Có những hoạt động, dù về hình thức vẫn là để kiếm cái ăn, nhưng lại mang đậm nét văn hóa và nó cũng hun đúc, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Hồi tưởng về những chuyện ấy mới thấy người trẻ ngày nay có rất nhiều nhưng mất mát cũng không ít.
Trong ký ức của tôi, cứ mỗi lần ngọn gió bấc lành lạnh thổi về, mai vàng hé nụ là trong lòng ai nấy cũng đều mong ngóng Tết, cũng hồi hộp đợi chờ. Vào những ngày này, nhà thì tráng bánh, nhà quết bánh phồng, các cô gái lo lặt củ kiệu, làm bánh mứt… nhưng hoạt động nhộn nhịp nhất của người miền Tây là tát mương hoặc tát đìa ăn Tết.
Thường ở quê, nhà nào cũng có ao, mương, đợi dịp Tết về, cả nhà ra sau vườn quậy mương bắt tôm càng hoặc tát nước bắt cá. Còn ngoài đồng thì tát đìa. Đìa là cái ao to và sâu nằm giữa cánh đồng bao la, nơi cá tôm rút về trú ẩn trong mùa khô hạn từ tháng Chạp cho đến tháng Giêng.
Tát đìa cần đến nhiều người, có khi cả chục người thay phiên nhau tát, có khi tát suốt cả ngày đìa mới cạn. Do đó, năm nào ba tôi cũng quy tụ nhiều bà con hàng xóm ra đồng, người ôm thùng, kẻ xách giỏ, phụ nữ thì lo hậu cần phục vụ ăn uống khiến cho không khí tát đìa trở nên rộn ràng, tất bật, vui như một ngày hội.
Tát đìa, hồi hộp nhất là lúc đìa sắp cạn. Khi mực nước còn độ một tấc, lũ cá bắt đầu động đậy, phơi lưng, lên ngớp như cơm sôi. Mấy con cá lóc to bằng bắp chuối cứ trườn qua trườn lại rồi lóc lên chỗ nước lép xép để tìm đường thoát thân bị ba tôi nhanh chân nhảy xuống móc mang rồi thẩy lên bờ bảo nhóm “hậu cần” đốt rơm nướng, chờ lúc nghỉ xả hơi. Bữa cơm dã ngoại hôm ấy ngon và vui như hội. Mọi người quay quần bên nhau cười nói rổn rảng. Đúng là một buổi tiệc nhớ đời.
Ăn xong, mọi người tiếp tục nhảy xuống đìa bắt tiếp cho tới xế chiều mới kết thúc. Xong xuôi, mọi người chia nhau gánh hàng chục giỏ cá về nhà, trong đó còn có rất nhiều lươn, rắn, rùa, cua, ốc.
Về tới nhà, đổ cá ra, ba tôi chia đều cho mỗi người một giỏ. Đồng thời, tối hôm đó, ba tôi đã tổ chức một bữa tiệc gia đình với sự tham gia đông đủ của những người tát đìa. Mọi người vừa lai rai vừa bàn chuyện Tết. Tiệc tuy đơn sơ, món ăn toàn là cá, rắn, lươn nhưng ai nấy cũng đều vui cười, bù khú say sưa trước thềm năm mới.
Phần cá còn lại, ba tôi lựa những con to nhất mang biếu cho người thân. Mấy bà, mấy chị hàng xóm cũng góp vui, xúm qua đánh vẩy, móc ruột. Cá nhỏ làm mắm, cá chết phơi khô. Ai về cũng được biếu một rổ, không lấy cũng không được.
Năm tháng trôi qua, Tết xưa Tết cũ đã thuộc về miền ký ức xa xăm nhưng giờ ngẫm lại mới thấy “Tát đìa ăn Tết” thật là ấm áp. Cá tát đìa mặc dù ăn không hết nhưng chủ đìa không bao giờ đem bán, chỉ để tặng, biếu cho người thân và xóm giềng. Những người tham gia tát đìa có cả người già, trẻ em, con trai, con gái. Tất cả đều vui vẻ, cởi mở, nhiệt tình. Con gái dung dị như hoa cau, con trai hiền như cục đất, người già ngọt lịm. Tuy ai nấy đều có hoàn cảnh khó khăn, nghèo, nhưng họ sống chan hòa, độ lượng, không hơn thua ích kỷ .“Hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” là cái đạo lý của người miệt vườn thuở ấy.
Ngày nay, bà con nông dân không còn tát đìa bằng gàu mà tát bằng máy bơm hoặc chụp đìa bằng lưới tiện lợi hơn, nhanh gọn hơn. Vả lại, chụp đìa hiện nay chỉ đơn thuần là chuyện làm ăn, không còn ấm áp, đẫm tình chòm xóm như trước. Chính vì vậy mà hình ảnh tát đìa ăn Tết năm xưa vẫn còn lung linh mãi trong tâm trí tôi.
Theo TBKTSG Online