi niềm vui thì đã qua/ Còn nỗi buồn thì chưa tới (Năm 93)

Phan Hoàng Phương có những câu thơ day dứt, đau đáu về thân phận, khác với con người thật ngoài đời, bỡn cợt, tung phá. Sâu kín trong một số bài thơ như Khóc, Quê người, Kết thúc, Chia tách, Thiền, Năm 93, Rằm tháng Bảy, Hoa gạo, Quay lại, Tựa, Giới hạn, Đường chỉ tay, Như một lời tạ ơn,... gửi gắm bao nỗi niềm, bao tiếc nuối cho phận đời, như con tằm vương tơ, như ánh trăng chưa khuyết, như ngọn nến chưa tàn, nghĩa là còn vấn vương, nặng nợ. Tâm trạng giống Lý Thương Ẩn (813 – 858) trong Vô đề:

Xuân tàm đáo tử ty phương tận

Lạp cự thành hôi lệ thủy can

(Con tằm đến thác còn tơ vướng

Chiếc nến chưa tàn lệ vẫn sa

– Bản dịch của Khương Hữu Dụng và Nam Trân)

Trong thơ Phan Hoàng Phương, ta hay gặp hình ảnh “ánh trăng” (Những đêm trăng ngời ngợi - (Mùa mưa) / Ánh trăng khuất sau mé núi – (Đã lâu rồi) / Ánh trăng dịu dàng mong ngóng - (Khóc) / Nhẹ hờ như một ánh trăng - (Tình yêu xanh) / Một vầng trăng nhòa nhạt giữa mây trời - Trăng vẫn xanh xao/ Trăng vẫn lặng thầm - (Trăng ngày) / Một vầng trăng muôn thuở - (Trăng muôn thuở) / Trăng trôi về một phía - (Rằm tháng Bảy) / Ánh trăng thôi mong manh - (Quay lại) / Đêm rằm trăng thánh thiện - (Những chiếc gùi chật nặng) / Bóng trăng non lặng thinh treo đầu ngõ - (Xa) / Nguyên lành dưới ánh trăng- (Gương mặt).

Hình ảnh này đi dọc con đường thơ Phan Hoàng Phương, tạo nên sự giao hòa, đồng vọng và sẻ chia giữa thơ và đời. Thơ Phan Hoàng Phương là thẳm sâu của trái tim, hiểu giới hạn của đời người và buộc lên tiếng. Chỉ vậy và có vậy. Tiếng thơ đó như những đường chỉ tay của “duyên phận”, “xê dịch”, “hẫng hụt”, “dọc ngang”, “chồng chéo”, “chìm nổi”, song, luôn tâm niệm: Dặn mình sống trong hòa ái (Đường chỉ tay).

Đà Nẵng, tháng 2 năm 2020

Huỳnh Văn Hoa


Chân dung nhà thơ Phan Hoàng Phương

DDVN GIỚI THIỆU CHÙM THƠ PHAN HOÀNG PHƯƠNG 

Tạnh ráo

Là em đấy
Trước di ảnh người mình
từng yêu thương
Trước đám tang đi trong buốt gió
Tiếng mưa đổ ập tứ bề
Bi ai kèn tang tiễn biệt

Mà cõi lòng trống hoang

Bao năm rồi
Ký ức chìm trôi
Tâm hồn băng giá
Đắm say thành lá mục rừng sâu

Bao năm rồi
Gặp lại nhau
như thể người dưng
Nhắc về tháng năm xưa
Tiếng cười tan trong nắng
Như không phải của mình
 Là em đấy
Giờ thì bật khóc
Khóc cho sự vô tình
Khóc vì lòng tạnh ráo
Khóc cho sự lãng quên

Khóc vì mặt đất lạnh xa kia
Một mai mình cũng vậy
Dửng dưng để lại trên đời.

 

Quê người

Cuối cùng
chúng ta lại được gặp nhau trong ngày đoàn tụ
khi câu hát Mùa xuân đầu tiên,Văn Cao chưa kịp viết
nước mắt em đã rơi ấm vai anh

Quê người là đây
một thành phố chật căng sóng nước
một vùng đất bao lần rung đạn pháo
đến giờ khói súng ngỡ còn cay

Anh ở miền trong, em ở miền ngoài
những giọng nói nghe hoài mới hiểu
những mặc cảm giấu sau từng ánh mắt
những đôi bờ xích mãi mới gần nhau

Nếu thành phố này, em không được gặp anh
không kiệt sức vì từng ngày ta sống
không gìn giữ những điều thiêng liêng nhất
thì dòng sông xưa giờ đã cạn rồi

Có những lúc, chẳng thể nào ta nghĩ
niềm thương đau rồi sẽ hóa ngọt ngào
những xao xuyến tưởng chẳng còn tha thiết nữa
giữa đất trời, hạnh phúc vẫn nâng niu

Thành phố nhỏ vẫn chật căng sóng nước
ngày vẫn qua tươi mới một vầng trăng
nhớ gương mặt bồn chồn theo năm tháng
nhớ mùa sen chụm lại những yêu thương.

 
Giới hạn 

Cuối cùng chúng ta cũng dừng lại trước bức tường
lặng im 
khô khốc
Ở đó

Hiện rõ những gương mặt của thiên thần
Hiện rõ  những trái tim thủy chung nhân hậu

Không thể như những đàn chim kia sải cánh vượt qua
Không thể như những chòm mây quyện vào nhau mà bay mãi

Em và anh như dãy núi nứt đôi
Mãi không chạm vào nhau được nữa.

Em qùi xuống dưới chân tường
Cỏ không còn màu xanh

Nước mắt khô thành muối

Bao nhiêu người đã đến đây
Cũng như em và anh

Như tạo hóa hợp tan đùa giỡn

Thôi ta về đi anh
Phía bên kia bức tường
Anh có nhìn thấy được

Những bước chân quay ngược phía bên này


Bìa tập thơ "Giới hạn" của nữ sĩ Phan Hoàng Phương  

Và chúng ta vẫn sống  

Bắt đầu từ đâu chúng ta rơi vào câm nín
Nụ cười vắng
Câu hát vắng

Căn nhà có khi chỉ còn nghe tiếng nước chảy trong ao cá

Tiếng trẻ con khóc
Tiếng bồ kết nổ trên bếp lửa

Và cả tiếng thở dài bên nhà hàng xóm

Có gì đặt giữa chúng ta
Đẩy chúng ta ngày một xa

Tưởng sẽ không được một năm, hai năm, ba năm

          hay nhiều nhất là khi con gái đi lấy chồng, con trai đi lấy vợ
Thế mà đã hết ngày xanh

Vẫn vậy và chúng ta vẫn sống
Không lẽ đứng trong góc bếp
Lai nhớ nôn nao cái bếp dầu, bếp củi
Không lẽ lướt bàn tay nhẹ êm trên bàn phím
Lại nhớ tiếng máy đánh chữ lách cách trong lòng đêm tĩnh lặng
Không lẽ mơ về một thời

Đèn nhà ai nấy rạng

Vẫn vậy và chúng ta vẫn sống
Những cánh cửa cứ mở ra với người này và khép lại với người kia

Phan Hoàng Phương