Hội họa

Lan Viên Cổ Tích một địa chỉ văn hóa bên bờ sông Hương

Lê Phương Liên • 09-03-2022 • Lượt xem: 2372
Lan Viên Cổ Tích một địa chỉ văn hóa bên bờ sông Hương

Tôi được biết đến tác giả Thái Kim Lan từ những bài báo của chị trên tạp chí "Tia sáng". Những dòng văn của chị về xứ Huế về Muenchen (Đức) như có hình bóng của một người phụ nữ bay đi bay về giữa hai nơi ấy.

Tin và bài liên quan: 

Trò chuyện với GSTS Thái Kim Lan: Tuồng cổ và Triết học (Bài 1)

GSTS Thái Kim Lan: Tưởng niệm 100 năm Phạm Duy

Bảo tàng sông Hương của Thái Kim Lan

Qua Munich gặp cố đô - Tùy bút Nguyễn Văn Dũng

Theo chân nàng Kiều đến ngôi chùa thứ tư 'Đoạn Trường Tân Thanh' Nguyễn Du

Bất ngờ vào đầu hè năm 2012 tôi nhận được thông tin tác giả Thái Kim Lan sẽ ra mắt cuốn sách “Thư gửi con” tại Trung Nguyên Legend cafe (52 Hai Bà Trưng- Hà Nội). Đến cuộc giao lưu, tôi rất vui vì được biết người dẫn chương trình là tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, một người mà tôi cũng mới quen. Khi nhìn thấy chị Thái Kim Lan và nghe giọng Huế của chị tôi có chút sửng sốt. Tôi được biết chị là tiến sĩ triết học giảng viên triết học so sánh Đông (Phật học)-Tây tại Đại học Luwig-Maximilan Universitat. Muenchen. Thế mà sao trong cách trả lời những câu hỏi của mọi người,chị không hề tỏ ra vẻ triết học hàn lâm hay phong cách tu sĩ Phật học. Chị kể chuyện nuôi dạy con ở nước ngoài mà ru con bằng những bài hát ru xưa bà và mẹ đã ru mình… đơn giản vậy thôi mà không phải ai cũng có thể làm được! Cuốn sách "Thư gửi con" nhẹ bỗng trên tay mà sao sâu nặng “chữ tình là chữ khởi đầu”: tình thương con, tình thương bà, thương mẹ ,thương chị gái và thương nhớ quê hương trong“ khoảng cách vời vợi giữa Huế và Muenchen, khoảng thời gian mấy mươi năm hun hút chia xa”( Trích “ Mai rồi mưa tạnh trong xuân”). Từ cuộc gặp gỡ nhờ cuốn sách “Thư gửi con” ấy, tôi thành người bạn của chị Thái Kim Lan.

Dịch giả Thái Kim Lan tại Viện Goethe ( Hà Nội) trong Lễ ra mắt cuốn "Huệ Tím" nguyên tác của Hermann Hesse; GSTS Thái Kim Lan chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Đức- (NXB Kim Đồng 2015). Trong ảnh dịch giả Thái Kim Lan là người thứ ba từ phải sang.

Mùa xuân năm 2013, tôi vào Huế thăm chị Thái Kim Lan. Bước vào ngôi nhà xưa của gia đình chị ở 96 phố Bạch Đằng, tôi như gặp lại những ngôi nhà cũ ở phố cổ Hà Nội(bây giờ chỉ còn trong tranh của Bùi Xuân Phái). Thế rồi tôi ngỡ ngàng thấy mình đang ở trong một viện bảo tàng. Nhà chị Kim Lan có rất nhiều đồ cổ: Tượng Phật, đồ đồng, đồ gỗ, đồ khảm trai… Nhưng có lẽ cổ nhất là đồ gốm: đồ đất nung, đồ sành...Tôi cũng được biết rằng đồ gốm là phát minh lâu đời nhất của con người. Có thể chị Kim Lan muốn “đọc” lịch sử từ đồ gốm chăng? Chị Kim Lan cho biết chị có người anh trai là họa sĩ Thái Nguyên Bá (đã mất). Khi anh trai chị từ Mỹ trở về sống ở Huế, chị đã gợi ý anh nên mua những đồ gốm cổ được trục vớt từ lòng sông Hương. Sau khi họa sĩ Thái Nguyên Bá từ trần, những người vạn đò vớt được cổ vật ở dưới sông vẫn quen đến bán cho nhà chị Kim Lan.Mỗi lần từ Đức trở về Huế chị Kim Lan có niềm vui thấy bộ sưu tập của mình có thêm cổ vật. Vì thế mà chị Kim Lan có nhiều đồ gốm cổ. Từ phố Bạch Đằng, chị Kim Lan đưa tôi lên thăm nhà vườn Từ đường Thái tộc ở bên bờ sông Hương cách chùa Thiên Mụ chừng 500 m. Dạo ấy khu nhà vườn Từ đường Thái tộc đang bị lấn chiếm, tranh chấp... cảnh hoang phế khiến chị Kim Lan đau lòng lắm. Khi trông thấy những bông hải đường rơi trên cỏ ướt, chị cúi xuống đặt hoa lên bàn tay nâng niu như ngọc quý. Khi đến bên vườn chuối đã gần trăm tuổi, chị Kim Lan nhẹ cầm tầu lá chuối non nõn lên: “Dễ thương...” chị nói nhỏ bằng một giọng trầm. Có lẽ là chị đã nhớ vườn chuối này trong bao ngày tháng ở nơi “Lạnh hơn xứ mình” (Tên tập thơ bằng tiếng Đức của tác giả Thái Kim Lan).

