Duyên Dáng Việt Nam

Món ngon nhớ lâu: Ăn và tình

Phạm Công Luận • 13-08-2021 • Lượt xem: 589
Món ngon nhớ lâu: Ăn và tình

Những món ăn của một thời không muốn quay trở lại, nhưng đậm đà tình thương tần tảo và chính xác là rất ngon ở thời ấy. Bài viết của nhà báo nhà văn Phạm Công Luận. Tranh minh họa của họa sĩ Phạm Công Tâm. Hai anh em ruột, người viết người vẽ về Sài Gòn...

Tin và bài liên quan: 

Nhà báo Nguyễn Công Khế: Nhân loại đớn đau

Nhà sưu tập Phương Chánh Hùng, người yêu tiếng hát lênh đênh

Một người Việt từng đoạt giải Oscar Điện ảnh về kỹ thuật vừa ra đi vì Covid-19

Nguyễn Hữu Hồng Minh và Cao Minh Đức hủy show 'Còn Lại Tình Yêu' tại Đà Nẵng

Ngày giỗ được tổ chức ở nhà dì Út, là người duy nhất còn lại trong các anh chị em của má tôi. Sau khi cúng, các món ăn được bưng ra khiến tôi rơi vào cảm xúc xốn xang khá riêng tư.

Trên bàn, có vài món ăn giản dị: dĩa mì xào với thịt heo, giá và hẹ xen lẫn những sợi mì còn bóng mỡ. Bên cạnh là dĩa bì cuốn, cắt ra từng khoanh xếp trong đĩa, sau lớp bánh tráng thấp thoáng màu xanh của rau và màu vàng của bì và thịt. Có một tô ra-gu gà ăn với bánh mì và dĩa gỏi ăn với bánh phồng tôm.

Thực đơn ngày giỗ này y hệt như trong ngày giỗ ở nhà tôi, cho đến tận cái giỗ cuối cùng trước khi má tôi mất đã gần chục năm trước.


Tranh họa sĩ Phạm Công Tâm

Những kỷ niệm về những món ăn luôn tồn tại, bất chấp chúng ta từ một đứa bé hiền lành đã trở thành một người từng trải và nếm được nhiều thứ trên đời. Tôi đồng ý với một ước nguyện của một tác giả tôi từng đọc, là mong sẽ có trên trời một cái bàn ấm cúng nào đó, để sau này chúng ta có thể gặp gỡ và cùng ăn uống với những người chúng ta mãi mãi yêu thương.

Ngẫm lại, chúng ta thấy luôn có sự gắn kết giữa cảm xúc của chúng ta với chuyện ăn uống và những câu chuyện chung quanh nó. Những ai đã từng “công phá thành sầu” của mình bằng vài món ăn khoái khẩu và những bữa tiệc tùng sẽ đồng ý như vậy. Một món ăn cũng có thể tạm thời xoa dịu nỗi buồn của chúng ta, đôi khi cũng là người đồng hành thầm lặng của chúng ta trong khoảng thời gian khốn khó đó.

Món ăn cũng có thể mang lại kỷ niệm về một người thân yêu và làm sống lại những khoảnh khắc đã trôi qua.

Tôi không quên lần đầu được nếm món phở đẩy xe của một ông già Nam Định trong một ngày bệnh đã gần lùi và cần ăn trả bữa ở năm 1970. Đối với một gia đình bảy đứa con, ăn bất cứ món gì ngoài trù tính của ngân quỹ luôn là sự lãng phí, nhưng khi đó tình thương đã thắng. Mùi vị thơm nóng, cay và đậm đà của món phở khiến bừng tỉnh trong tôi một cảm giác ẩm thực kỳ lạ chưa từng cảm thấy trước đó. Tôi luôn nhớ về tô phở đầu tiên ấy và tin rằng mình được thương yêu. Nhắc lại nó, tôi nhớ má, người đã bưng tô phở đặt trên một cái dĩa đến giường, giúp tôi hồi sức qua từng sợi phở, miếng thịt bò chín và nước súp húp đến tận đáy tô.


