Duyên Dáng Việt Nam

Tiễn biệt nhà văn, nhà báo Trần Hữu Lục, người xa quê 'Nhớ Huế'

Minh Ngữ • 31-08-2021 • Lượt xem: 14675
Tiễn biệt nhà văn, nhà báo Trần Hữu Lục, người xa quê 'Nhớ Huế'

Nhà thơ Trần Hữu Lục vừa qua đời vì nhiễm bệnh Covid - 19. Ông là cái tên quen thuộc trong giới sinh viên, trí thức Huế những ngày “xuống đường” những năm thuộc thập niên 1960 - 1970. Là thành viên nòng cốt của Nhóm Việt - nhóm văn học nghệ thuật đối kháng tại miền Nam trước 1975, chống lại khuynh hướng lai căng vong bản, thực hiện các tập san Thân Hữu, báo Sinh viên Huế... Sau này ông chủ biên tập san tủ sách 'Nhớ Huế' được nhiều đọc giả yêu mến...

Tin và bài liên quan: 

Giới thiệu thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường: Trên dấu rêu mờ

Giới thiệu thơ Ý Nhi: ‘Chút gì như bóng dáng đời ta’

Thi sĩ Trần Vàng Sao: Một người Việt yêu nước mình

Thi sĩ Nguyễn Quang Thiều viết điếu văn tiễn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Giữa thi pháp Nguyễn Quang Thiều và Thanh Tâm Tuyền

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam thông tin: "Sáng nay, vào lúc 9h 25 phút sáng nay, nhà văn Bích Ngân thông báo nhà thơ Trần Hữu Lục, hội viên Hội Nhà văn VN đã ra đi bởi Covid-19.

Nhà thơ Trần Hữu Lục sinh năm 1944 tại Huế, sau này ông định cư tại Sài Gòn. Nhà thơ Trần Hữu Lục là cái tên quen thuộc trong giới sinh viên, trí thức Huế những ngày “xuống đường” những năm thuộc thập niên 1960-1970, sát cánh cùng những tên tuổi Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thái Ngọc San, Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Chỉ, Nguyễn Duy Hiền, Đông Trình, Võ Quê… Ông từng là thành viên nòng cốt của Nhóm Việt - nhóm văn học nghệ thuật đối kháng tại miền Nam trước 1975, chống lại khuynh hướng lai căng, vong bản - và Tạp chí Việt (1967-1968), là chủ biên của tập san Thân Hữu (Đại học Sư phạm Huế - 1967) và chủ bút báo Sinh viên Huế (1968)…

Về thơ ca của nhà thơ Trần Hữu Lục, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn viết “Trong Lục cho đến nay vẫn luân lưu một dòng thi ca như thế. Rất nhẹ nhàng mà nồng ấm, ngọt ngào mà tinh tế, lay động với những kỷ niệm mang mang tình yêu, quê nhà..’’

Xin chia buồn cùng gia đình nhà thơ Trần Hữu Lục, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và bạn bè xứ Huế của ông.

Xin cúi đầu tiễn biệt ông..." (Trích từ facbook nhà thơ Nguyễn Quang Thiều).


Nhà văn - nhà thơ Trần Hữu Lục (trái) và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế viết:  "Trần Hữu Lục viết văn từ khi là sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế. Anh đã có truyện ngắn Tuổi đồng quê, bút hiệu Yên My in báo Văn ở Sài Gòn khi 24 tuổi (1968). Những năm đó anh chủ biên báo Thân Hữu (ĐHSP Huế, 1967), Sinh viên Huế (1968). Anh là nhân vật nòng cốt của Nhóm Việt, nhóm sinh viên Huế yêu nước chủ trương tìm về nguồn cội dân tộc, chống lại khuynh hướng lai căng, vong bản. Anh từng dạy học ơ Đà Lạt và được mời phụ trách phần văn nghệ của tạp chí Đối Diện cho đến năm 1975. Trên tờ Đối Diện, Trần Hữu Lục viết rất sung sức. Những sáng tác đó được Đối Diện tập hợp in thành tập truyện Cách một dòng sông năm 1971. Đây là tập sách đầu tay của Trần Hữu Lục được dư luận đánh giá cao.

Thơ anh đã in:  Lời của hoa hồng (1988), Thu phương xa (2003), Vạn Xuân (2006) và Ngày đầu tiên (2009)... 

