Trong thời đại 4.0, nơi mọi văn hóa phẩm từ ca nhạc, phim ảnh và báo chí tự do lưu thông trên mạng, từ bất cứ đâu trên thế giới có thể đến thẳng điện thoại cá nhân của bạn và mọi thành viên trong gia đình, từ ông bà, bố mẹ đến con trẻ.
Liệu dạy con theo kiểu Việt Nam có kém ưu việt so với các “kiểu” khác đến mức nó đáng bị đánh giá thấp hơn sự giáo dục của những quốc gia khác?
Dù không thể phủ nhận cách dạy con của mỗi một nền văn hóa đều có những ưu điểm đáng để học hỏi, lũ trẻ lớn lên sẽ là những công dân Việt Nam, và thật đáng buồn nếu chúng không hiểu rõ gốc gác của mình.
Bởi vì chúng ta là những ông bố bà mẹ hiện đại và bọn trẻ có nhiều cơ hội để trở thành công dân toàn cầu. Nhưng hơn ai hết chúng ta hiểu rõ rằng, khi làm việc trong môi trường quốc tế, sinh sống ở Việt Nam hay nước ngoài, chúng ta chỉ hòa nhập chứ không hòa tan.
Người Việt không quên đi gốc gác của mình. Nhưng phải làm gì để giữ gìn cho con bản sắc Việt?
Văn hóa ứng xử
Trong cuốn sách “50 bài học giáo dục từ người mẹ có 3 con trai theo học Stanford”, Tiến sĩ Trần Mỹ Linh đã viết, bà không bao giờ coi con là bạn. Con là con, mẹ là mẹ, đó là bản chất của mối quan hệ không thể thay đổi.
Nếu như cái hay của lối sống phương Tây là cha mẹ có thể làm bạn, chia sẻ với con mọi chuyện trong cuộc sống để gần gũi con hơn, thì truyền thống của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng lại không như vậy.
Đối với người Việt, mối quan hệ kính trên nhường dưới, tôn trọng ông bà cha mẹ và người lớn tuổi là tối quan trọng, thể hiện đạo đức và có giáo dục.
Tiến sĩ Trần Mỹ Linh và gia đình tuy sinh sống ở Mỹ nhiều năm, bà vẫn luôn giữ vững quan điểm giáo dục của người châu Á, nhấn mạnh sự khác biệt giữa mối quan hệ mẹ - con và bạn bè.
Mặc dù vẫn chia sẻ với con trong cuộc sống, nhẹ nhàng và bày tỏ nhiều yêu thương, giữ được sự tôn nghiêm của vị trí người mẹ là điều không thể coi thường.
Chính sự kính trọng của con trẻ cho cha mẹ và nhận thức rõ ràng về vị trí và nghĩa vụ làm con của mình là nền tảng của hai chữ “hiếu thuận”, cũng chính là nền tảng cho những giá trị đạo đức khác, vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt như: kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo.
Để biết đạo đức của một người đến đâu, chỉ cần nhìn vào cách anh ta đối xử với bố mẹ, ông bà, dù trong hoàn cảnh nghèo hèn hay cao sang cũng đã khá đủ để đánh giá về bản chất con người anh ta.
Bữa cơm gia đình
Bữa cơm quây quần bên gia đình có thể nói là một trong những đặc điểm tiêu biểu của gia đình Việt.
Với nhịp sống quay cuồng phương Tây, rất khó để có một bữa ăn cả gia đình cùng ngồi bên nhau, có chăng thì cũng chỉ một bữa sáng ăn vội rồi đi làm đi học.
Nhịp sống tại các nước Á Đông thì chậm hơn, đặc biệt là ở Việt Nam, nhiều gia đình vẫn giữ được văn hóa quây quần bên bữa tối. Các mẹ Việt thì luôn chú trọng những bữa ăn đủ dinh dưỡng cho con, với thực phẩm tươi ngon tự tay chế biến.
Tuy nhiên, cuộc sống hối hả nơi thành thị và cả trong những gia đình mà cả cha và mẹ đều đi làm đã ít nhiều làm phôi phai đi truyền thống này. Mẹ đi làm về muộn, đón con, có khi con chỉ kịp ăn vội gì đó rồi đến lớp học thêm. Những bữa ăn gia đình đầy đủ cha mẹ con cái giờ đây ngày càng ít.