GSTS Thái Kim Lan và nhà thơ. nhạc sĩ Nguyễn Hửu Hồng Minh bên một hành lang Gốm sông Hương trong từ đường Thái tộc - Huế, mổng 5 tết Nhâm Dần 2022. (Ảnh: Thanh Tùng)

Tôi thật sự khâm phục một người đã nói tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ làm việc với ngôn ngữ Đức hơn 50 năm mà vẫn nhớ nằm lòng văn thơ cổ điển Việt Nam. Chị thuộc lòng “Truyện Kiều” (3254 câu) thuộc cả “Chinh phụ ngâm”. Những ngày con gái chị sinh cháu, chị là bà ngoại ru cháu bằng “Chinh phụ ngâm” ở nơi trời Tây xa lắc. Ngày xuân năm 2013 ấy tôi được chị Thái Kim Lan đưa đi thăm khu vườn cố tích đã được xây dựng cách đây khoảng 200 năm, có nhà rường cổ còn vắng lạnh, có những cây cảnh quý hàng trăm năm tuổi đang như ở trong rừng hoang dã.

- Trong tâm sự, chị Thái Kim Lan không chỉ thương nhớ quá khứ mà chị ấp ủ một ước mơ với khu nhà vườn Từ đườngThái tộc cho hôm nay. Nhiều năm qua chị đã kiên trì nỗ lực để lấy lại được một phần lớn đất của khu nhà vườn Từ đường Thái tộc. Sau đó chị đã rời phố về sống ở đây để dành nhiều thời gian chăm chút cho không gian này. Có vốn liếng cổ vật phong phú, đặc biệt là đồ gốm, chị Thái Kim Lan nghĩ đến việc xây dựng Bảo tàng gốm sông Hương. Chị nghĩ rằng những người đi trước chưa thực hiện được mãi đến bây giờ mới thực hiện được. Chị cũng rất mãn nguyện được có những món sưu tầm của người đi trước trong không gian hiện nay. Giờ đây Bộ sưu tập gốm cổ của chị Thái Kim Lan đã có 5000 cổ vật.

- Chị Thái Kim Lan có phong cách sống thong dong mà hiệu quả. Chị là người quản lý mấy nhà rường cổ; cả khu vườn nhiều cây quý; hàng nghìn cổ vật dễ vỡ...Thế mà người ta thấy chị vẫn có những buổi sáng đi bơi, những buổi tối giao du bạn bè khiêu vũ…. Có những ngày sáng chị trao đổi yêu cầu với tốp thợ trẻ về việc tu bổ nhà vườn, chiều lại điện thoại liên hệ với bạn bè ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để lên chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật. Dịp đầu năm 2020 chị đã đón đoàn nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đến biểu diễn nhạc Trịnh và cùng nghe kể chuyện những kỷ niệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Huế. Dịp Tết Nguyên đán năm ấy chị tổ chức Tết Huế tại khu nhà vườn, đón tiếp nhóm Đông Kinh cổ nhạc ở Hà Nội vào giao lưu với các nghệ sĩ Ca Huế.. Ngoài ra, thường xuyên chị đón tiếp những người bạn Đức và bạn người nước ngoài, bạn người Việt ở nước ngoài về du lịch Huế.

