Với diện tích 36 ha và hơn 50 công trình cung điện, đền đài, lầu các lớn nhỏ, Đại Nội Huế là một nơi du khách không thể bỏ qua khi đến với vùng đất cố đô.
Đại Nội Huế được hoàng đế Gia Long hạ lệnh xây dựng từ năm 1804 nhưng mãi đến năm 1833 ở đời vua Minh Mạng mới hoàn thành xong phần lớn các hạng mục. Sau này các vị vua triều Nguyễn tiếp theo cũng có một vài sửa đổi để phù hợp hơn với yêu cầu sử dụng.
Trải qua hơn 200 năm, vì nhiều lý do nên một số kiến trúc bị hư hại là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc phục dựng những cái đã mất, duy tu bảo tồn những cái còn tồn tại đã được làm rất tốt. Hiện nay, bên cạnh những cung điện lầu các mở cửa cho du khách tham quan, vẫn có những địa phương tiếp tục được rào lại để tu bổ.
Lộ trình tham quan hợp lý nhất
Từ cổng vào, có thể đơn giản tạm chia Đại Nội Huế thành ba phần: bên trái, chính giữa và bên phải.
Trong đó, các kiến trúc bên trái (từ cổng vào rẽ trái) mang nhiều ý nghĩa lịch sử quan trọng và được bảo tồn, phục dựng tốt nhất. Nơi đây chủ yếu là các công trình phục vụ việc thờ tự thành viên hoàng tộc.
Theo kiến trúc phong kiến xưa, vị trí trung tâm luôn là nơi quan trọng nhất. Đại Nội Huế cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tất cả kiến trúc nằm trên trục đường thẳng nối từ cổng vào đều mang vai trò cực kỳ quan trọng khi các vua triều Nguyễn còn trị vì. Tiếc thay hiện phần lớn đã bị phá hủy, hoặc đang trong quá trình trùng tu, phục dựng.
Một cổng vào còn được bảo tồn nguyên vẹn
Và sau cùng, nhánh bên phải là vườn thượng uyển, đền thờ các chúa Nguyễn và các công trình ít quan trọng hơn. Đồng thời, cổng ra (cho du khách) cũng nằm ở đây. Vậy nên lộ trình tham quan hợp lý nhất là từ cổng vào rẽ trái, sau đó đi đến chính giữa và kết thúc ở bên phải.
Kiến trúc bên trái đại nội - hương khói tưởng nhớ tiền nhân
Đây là dãy kiến trúc được bảo tồn rất tốt với nhiều công trình gần như còn nguyên vẹn bao gồm: Thế Miếu, Hưng Miếu, Diên Thọ Cung và Trường Ninh Cung (Trường Sanh Cung). Trên thực tế, xưa kia còn một công trình nữa là Phụng Tiên Điện. Thế nhưng nơi này đã bị phá hủy hoàn toàn và chưa phục dựng lại được.
Thế Miếu (Thế Tổ miếu) là nơi thờ các vua triều Nguyễn. Miếu nằm ở góc tây nam Đại Nội Huế và được triều đình dùng làm nơi cúng tế các vị vua quá cố. Nơi đây được đặt chín cái đỉnh bằng đồng (Cửu Đỉnh) do hoàng đế Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 (đến năm 1837 hoàn thành).
Nếu đến Thế Miếu vào đúng ngày giỗ của một trong những vị vua triều Nguyễn thì du khách sẽ được xem lễ húy kỵ theo nghi thức hoàng gia được thực hiện tại đây.
Hưng Miếu là nơi thờ thế tử Nguyễn Phúc Luân và bà Nguyễn Thị Hoàn. Cả hai là song thân hoàng đế Gia Long, vị vua đầu tiên khai sinh ra vương triều nhà Nguyễn (kéo dài tổng cộng 13 đời vua). Miếu nằm cách Thế Miếu 50 mét về phía bắc.
Diên Thọ cung là nơi ở của Hoàng thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu triều Nguyễn.
Một ngôi nhà cổ trong cung Trường Ninh.
Mang một màu sắc khác với các công trình còn lại, nằm cuối cùng về phương bắc ở nhánh bên trái chính là Trường Ninh Cung (còn gọi là Trường Sanh Cung). Đây là một hoa viên nhỏ, được thiết kế đơn giản nhưng không kém phần tinh tế. Ở đây có suối, có hoa màu, có cây cổ thụ, có giếng nước, đình nghỉ ngơi... Cung là nơi các vua triều Nguyễn mời thái hậu đến đi dạo cũng như vấn an sức khỏe.
Điện Cần Chánh - tàn tích còn lại của triều đại huy hoàng
Trong Đại Nội Huế, những công trình quan trọng bậc nhất được xây dựng theo trục dọc ngay chính giữa. Có thể kể đến Điện Thái Hòa, Điện Cần Chánh, Điện Càn Thành, Cung Khôn Thái, Điện Kiến Trung.
Tuy nhiên, trừ điện Thái Hòa và điện Kiến Trung đang được phục dựng, trùng tu thì các công trình còn lại đã bị phá hủy. Trong đó nuối tiếc nhất phải kể đến Điện Cần Chánh. Đây chính là nơi các vua nhà Nguyễn dùng để thiết triều. Tuy nhiên hiện tại chỉ còn lại tàn tích nền điện.
Một trong những hành lang dài nối liền các kiến trúc trong Đại Nội Huế.
Điều tương tự cũng xảy ra với điện Càn Thành và cung Khôn Thái. Bao quanh các công trình trên trục giữa là những hành lang rất dài nối các kiến trúc. Một số bức tường trên hành lang được treo các tấm hình quý giá, tranh ảnh cũng như chữ viết của các vua, các hoạt động ngày xưa khi vương triều còn huy hoàng.
Vườn thượng uyển cùng miếu thờ 9 đời chúa Nguyễn
Sau khi tham quan hết các kiến trúc bên trái cùng chính giữa, du khách sẽ tiến về phía bên phải Đại Nội Huế để thăm viếng các công trình cuối cùng trước khi ra về.
Một số nơi đáng lưu ý ở đây là vườn Cơ Hạ, Thái Bình lâu, Triệu Miếu cùng Thái Miếu.
Vườn Cơ Hạ là vườn thượng uyển, là nơi các vua Nguyễn tìm kiếm một chút an nhàn, nghỉ ngơi hồi phục sau những giờ phút căng thẳng phê duyệt tấu chương, xử lý việc nước.
Thái Bình Lâu là nơi vua dùng để đọc sách, nghỉ ngơi. Kiến trúc được xây dựng kế bên hồ nước tạo nên sự thư giãn hài hòa.
Triệu Miếu là nơi thờ tự An Thành Hầu Nguyễn Kim. Người là thân sinh của Tiên Chúa Nguyễn Hoàng, vị chúa đầu tiên khai phá Đàng Trong.
Thái Miếu là nơi thờ tự chín đời chúa Nguyễn. Tuy nhiên hiện nay do hư hại nên bài vị các chúa Nguyễn được chuyển sang Triệu Miếu để tiếp tục hương khói.
Trước khi rời Đại Nội Huế, du khách có thể vào Triệu Miếu vái tạ những vị tiền nhân có công khai phá cả một dải đất Đàng Trong. Đây chính là cái kết trọn vẹn cho một ngày tham quan đầy ý nghĩa.