Để truyền thống gia đình Việt được giữ gìn, các bà mẹ ông bố có lẽ sẽ cần bớt đi một chút thời gian làm việc, sắp xếp thời gian để có vài ngày trong tuần ăn cơm cùng cả nhà. Các bà mẹ có lẽ sẽ cần bận bịu chuẩn bị đồ ăn, hay sáng tạo một chút để có bữa ăn gia đình nhanh gọn.
Nhưng nếu gìn giữ được truyền thống ấy, thì những câu chuyện về một ngày của bố, của mẹ, của con, những món ăn gia đình ngon lành bổ dưỡng và cả tiếng cười sẽ trở thành những ký ức đáng quý hơn bất cứ chuyến du lịch nghỉ dưỡng nào.
Những bữa ăn gia đình không chỉ là vấn đề vệ sinh và dinh dưỡng, mà còn thể hiện tình yêu thương mẹ Việt dành cho con, là truyền thống bao đời nay bên mâm cơm đồng, và dạy cho con giá trị của những giây phút quý giá bên gia đình thân yêu.
Những giá trị ấy sẽ còn truyền lại trong những thế hệ mai sau, khi con lớn lên và lập gia đình, lại trở thành ba thành mẹ. Và những bữa cơm nhà sẽ tiếp tục là hạnh phúc đầm ấm của thế hệ kế tiếp, kế tiếp nữa.
Những lời mẹ ru
Những cuốn sách dạy làm mẹ và thiết lập giấc ngủ bữa ăn cho trẻ sơ sinh hiện nay thật tràn ngập thị trường.
Không ai biết rằng cách dậy con nào là đúng, chưa ai chứng minh được đứa trẻ nghe tiếng ồn trắng (white noise – một loại âm thanh người phương Tây dùng để ru trẻ ngủ) hay tiếng ru à ơi của mẹ sẽ lớn lên thành công hơn.
Nhưng hình ảnh bà bồng cháu, mẹ bồng con à ơi trên võng, tay cầm quạt tre trong những trưa hè oi ả thì đã khắc sâu vào tiềm thức của mỗi chúng ta. Và có ai lại không hát được vài câu ru con bắc bộ:
Con cò mày đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
À a à à ời, à a à à ơi.
Có ai đó đã từng nói rằng, trẻ con được nghe mẹ hát ru khi còn bé sẽ có tấm lòng rộng mở khi lớn lên. Không sách vở, khoa học nào chứng minh điều đó. Nhưng nghe thật có lý.
Trong những lời hát ru truyền lại không biết bao đời nay, chứa đầy những lời khuyên nhủ của các cụ. Những bài ru con thường cũng chính là ca dao, tục ngữ xưa, khuyên con người sống với những giá trị đạo đức, lễ nghĩa, chữ tín, chữ hiếu và trân trọng giá trị lao động.
Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Dù rằng khi con lớn lên một chút, trong sách giáo khoa sẽ dạy con những tác phẩm văn hóa dân gian này, nhưng có lẽ những con chữ khô khan kia và thậm chí cả lời cô giảng sẽ không thể thẩm đẫm vào ký ức tuổi thơ con như lời ru dịu dàng của mẹ.
Hằng đêm bạn có thủ thỉ bên tai con những câu chuyện cổ tích?
Mặc dù giờ đây internet và ti vi thông minh đã cho cả bạn và các con sự tiện lợi của việc truy cập bất cứ nội dung nào, dù là hoạt hình hay bài hát tiếng Anh, dù là truyện cổ tích Cô bé Lọ Lem hay Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn.. thì đừng quên đem về thủ thỉ với con những câu chuyện về Cuội, cô Tấm và Thánh Gióng.
Đừng để tuổi thơ con trôi qua trước màn hình ti vi, hãy gần gũi, trò chuyện, truyền lại cho con những gì tốt đẹp mà tuổi thơ không điện thoại thông minh của mình từng được hưởng.
Dù là giá trị gì, truyền thống hay hiện đại, phương Đông hay phương Tây, chỉ có cha mẹ bên cạnh chia sẻ với con và những giây phút bên nhau thì mọi phương pháp giáo dục mới phát huy hiệu quả.
Mong rằng dù trong thế giới hiện đại và hội nhập quốc tế ra sao đi chăng nữa, truyền thống văn hóa Việt sẽ không phai nhạt trong chính gia đình mỗi chúng ta, để con cái lớn lên biết nguồn gốc xuất xứ của mình, trong hoàn cảnh nào cũng giữ gìn những giá trị cốt lõi của một người con đất Việt.