Hội họa

Quốc Bảo 'nhìn' Sài Gòn

Trần Diệp • 08-04-2018 • Lượt xem: 10715
Quốc Bảo 'nhìn' Sài Gòn

Nhạc sĩ Quốc Bảo sinh ra và lớn lên trong mảnh đất Sài Gòn và anh luôn thừa nhận tình yêu của mình dành cho mảnh đất quê hương. Nên có gì lạ đâu khi anh viết những ca khúc mang bóng dáng Sài Gòn hoặc một cuốn sách ảnh về Sài Gòn của anh đã ra đời - Saigon của tôi (Saigon of Mine

Sáng 7.4, tại Đường sáng TP.HCM đã diễn ra cuộc giao lưu giới thiệu tập sách ảnh Saigon của tôi của nhạc sĩ Quốc Bảo. Ngoài tác giả cuốn sách, buổi giao lưu còn có MC Minh Đức cùng các khách mời là nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam và ca sĩ June Nguyễn. 

Từ trái qua: MC Minh Đức, nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam, ca sĩ June Nguyễn và nhạc sĩ Quốc Bảo trong buổi giao lưu

Sài Gòn của tôi

Điểm thú vị của cuộc gặp mặt là thay vì nói chuyện về quá trình thực hiện cuốn sách hoặc nhạc sĩ Quốc Bảo đã chụp những hình ảnh ấy của Sài Gòn như thế nào thì lại chuyển thành buổi chia sẻ về những câu chuyện Sài Gòn, tình cảm của "tôi" dành cho nơi này như thế nào v.v... Lẽ dĩ nhiên, khi nói về tình yêu Sài Gòn bao giờ cũng có tranh luận, bởi yêu Sài Gòn là tình yêu chung và cũng vì tình yêu này mà ai cũng muốn khẳng định "Sài Gòn như vậy mới là Sài Gòn".

Nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam góp vui bằng ca khúc Tình ca phố do Quốc Bảo đệm guitar

Nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam nói: "Góc nhìn của Quốc Bảo là người có cuộc đời trôi qua ở con đường Đồng Khởi "sang chảnh" nhất Sài Gòn, còn Sài Gòn của tôi là những con hẻm vì luôn ở nhà có "số xuyệt". Ở đó có những bác bán hàng rong tôi biết mặt quen tên cho tôi cảm giác thân mật". Anh còn kể thêm, có lần anh cùng nhóm bạn đi sinh nhật đến 3,4 giờ sáng tan tiệc và lại kéo nhau đi ăn ở chợ Bến Thành, thấy đã có người đi tập thể dục, có người chuẩn bị hàng quán bán đồ ăn sáng và "ồ, Sài Gòn thật lạ, nhịp sống cứ tiếp nối từ người này đến người kia".

Ca sĩ trẻ June Nguyễn với ca khúc Chân dung tôi 

Còn người trẻ hơn - thuộc thế hệ 9X - ca sĩ June Nguyễn thì nói rằng khi vào Sài Gòn học đại học cô chẳng cảm nhận gì, bỗng một lần trở lại Sài Gòn sau chuyến đi Đà Lạt cô thấy Sài Gòn nhanh lên một cách bất thường. Điều này làm cô thấy thú vị!

Một bạn đọc ở tuổi 80 chia sẻ Sài Gòn bây giờ khác nhiều so với ký ức của bà. Với bà: "Sài Gòn bây giờ hiện đại hơn, thứ gì trên thế giới có là Sài Gòn có, chỉ cần dạo một vòng chợ Bến Thành thì có thể mua được". Bà tiếc nuối nếu những công trình kiến trúc vẫn còn rất đẹp của Sài Gòn bị đập bỏ.

Bạn đọc lớn tuổi chia sẻ tại buổi giao lưu

Cuộc tranh luận trở nên nóng hơn khi nhạc sĩ Quốc Bảo nói rằng: "Sài Gòn không có ký ức và cũng không cần là một thành phố của ký ức. Sài Gòn là của hôm nay và ngày mai". Một người trong buổi giao lưu không đồng ý để Sài Gòn là một thành phố "không ký ức" và theo chị bao nhiêu đổi thay đã làm Sài Gòn xấu đi.