Bìa cuốn sách "Huệ Tím" ( NXB Kim Đồng 2015) và cuốn "Mai rồi mưa tạnh trong xuân" (NXB Kim Đồng 2019)

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu (2020) dịch Covid bùng phát. Sống trong những ngày khẩu trang đã thành thời trang của toàn thế giới, khu nhà vườn từ đường Thái tộc của chị Thái Kim Lan vẫn bình yên với cây cối hoa lá và những chú chó con mới được sinh ra. Chị Kim Lan vừa sung sướng vừa vất va đón những sinh linh mới của khu vườn cố tích. Dịch bệnh chưa tan, thiên tai đã đến! Tháng 10 năm 2020 những trận lũ chồng lũ, bão nối bão đã liên tiếp đổ bộ vào Thừa Thiên- Huế. Có những ngày đêm, chị Thái Kim Lan đã phải sống một mình cùng bày chó nhỏ trong khu nhà vườn mất điện, mất internet... giữa lúc gió bão thổi quay cuồng và nước sông Hương dâng lên cao...Trận bão đi qua, cũng để lại mất mát cho khu vườn cố tích. Cây nhãn cổ có tuổi hơn hai trăm năm đã bị gẫy một nhành lớn. Chị Thái Kim Lan thương nhành cây đã lìa khỏi thân cây cổ thụ mà không nỡ vứt bỏ. Chị đã để nhành cây thành một bức tượng gỗ ghi dấu một kỷ niệm không thể nào quên.

Thế rồi khu vườn cổ đã có thêm kiến trúc mới- Khu trưng bầy đồ gốm cổ rộng thoáng đủ chứa đựng được hàng ngàn cổ vật. Để thành lập “Bảo tàng gốm Sông Hương”, chị Kim Lan mời các nhà khoa học đến thẩm định niên đại cho những cổ vật trong bộ sưu tập của chị. Kết quả thẩm định cho biết bộ sưu tập của chị Thái Kim Lan có những cổ vật từ thời văn hóa Sa Huỳnh, Chăm, Lý, Trần, Lê cho đến Triều Nguyễn. Sông Hương quả là “dòng sông cổ vật” hiếm có trong những dòng sông ở Việt Nam.

- Trong đời thường chị Thái Kim Lan là người biết mặc đẹp. Bộ sưu tập áo dài Huế xưa của chị đã nổi tiếng từ cuộc triển lãm “Mầu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” ở Viện Goethe Hà Nội năm 2015. Hơn thế nữa, chị là người biết chụp ảnh đẹp. Trang Facebook của chị luôn có ảnh đẹp, bài hay. Những người bạn của chị ở xa Huế, hàng ngày xem trên trang Facebook ngắm những hình hoa nở lung linh giữa quang cảnh khu nhà vườn trong nắng Huế, mưa Huế. Khu trưng bày cổ vật được sắp đặt theo một dòng ý tưởng “Sông Hương kể chuyện”.Những ngày Tết Nhâm Dần vừa qua hình ảnh Lễ Thượng Nêu rồi Lễ Hạ Nêu theo phong tục cổ truyền xuất hiện trên những bức ảnh và video sinh động đã khiến người xem thấy yêu Tết Nguyên đán cổ truyền Việt Nam vô cùng.

GSTS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng viện Ngôn ngữ học Việt Nam và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh trong bảo tàng Gốm sông Hương, tết Cọp 2022.   

Những ngày trước Tết Nhâm Dần một tin vui đã đến: “Lan viên cố tích” đã chính thức được chính quyền Thành phố Huế cấp quyết định hoạt động. “Lan viên cố tích” là tên gọi cho nhà vườn Từ đường Thái tộc và “Bảo tàng gốm cổ Sông Hương” do Quỹ văn hóa Thái Kim Lan tài trợ. Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ Ba của Thành phố Huế. Xin được chúc mừng chị Thái Kim Lan, người con của quê hương xứ Huế sau bao năm ước mơ tâm huyết tạo dựng nay "Lan Viên Cổ Tích" đã thành một địa chỉ văn hóa bên bờ sông Hương.

--------

(*)Chú thích ảnh chính: Từ trái sang:

GSTS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng viện Ngôn ngữ học Việt Nam, GSTS Triết học Thái Kim Lan và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh trong bảo tàng Gốm sông Hương, tết Cọp 2022. (Ảnh: An Na)    

Hà Nội ngày 20/2/2022 

Lê Phương Liên