VĂN HÓA

Giáo sư Triết học Trần Đức Thảo và bộ sách quý

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 25-04-2022 • Lượt xem: 624
Giáo sư Triết học Trần Đức Thảo và bộ sách quý

Tưởng niệm 29 năm ngày mất của Giáo sư Trần Đức Thảo (24/4), Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam đương đại (CVCS) và Ban Tuyên giáo Trung ương đã đồng ý về chủ trương để Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tiếp tục đặt hàng CVCS thực hiện Tập 4 của bộ "Trần Đức Thảo tuyển tập".

Tin và bài liên quan:  

Ngôi nhà hoang giữa thác đổ rừng sâu và những pho tượng kỳ lạ (1)

Bức ảnh cuối cùng tôi chụp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Thời gian cuồng nộ - Tùy bút Nguyễn Hữu Hồng Minh

Một đốm lửa phản tỉnh - Tùy bút Nguyễn Hữu Hồng Minh

Thơ, những bí mật nội thể, là ý nghĩa sự sống - Tiểu luận

Tập 4 của bộ "Trần Đức Thảo tuyển tập" dự kiến gần 1.000 trang, gồm hơn 100 bức thư gửi đến và gửi đi giữa Giáo sư Trần Đức Thảo với các nhân sĩ trí thức, các nhà triết học hàng đầu của Pháp, Đức, Nga, Hoa Kỳ... cũng như với nhiều thế hệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản và các nhân sĩ trí thức tại Việt Nam.


Chân dung GS Trần Đức Thảo

Nội dung của hơn 100 bức thư này bàn về các vấn đề rộng lớn của triết học và khoa học: về sự hình thành con người, về sự hình thành của tiếng nói và ý thức của con người, về sự hình thành con người cổ đại và xã hội cổ đại, về sự bế tắc của logic hình thức và tầm quan trọng của logic biện chứng, về sự bế tắc của chủ nghĩa duy tâm hiện đại phương Tây trước những thách thức lớn của thời đại và sự khởi xướng chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản để giải quyết các thách thức đó của Giáo sư Trần Đức Thảo...

GS Trần Đức Thảo thời trẻ (Ảnh tư liệu)

Tập 4 của bộ "Trần Đức Thảo tuyển tập" dự kiến sẽ được phát hành vào đầu năm 2023, nhân dịp tưởng niệm 30 năm ngày mất của Giáo sư Trần Đức Thảo.

Nhân dịp này, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam đương đại cũng sẽ chủ trì để tái bản lại 3 tập đầu tiên (Tập 1: 1946-1951, tập 2: 1956-1985; tập 3: 1986-1993).

Bút tích là thư viết tay của nhà thơ Huy Cận gửi cho GS Trần Đức Thảo 2.4.1959 

Một con người tầm vóc 

Giáo sư Trần Đức Thảo là người quê làng Song Tháp (Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông sinh ngày 26-9-1917, mất ngày 24-4-1993, từng là học sinh xuất sắc của trường Albert Sarraut (Hà Nội). Năm 1935, đỗ tú tài xuất sắc, ông theo học Trường luật Hà Nội.

Năm 1936, ông được gửi sang Pháp học. Năm 1939, ông thi đỗ vào Trường cao đẳng sư phạm phố d'Ulm (Pa-ri), trường nổi tiếng về truyền thống tư tưởng tân tiến, văn hóa, khoa học. Đây cũng là nơi đào tạo các nhà tư tưởng, chính khách cho nước Pháp. Năm 1944, ông bảo vệ thành công thạc sĩ triết học. Trần Đức Thảo là một trí thức có lòng yêu nước cao cả, sẵn sàng hiến thân cho cách mạng. 

Giã từ Pa-ris, thủ đô ánh sáng với đầy đủ tiện nghi cho sinh sống và nghiên cứu, ông tự nguyện về Việt Nam, vào chiến khu Việt Bắc tham gia cách mạng, 1951-1952. Hòa bình 1954, ông được cử làm Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa. Là Chủ nhiệm khoa Lịch sử, dạy môn Lịch sử triết học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956-1957).

Những hướng nghiên cứu chính của triết gia Trần Đức Thảo, là: Đối chiếu hiện tượng học của Hussert với chủ nghĩa duy vật biện chứng. Sự chuyển hóa phép biện chứng duy tâm Hegel thành phép biện chứng duy vật ở Mác, cùng vai trò của chủ nghĩa Mác trong nhận thức và cải tạo thế giới.

Nhà thơ Huy Cận nhận định "Trần Đức Thảo là nhà triết học lớn của thế kỷ". Giáo sư Trần Văn Giàu thì khẳng định "Việt Nam chỉ có một nhà triết học duy nhất là Giáo sư Trần Đức Thảo".

Năm 2000, Giáo sư Trần Đức Thảo được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình "Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức".