Tục ngữ có câu “Chết đứng còn hơn sống quỳ”. Đủ biết người có phẩm tiết, bất đắc dĩ mới phải quỳ lạy. Thế mà từ xưa đến nay, không hiếm mày râu “Đầu đội trời, chân đạp đất” đã khấu đầu quỳ lạy.
Đáng kể nhất là nhân vật Lưu Bị. Trong “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, lần thực hành đầu tiên là lúc Lưu Bị thân cô ở Đông Ngô, phải cầu cứu Ngô Quốc Thái (mẹ vợ tương lai). Giữa trùng vây hung hiểm, tính mạng như chỉ mành treo chuông “Huyền Đức liền quỳ xuống trước mặt Quốc Thái, ứa nước mắt thưa rằng:
- Nếu muốn giết Lưu Bị, xin cứ giết ngay ở đây !” (hồi 54).
Nhờ oai rồng phượng, Bị thoát nạn. Nhưng đấy chỉ là tập sự động tác quỳ. Sau này họ Lưu còn “biểu diễn” trước mặt quận chúa của Đông Ngô là Tôn phu nhân (em gái Ngô chủ) không chỉ một lần. Vì thế Lưu Bị mới kịp thoát thân về cứu nguy cho Kinh Châu.
“Huyền Đức giật mình, quỳ ngay xuống đất thú thực:
- Phu nhân đã rõ, tôi chẳng dám giấu quanh…
(…)
Huyền Đức lại quỳ lần nữa, tạ rằng:
- Được thế thì ơn phu nhân xin khắc cốt ghi tâm!...” (hồi 55).
Một nhân vật khác cũng khấu đầu lạy người là Trương Phi. Vốn tính ngay thẳng, cương trực nên Dực Đức chưa từng lạy ai. Nhưng nhân vật này xứng danh "ngũ hổ tướng" khi biết phục thiện, chân thành nhận lỗi trước anh kết nghĩa là Quan Công. Khi biết đã kết tội oan cho Quan Vũ, Dực Đức “khóc, thụp lạy Vân Trường”. Một cái khấu đầu không hề làm giảm khí tiết mà ngược lại, đây là một trong những hình ảnh hiếm hoi khiến nhân vật nổi tiếng nóng tính này đẹp hơn trong mắt người đọc.
Cái ngày mà cậu bé Cẩu Tạp Chủng của nhà viết tiểu thuyết võ hiệp nổi danh Kim Dung đạt đến cảnh giới vô đối “đệ nhất nhân”, có hai lão quái hiệp “đầu đội trời, chân đạp đất” cả đời chẳng biết quỳ lạy ai, mà ngược lại vô số cao thủ khác rồng rắn khấu đầu là Mộc đảo chúa và Long đảo chúa, đã thành kính sụp lạy “xin nhận của lão phu một lạy” (Tập 2 – Hiệp khách hành). Hai cao thủ võ lâm trên (Khuyến Thiện, Trừng Ác) ngưỡng mộ bậc kì tài quý hiếm như ngưỡng mộ tinh hoa cái đẹp. Đó còn là tấm lòng liên tài, đồng điệu.
Danh sĩ Cao Bá Quát nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam hạ không chỉ vì ngòi bút tài hoa xuất chúng (viết thư pháp). Không hẳn vì lời tuyên bố dõng dạc kiêu sa “Thiên hạ có ba bồ chữ thì một mình Quát này chiếm hai bồ”. Cũng không chắc vì được vinh danh là “thần Siêu thánh Quát”. Có lẽ người đời và những văn nhân tài tử đương thời ngưỡng mộ ông vì phẩm chất thẳng lưng đầy tiết tháo “uy vũ bất năng khuất” với tư cách thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương, chống triều đình nhà Nguyễn (thời Tự Đức). Khí khái vậy, mà từng có lúc họ Cao sụp lạy một cành hoa mai như chiêm bái vẻ đẹp thánh thiện, trong ngần giữa bao điều cặn bã, xấu xa. Như kính ngưỡng trước điều vi diệu, thiêng liêng mà tạo hóa ban tặng. Hoặc là anh hùng tuyệt lộ như Kiều Phong (Tiêu Phong) trong tiểu thuyết võ hiệp “Thiên long bát bộ” ở Nhạn Môn quan. Hoặc trước cái đẹp lung linh tỏa sáng của một bức thư pháp, bất chấp tối tăm ngục tù, có tác dụng cứu rỗi thiên lương (Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân). Thấy được lẽ huyền vi của trời đất ngưng tụ vào đúng người ấy vật nọ, mới thấm kiếp người nhỏ bé mong manh. Như khi ngắm dòng trường giang cuồn cuộn chảy vào hư không “Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời” (Lí Bạch); để rồi ứa lệ bái lạy trước mênh mang thiên địa tuần hoàn: “Ngẫm trời đất vô cùng/ Một mình tuôn giọt lệ” (Trần Tử Ngang).
Thời nay không chuộng đàn ông biết quỳ, lạy mà hảo những người biết chạy, nhảy. Biết nhảy trước giá vàng mệnh bạc, biết chạy quyền chạy chức. Biết nhảy “sân trước” và chạy “sân sau”
Trường hợp hiếm hoi được lịch sử bóng đá Việt Nam nhắc đến là trong giải vô địch quốc gia, một cầu thủ nổi tiếng bỗng nhiên sụp lạy trọng tài. Hoa mai ơi! hẳn bạn sẽ tủi phận biết mấy khi hay rằng hiện tại, nhiều kẻ sĩ không “đê thủ bái” như Cao Chu Thần mà có thể khấu đấu trước một ngẫu tượng hoặc thế lực ngầm bí ẩn nào đó.