Hội họa

Ngày nhà giáo của một số quốc gia trên thế giới

Đan Tâm • 20-11-2020 • Lượt xem: 9434
Ngày nhà giáo của một số quốc gia trên thế giới

Ngày Nhà giáo được xem là một ngày đặc biệt để tri ân, tôn vinh những nhà giáo, những người thầy vì những cống hiến đặc biệt của họ cho cộng đồng, cho xã hội. Ý tưởng về một ngày lễ kỷ niệm dành riêng cho các nhà giáo bắt nguồn từ nhiều quốc gia trong thế kỷ 19; phần lớn đều là nhằm tôn vinh một nhà giáo dục vĩ đại tại địa phương hoặc một cột mốc quan trọng trong giáo dục đất nước.

Tin, bài liên quan:

Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn sư trọng đạo - nét đẹp văn hóa Việt luôn được gìn giữ

Những món quà truyền thống tri ân thầy cô ngày 20/11

Và đó cũng chính là lý do tại sao ngày nhà giáo của các quốc gia trên thế giới không hề giống nhau. Ví như Argentina đã chọn ngày mất của cựu tổng thống Domingo Faustino Sarmiento (11 tháng 9) là ngày Nhà giáo kể từ năm 1915. Ở Ấn Độ, ngày sinh của tổng thống thứ hai Sarvepalli Radhakrishnan (5 tháng 9) được xem là Ngày Nhà giáo kể từ năm 1962 và Guru Purnima - theo truyền thống được coi là ngày để tôn kính những người thầy của những người theo đạo Hindu.

Tuy nhiên, có khá ít người biết rằng, vẫn có một ngày chung cho tất cả quốc gia trên thế giới bày tỏ lòng tôn kính đối với những người thầy của mình: Ngày Nhà giáo Thế giới 5 tháng 10, được thành lập bởi UNESCO vào năm 1994. Để kỷ niệm ngày này, UNESCO và Giáo dục Quốc tế (EI) tổ chức một chiến dịch mỗi năm để giúp thế giới hiểu rõ hơn về giáo viên và vai trò của họ đối với sự phát triển của học sinh và xã hội. Cũng có một số quốc gia chọn ngày Nhà giáo Thế giới làm ngày kỉ niệm chính thức của đất nước họ, tuy nhiên, phần lớn lại chọn một ngày khác.

Trung Quốc (10 tháng 9)

Chính phủ lần đầu tiên công bố Ngày Nhà giáo vào năm 1985, nhưng họ chưa bao giờ giải thích rõ ràng tại sao nó phải rơi vào ngày 10 tháng 9. Một số người tin rằng đó là do cách phát âm tương tự giữa từ "giáo viên" (教师 jiao shi) và hai chữ số 9 (九 jiu), 10 (十 shi). Một số người cho rằng đó là một sự lựa chọn hoàn toàn ngẫu nhiên và đã đề xuất đổi thành ngày 28 tháng 9, được cho là ngày sinh của Khổng Tử. Vào ngày 5 tháng 9 năm 2013, Hội đồng Nhà nước đã công bố một dự thảo tán thành sự thay đổi này.

Ở Trung Quốc, có một số hoạt động khá tương đồng với Việt Nam để học sinh thể hiện lòng biết ơn của họ đối với giáo viên, chẳng hạn như tặng quà, bao gồm thiệp và những bó hoa. Ngoài ra, nhiều học sinh cũ sẽ trở lại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông để tặng quà cho các thầy cô giáo cũ của mình.

Ấn Độ (ngày trăng tròn của Ashadha vào tháng 6 - tháng 7 và ngày 5 tháng 9)

Guru Purnima là một lễ hội của Ấn Độ và Nepal dành riêng cho các giáo viên tâm linh và học thuật. Lễ hội này được tổ chức theo truyền thống của những người theo đạo Hindu, đạo Jain và Phật giáo để bày tỏ lòng kính trọng và lòng biết ơn đối với những người thầy của họ. Lễ hội được tổ chức vào ngày trăng tròn (Purnima) trong tháng Ashadha của người Hindu (tháng 6 - tháng 7) theo lịch Hindu của Ấn Độ và Nepal.