Tranh họa sĩ Phạm Công Tâm

Không bao giờ có thể ăn lại những món ăn của gia đình thời bao cấp khó khăn nữa. Ấn tượng về chúng là sự chế biến linh hoạt của những người phụ nữ trong nhà, với mớ lương thực nghèo nàn được phân phối dè sẻn. Đó là món bánh mì hấp đơn sơ, hấp trong nồi cơm, lấy ra quết miếng mỡ hành, cuộn rau sống và chấm nước mắm pha, không hề có miếng thịt, bì xào nào cả. Là món mì tươi hấp với cơm, bày ra dĩa, chan nước mắm pha cho ngon. Là món “mì riêu”, thực chất là món bún riêu nhưng thay bún bằng mì sợi, vì không đào đâu ra bún khi gạo lúc đó rất hiếm. Là món bánh khoai mì, hay món bánh cay, làm từ mớ khoai mì được phân phối hằng tháng. Những món ăn của một thời không muốn quay trở lại, nhưng đậm đà tình thương tần tảo và chính xác là rất ngon ở thời ấy.

Một người bạn bảo rằng khi nấu lại món ăn mà ngày xưa mẹ thường hay nấu, trong thâm tâm cô ấy muốn truyền cách nấu và cả cảm xúc về một món ăn ngon và lành mạnh cho đứa con gái. Cô ấy muốn tặng cho con gái mình một nỗi nhớ của tương lai và đồng thời muốn tận hưởng sự hồi sinh nỗi nhớ của chính mình.

Tôi đọc một tiểu thuyết của tác giả tên K. (chỉ ký tên như vậy), viết ở hải ngoại và in ở Việt Nam. Tác giả kể về anh bạn làm đầu bếp pizza lành nghề bên Canada. Anh ta đau đáu nhớ quê hương, đến nỗi khi làm pizza, thỉnh thoảng anh bỏ thêm vị nước mắm và cả giá sống vào bánh, là những thứ dân bản địa không hề tưởng tượng nổi có trong cái bánh pizza mình ăn. Đó là một niềm vui thầm kín của anh, có lẽ không ổn lắm đối với ông chủ tiệm và thực khách, nhưng nó phản ánh một nỗi hoài hương âm ỉ và thực hiện bằng kiểu cách khác người. Có thể anh ta nhớ món bánh xèo thời còn ở Sài Gòn, khi anh vừa thưởng thức vừa xem ông nội đánh cờ tướng.


Tranh họa sĩ Phạm Công Tâm

Trong một bài viết cho báo The New York Times, nhà nấu bếp lừng danh Jacques Pépin cho rằng: “Đối với hầu hết mọi người, các món ăn quan trọng là những món ăn đã được nấu chín với tình yêu thương. Món ăn là một phần của cấu trúc của một gia đình, được truyền từ một bà ngoại, mẹ, vợ hay chồng, dì, chú hoặc anh em họ. Những món ăn này vẫn nặng sâu trong ký ức về hương vị món ăn của chúng ta, hơn là bằng các công thức nấu ăn và món ăn của các nhà hàng danh tiếng, ngay cả đối với một đầu bếp chuyên nghiệp như tôi”.

Nấu ăn rất cần tình yêu đến nỗi nhân vật Urbino (trong “Tình yêu thời thổ tả” của G.G Marquez) khi nếm thử món ăn được nấu bởi một quản gia mới toanh, đã giận dữ đẩy nó trở lại và tuyên bố, "Món này đã được nấu chín mà không có tình yêu". Nấu bằng một tình yêu? Thời buổi này đã khác với đời sống công nghiệp và dịch vụ, hệ thống nhà hàng và quán ăn dầy đặc. Nhiều người trong chúng ta mong người giúp việc nấu ăn bằng lòng tôn trọng nhau đã đủ an lòng rồi và không mong gì hơn. Dù sao, một cái lưỡi mẫn cảm có thể nhận ra một món ăn được nấu bằng tình yêu hay cảm xúc thật và từ đó sẽ dẫn đến trái tim.

Tình yêu và món ăn đã đi với nhau, và còn đi với nhau trong cuộc sống chúng ta, như lời của George Bernard Shaw: “Không có tình yêu nào chân thành hơn tình yêu đối với những món ăn”.

Phạm Công Luận

(Trích từ sách“Những bức tranh phù thế”, Công ty sách Phương Nam xuất bản)