Trước tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay, các cơ quan chức năng luôn nỗ lực tìm ra những phương án để xanh hóa đô thị, tiến đến phát triển bền vững. Trong đó, Việt Nam phối hợp để sử dụng các nguồn năng lượng hợp lý tạo ra hệ sinh thái thân thiện môi trường và giảm thiểu khai thác tài nguyên trong những năm qua. Thách thức đặt ra với các nhà lãnh đạo là làm sao để đạt kỳ vọng về việc phát triển cảnh quan xanh đúng tiêu chuẩn.
Xanh hóa công trình tạo sự phát triển bền vững trong tương lai
Tăng trưởng xanh vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm
Trong buổi họp với ông Frank Rijsberman, Tổng Giám đốc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải đẩy mạnh đầu tư phát triển, tuy nhiên yêu cầu tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường đã được đặt ra một cách nghiêm túc. Việt Nam không chờ đợi đến khi trở nên giàu có mới quan tâm đến phát triển xanh”. Điều này khẳng định rằng việc phát triển xanh tại các công trình hiện này là điều vô cùng cấp thiết.
Việt Nam đang dần phát triển công trình xanh theo xu hướng toàn cầu
Các quốc gia đi đầu trong ngành năng lượng xanh trên thế giới đều đã có giải pháp hiệu quả giúp chống lại biến đổi khí hậu và cải thiện môi trường sống của người dân trong khu vực. Theo tờ Bloomberg New Energy Finance (BNEF), trong năm 2018 vừa qua, các quốc gia này đã đầu tư hơn 330 tỷ vào nguồn năng lượng sạch, tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió tại các khu dân cư thay thế cho nguồn nhiên liệu nhiệt điện như trước đây.
Theo báo cáo từ CBRE Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 12/2018, Việt Nam mới chỉ có 104 dự án được chứng nhận xanh với gần 2,5 triệu m2 sàn, đây vẫn là một con số khá khiêm tốn so với tổng diện tích các dự án tại Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân vẫn là do các công trình xanh tiêu tốn khá nhiều chi phí đầu tư và công tác đánh giá công trình xanh cũng chưa phổ biến rộng rãi.
Theo bà Nguyễn Thị Tịnh Tâm - đại diện chủ đầu tư cao ốc văn phòng M-Building (quận 7, TP.HCM), cao ốc được nhận chứng chỉ EDGE (chứng chỉ xanh của IFC) cho biết, để xây dựng được công trình theo tiêu chuẩn xanh, chủ đầu tư phải trải qua nhiều thách thách thức rất lớn. Tuy nhiên, khi đã vượt qua, thì những lợi ích mà công trình này mang lại không hề nhỏ.
Công trình xanh không những tiết kiệm năng lượng mà còn bảo vệ môi trường
Kiến trúc sư người Nhật Kengo Kuma lại cho biết, công trình xanh chỉ đắt hơn một chút so với những công trình khác, nhưng về lâu dài, những công trình này sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí về năng lượng và cải thiện môi trường. Đây cũng là hướng phát triển mà các đô thị trên thế giới đang hướng tới.
Theo Ông Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện kiến trúc Quốc gia cho biết “Khi đáp ứng được tiêu chuẩn công trình xanh sẽ giúp tăng 3-5% năng suất lao động của người sử dụng công trình, nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần của cư dân, giảm 30-50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo, giảm khí thải nhà kính, giảm 10-15% chi phí vận hành và bảo dưỡng giúp tăng giá trị, sự bền vững và tuổi thọ của công trình”.
Một số giải pháp cụ thể giúp xanh hóa công trình tại Việt Nam
Bên cạnh việc nghiên cứu về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, các kiến trúc sư cũng đề ra một số giải pháp khả thi trong xây dựng công trình xanh như sau:
Giải pháp che chắn công trình
Giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo
Giải pháp chiếu sáng và thông gió tự nhiên
Giải pháp sử dụng vật liệu không nung
Ứng dụng trang thiết bị thông minh trong vận hành công trình
Thúc đẩy phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu của toàn cầu trong thời gian tới, Việt Nam cũng đang từng bước xây dựng nền tảng công trình xanh tại các dự án hiện nay nhằm tạo tiền đề cho phát triển bền vững cho thế hệ sau. Để làm được điều đó cần sự hợp tác và những sáng kiến mới từ các chuyên gia nhằm tạo sự liên kết cùng chung một mục tiêu phát triển.