Ngoài ra, ngày sinh Tổng thống thứ hai của Ấn Độ, Sarvepalli Radhakrishnan, ngày 5 tháng 9 năm 1888, được tổ chức như Ngày Nhà giáo từ năm 1962. Vào ngày này, giáo viên và học sinh đến trường như thường lệ nhưng các hoạt động giảng dạy ở lớp học được thay thế bằng các hoạt động kỷ niệm, cảm ơn và tưởng nhớ. Ở một số trường, học sinh cuối cấp chịu trách nhiệm giảng dạy để thể hiện sự trân trọng của họ đối với giáo viên.

Mỹ

Khoảng năm 1944, một giáo viên Wisconsin tên là Ryan Krug bắt đầu trao đổi với các nhà lãnh đạo chính trị và giáo dục về sự cần thiết phải có một ngày lễ quốc gia để tôn vinh các nhà giáo. Sau hàng loạt cuộc vận động của NEA thì cuối cùng ngày thứ Ba của tuần lễ Tri ân Nhà giáo trở thành ngày nhà giáo quốc gia Mỹ. Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA) mô tả Ngày Nhà giáo Quốc gia là "ngày tôn vinh các giáo viên và ghi nhận những đóng góp lâu dài của họ cho cuộc sống của chúng ta".

Đài Loan (28 tháng 9)

Đài Loan sử dụng ngày này để tôn vinh những đóng góp của giáo viên cho học sinh của họ và cho xã hội nói chung. Trong ngày này, mọi người thường bày tỏ lòng biết ơn đối với giáo viên của họ, chẳng hạn như đến thăm hoặc gửi thiệp. Ngày này được chọn để kỷ niệm ngày sinh của Khổng Tử - người được xem là nhà giáo dục bậc thầy kiểu mẫu.

Lễ hội diễn ra ở các đền thờ Khổng Tử, được gọi là "Đại lễ dành riêng cho Khổng Tử". Buổi lễ bắt đầu lúc 6h với 54 nhạc công mặc áo choàng với thắt lưng xanh, và 36 (hoặc 64) vũ công mặc áo vàng với thắt lưng xanh. Họ được dẫn đầu bởi hậu duệ trưởng của Khổng Tử (hiện là Kung Tsui-chang) và theo sau là các quan chức. Ba con vật được hiến tế là một con bò, một con dê và một con lợn. Những sợi lông được nhổ từ những con vật hiến tế này được gọi là Lông của Trí tuệ. Ngoài ra, các viện giáo dục và văn phòng dân sự địa phương trao thưởng cho một số giáo viên vì sự nghiệp xuất sắc và những ảnh hưởng tích cực của họ đối với cộng đồng.

Thái Lan (16 tháng 1)

Ngày Nhà giáo Thái, trong tiếng Thái là "Wan Kru", theo nghị quyết của chính phủ là vào ngày 21 tháng 11 năm 1956. Ngày Nhà giáo của Thái Lan được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1957. Ngày 16 tháng 1 đánh dấu việc ban hành Đạo luật Nhà giáo, Kỷ nguyên Phật giáo 2488 (1945), được đăng trên Công báo Chính phủ ngày 16 tháng 1 năm 1945 và có hiệu lực sau đó 60 ngày.

Hầu hết các trường học ở Thái Lan đều đóng cửa trong ngày này để cho giáo viên của họ được nghỉ ngơi. Nhiều trường quốc tế thì không, mặc dù họ có thể tổ chức lễ kỷ niệm để vinh danh đội ngũ giảng viên của mình. Lễ kỷ niệm thường bao gồm những màn biểu diễn văn nghệ cũng như tặng những vòng hoa nhài nhỏ cho giáo viên. Đây là một ngày lễ quan trọng đối với người Thái vì giáo viên cực kì được coi trọng ở Thái Lan.