Do điều kiện sinh hoạt và chế độ ăn uống không đảm bảo, một ngôi làng ở Iran đã sinh ra toàn những người lùn. Bạn biết gì thêm về ngôi làng này?
Ngôi làng người lùn hay còn gọi là Makhunik. Nơi này nằm tại một khu vực xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Nam Khorasan của Iran, gần biên giới với Afghanistan.
Những người sinh sống ở đây có chiều cao trung bình thấp hơn người dân bình thường khác là 50cm. Có lẽ do hạn chế về chiều cao nên những công trình xây dựng của họ cũng rất thấp, ví dụ như những ngôi nhà cổ. Trần cao chưa tới 2m, cửa hẹp tới nỗi người bình thường khó có thể thẳng đầu bước vào.
Những người lùn ở đây trong nửa thế kỷ qua họ gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Ngôi làng của họ nằm nơi khí hậu khắc nghiệt và khá hoang vu, cằn cỗi. Củ cải, ngũ cốc, lúa mạch và một loại trái cây được gọi là jujuba là những sản phẩm nông nghiệp duy nhất ở nơi đây.
Người dân Makhunik có thể sống sót và tồn tại suốt hàng trăm năm qua là nhờ những món ăn hết sức đạm bạc, trong đó phải kể đến món kashk-beneh (được làm từ bột và một loại hạt dẻ mọc trên những dãy núi), pokhteek (được chế biến từ bột ngũ cốc và củ cải)…
Chính chế độ ăn uống nghèo nàn như thế đã kéo theo tình trạng suy dinh dưỡng và là một trong những tác nhân đóng góp đáng kể vào sự "thiếu hụt" chiều cao của người dân Makhunik.
Mặt khác, sự cô lập cũng buộc người dân phải kết hôn với những người họ hàng gần gũi, điều đó khiến tình trạng "thoái hóa nòi giống" diễn ra phổ biến.
Điều đó có nghĩa là những gen "xấu" của cả cha lẫn mẹ sẽ "truyền" cho con cái của họ, trong đó có hiện tượng "thiếu thước tấc".
Kiến trúc và di sản độc đáo của Makhunik được đánh giá là rất có tiềm năng về phát triển du lịch. Đó chính là hy vọng cho những người dân nơi đây.
Họ có thể hy vọng rằng một ngày nào đó những di sản độc đáo mà cha ông họ để lại sẽ tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập. Để cuộc sống của người dân Makhunik có thể được nâng cao như chính chiều cao của họ vậy.