Nhạc sĩ Quốc Bảo kể rằng, gia đình anh cũng thường tranh cãi khi nói về Sài Gòn. Bản thân anh vẫn nhớ như in lúc mình còn ở trong những căn nhà cũ, chơi thả thuyền giấy trong nhà sau mỗi cơn mưa to. "Tôi tự lưu giữ ký ức về Sài Gòn và "không thể bắt Sài Gòn giữ giùm ký ức của ta", anh nói.

Sài Gòn của Quốc Bảo

Trước đó, có lẽ vì đoán được sẽ có nhiều ký kiến trái chiều khi nói về Sài Gòn nên Quốc Bảo đã nói về những bức ảnh trong tập sách của mình: "Để tránh cực đoan trong phân định Sài Gòn đẹp và xấu, Sài Gòn xưa và nay, cái nào đẹp hơn cái nào... những bức ảnh của tôi chỉ khắc họa những góc, điểm, chi tiết... bạn đọc nhìn thấy mỗi này mà bỏ quên". Tác giả chia sẻ thêm: "Tôi không cố ý nói Sài Gòn của tôi khác của bạn nhưng mỗi người có một mộng tưởng khác nhau về Sài Gòn. Đối với tôi, Sài Gòn nằm trong mộng tưởng, tôi mơ thấy gì thì chụp hình ảnh ấy".

Bìa tập sách 

Quốc Bảo nói tập sách Saigon của tôi là như một tiểu luận nhỏ về Sài Gòn, trong đó là những bức ảnh được chụp từ năm 2013 - 2017. Sách được chia thành 3 chương, không theo bố cục cân đối và không đặt tên mỗi chương. 

Chiếm phân nữa cuốn sách là nhịp sống Sài Gòn qua ống kính và những dòng tâm sự của tác giả. Sài Gòn của những tòa nhà, những ô kính nhìn từ chiếc bàn quen thuộc của quán cà phê quen thuộc ngót chục năm, những tán lá me xanh ngập trong trời xanh nắng vàng, những quán cà phê cóc, những người bán hàng rong, những vỉa hè loang lỗ nắng, loang lỗ nước mưa. Sài Gòn của những thong dong đọc tin tức trên báo và Sài Gòn của những bước chân vội vã đi trên đường... 

Một trang trong ruột sách 

Sài Gòn của Quốc Bảo có một người đàn ông tên Long. Quốc Bảo trong quán sang, Long hành nghề đánh giày mỗi ngày vẫy tay qua khung cửa kính mời khách. Tưởng khung cửa kia là khoảng cánh mà không, họ thành bè bạn. Quốc Bảo chụp hình Long và chú thích: "Đây là phút giải lao hiếm hoi của anh trong ngày, sau khi đã kiếm đủ bữa ăn cho gia đình".

Những hình ảnh ấy, người đọc sẽ gặp lại ở chương 2, dĩ nhiên từ một góc khác, không một dòng chú thích và bạn đọc sẽ nghĩ gì từ những khung hình ấy, khi không bị tác giả dẫn dắt bởi chữ nghĩa.

Quốc Bảo chụp Sài Gòn không có sắp đặt, thấy hình ảnh thuận mắt thì anh chụp. Vậy nên, nhiều bức hình chỉ nhấn một điểm, còn lại có thể là xe cộ, thân người... sẽ bị "cắt ngang, cắt dọc". Quốc Bảo nói Sài Gòn không cần là một thành phố có ký ức, nhưng có lẽ con dân của Sài Gòn thì cần, như chiếc điện thoại công cộng là kỷ niệm mãi không quên trong anh.Tập sách ảnh không có những tiếc nuối quá khứ, những da diết đau lòng vì đổi thay mà nó được nhìn nhận như bể dâu rồi phải có. Ngay bên cạnh bức ảnh tháp nước hồ con rùa, anh viết: "Trong vô vàn những biến thiên, luôn có một hằng số. Saigon thay đổi, luôn có cái gì đó không di dời. Sợ nhất là ta không có một truyền thống nào để bám giữ và cũng sợ không kém là cứ nắm chặt lấy truyền thống".