Hội họa

'Khảy nhịp tang tình': Nói chuyện thú vị nhưng thiếu minh họa sống động

Đào Nguyễn • 09-04-2018 • Lượt xem: 12982
'Khảy nhịp tang tình': Nói chuyện thú vị nhưng thiếu minh họa sống động

Tối ngày 8.4, tại Soul Live Project (216 Pasteur, quận 3, TP.HCM) đã diễn ra buổi nói chuyện về nghệ thuật diễn xướng dân gian Nam bộ mang tên Khảy nhịp tang tình do nhà nghiên cứu, diễn giả Huỳnh Ngọc Trảng chủ trì. Đây là buổi nói chuyện đầu tiên trong chuỗi sự kiện của chương trình Diễn xướng Nam bộ do Soul Live Project cùng với Amberstone Media và Cultural Community Discourse (CCD) - Đối thoại Văn hoá Cộng đồng phối hợp thực hiện.

Số đầu tiên của chương trình Diễn xướng Nam bộ đã đươc tổ chức khá kỳ công khi có một buổi chợ quê họp từ chiều để mọi người giao lưu, "mua sắm" trong không khí thân tình của một không gian văn hóa Nam bộ xưa. 

Tranh thủ tạo dáng "xưa"

19 giờ, buổi trò chuyện Khảy nhịp tang tình được bắt đầu. Các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian ở Nam bộ đã được du nhập, ảnh hưởng và biến hóa như thế nào đã được nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nói khái quát bằng cách diễn tả sinh động, hóm hỉnh thu hút người nghe gần 2 tiếng đồng hồ.

Những trích đoạn của phim tài liệu Gia Định – Sài Gòn: Điệu hát, Câu hò ngày ấy khắc họa về lịch sử 400 hình thành vùng đất Nam bộ và các yếu tố văn hóa đã được phát triển như thế nào do chính diễn giả Huỳnh Ngọc Trảng viết lời bình. Từ những trích đoạn này, ông Trảng giải thích rõ ràng, cụ thể hơn cho người tham dự.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng (bìa phải) trong buổi Khảy nhịp tang tình

Theo ông, vì đây là vùng đất mới, khá cởi mở về việc tiếp nhận văn hóa nên khá đa dạng và phong phú. Diễn xướng Nam bộ cũng không nằm ngoài sự đa dạng ấy. Diễn xướng Nam bộ được ông Trảng tập trung thành 3 nhóm: Trữ tình dân gian, Tự sự dân gian và Diễn xướng tổng hợp, đồng thời ông cũng cũng chỉ ra khi nào ông bà ta sẽ hò, hát và cách phân biệt hò, ru, hát lý và cả những hình thức tự sự hấp dẫn như nói thơ, nói tuồng, cả những hình thức diễn xướng tổng hợp như sắc bùa, nghi lễ, khoa nghi ứng phú, v.v…

Nhà nghiên cứu cho biết, những người đặt dấu chân đầu tiên lên vùng đất Nam bộ là người Thuận Quảng nên cũng sẽ tiếp nhận những hạt giống văn hóa đầu tiên từ nơi ấy, từ hát ru đến các loại hò, vè... Trong đó, ông cho rằng, hát ru là thể loại dân ca bảo thủ nhất so với các thể loại dân ca ứng tác như hò, vè, lý... Những câu tinh túy nhất sẽ được đưa vào hát ru và từ đây, những đứa trẻ lớn lên sẽ đem theo theo ra đồng ruộng, sông nước. 

Ông cũng giải thích, đồng dao là những câu hát trong lúc chơi của trẻ con. Những câu hát ấy không có nghĩa mà chỉ có vần vè dễ nhớ, vậy nên không cần cất công tìm kiếm ý nghĩa của chúng. Các bài đồng dao có nội dung về đạo đức, công việc ... xuất hiện sau này chỉ là một dạng "nhái" của đồng dao. Các thể loại thơ rơi, quân phường, địa nàng, sắc bùa... cũng được nhà nghiên cứu giải thích ngắn gọn, vui vẻ, dễ hiểu.

Người tham dự góp vui trong trò chơi nói thơ Vân Tiên

Người tham gia không chỉ nghe mà còn góp vui bằng tiếng hát, hò của mình trong những tiết mục hò, nói thơ Vân Tiên, hát lý...  Tuy nhiên, chưa được 2 tiếng đồng hồ lại có quá nhiều kiến thức được chia sẻ nên sẽ "quá tải" với những người chưa tìm hiểu nhiều về nghệ thuật dân gian Nam bộ. Thêm nữa, buổi trò chuyện này nặng về phần nói chuyện kiến thức mà thiếu hẳn các tiết mục văn nghệ minh họa cho phần nói chuyện thêm sinh động, dễ nắm bắt kiến thức. Khảy nhịp tang tình, cái tựa rất hay, nhưng tiếc là không có nốt nhạc nào được khảy lên.

Bắt đầu từ kỳ 2, mỗi buổi nói chuyện Diễn xướng Nam bộ sẽ nói sau về một thể loại cụ thể, hy vọng sẽ có nhiều "nghệ sĩ" tham gia minh họa để người tham dự thấy được nhiều hơn cái hay, cái đẹp của diễn xướng dân gian Nam bộ.