Bằng uy tín và tình yêu xứ sở, với vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế ở Sài Gòn, Trần Hữu Lục liên kết với Nhà xuất bản Trẻ thực hiện tủ sách Nhớ Huế , ấn hành được gần 50 tập Nhớ Huế. Mỗi số là một chuyên đề về văn hoá Huế như Người xa Huế, Hương sen Huế, Trường Huế, Huế đất học, Áo dài Huế, Hương vị Huế, Đêm Hoàng cung, Festival Huế, Người Huế đương thời.v.v... và hơn 10 đầu sách của “tủ sách Nhớ Huế” như Sài Gòn nhớ Huế (tập thơ 20 tác giả), Xa xứ (tập truyện 11 tác giả); Chân dung Huế, Tượng đài Sông Hương, Ngõ đạo miền hoang dã (tập truyện của Trần Duy Phiên); Dấu ấn văn hoá Huế (Bùi Minh Đức), Sông Hương ngoài biên giới …

Anh tham gia những số Sông Hương đầu tiên và có thời gian dài đại diện cho Tạp chí Sông Hương tại TP HCM.

Từ Huế, vô cùng thương tiếc và xin kính cẩn tiễn biệt Anh...".

DDVN GIỚI THIỆU CHÙM THƠ NHÀ THƠ TRẦN HỮU LỤC ĐỂ TƯỞNG NHỚ ÔNG:


Nhà thơ Trần Hữu Lục trong một lần giao lưu với bạn đọc. 


NHỮNG ĐÓA HOA HƯỚNG DƯƠNG 

Đường chúng ta đi không bằng phẳng
Mỗi ngày vẫn gặp một đóa hướng dương
Bóng tối sẽ lùi,hừng đông sẽ rạng
Trái tim khẽ hát những lời yêu thương

Rất nhiều người vẫn sống vì mọi người
Ai đang lăn lội kiếm tìm đường đến
Những cảnh đời rướm đau đành lỗi hẹn
Thoáng hạnh phúc rất thật còn mong manh

Quanh đây còn rất ít điều lành
Ai đang lặng lẽ đi tìm lẽ phải
Lên rừng xuống biển,vào Nam ra Bắc
Mà công lý ,sự thật ở ngay trong lòng người

Làm nghề báo có lúc phải vào vai diễn
Như người đi trên dây xiếc một mình
Lặng lẽ với niềm đau,hiểm nguy không hề nản
Và lặng thầm khi sự thật hiện nguyên hình

Đẹp quá những đóa hoa hướng dương
Chỉ nở một đời với mặt trời tỏa rạng
Như chim báo bão trên từng trang báo
Ngày hôm nay sống vì đất nước mai sau.

(5-2006)


HUẾ THU

Hai hàng đèn lồng soi lối cũ
Gió thu hiu hắt trên ghế ngồi
Hương hồ thoảng lại mùa hoa sứ
Vườn đêm tí tách tiếng mưa rơi

Em hiền hoà làm con sóng vỗ
Nhắn mây thu tím trên bến chiều
Lá trúc vô tình còn ngóng đợi
Và nguyệt cầm nghiêng xuống bến xưa

Ngọn đèn lồng bên sông mờ tỏ
Không có em ngày anh trở về
Sóng thầm thì lời yêu còn đó
Mặc cho dòng nước mãi cuốn đi

Lặng lẽ mùi hương miền ký ức
Cùng mưa thu từng giọt giọt rơi
Nơi xa ấy biết em còn thức
Như nguyệt cầm Huế vẫn thu xưa


Một tác phẩm của nhà văn Trần Hữu Lục 


THOẮT KHÔNG THOẮT CÓ

Con thú hoang trở lại rừng
Ngọn gió đã bay về đồng cỏ
Em thoắt không thoắt có
Anh bắt đầu cuộc kiếm tìm

Anh để vuột mất cơn gió
Mỗi vết cắt chưa hết đau
Nỗi cô đơn chỉ có một
Lòng bao dung vô bờ\

Anh tìm em tìm em
Chỉ thấy chính mình
Đâu rồi khoảng trời trong vắt
Tiếng chim hót chẳng đợi bình minh

 Cánh rừng có là chỗ dung thân
Khi gian dối hóa thành mật ngọt
Em bây giờ mỗi phút giây còn lại
Cũng thoắt có thoắt không

Trần Hữu Lục