Nếu chưa leo núi đá Uluru (Australia), bạn có thể không còn cơ hội để thực hiện. Bởi, việc leo lên núi đá linh thiêng thuộc Công viên quốc gia Uluru-Kata Tjuta sẽ bị cấm từ ngày 26/10 sắp tới nhằm tôn trọng tộc người Anangu và bảo vệ môi trường nơi đây.
Tin, bài liên quan:
Du khách Pháp có thể bị phạt 6 năm tù vì trộm 40kg cát
Cá heo hồng quý hiếm xuất hiện tại Thái Lan
Vẻ lộng lẫy của biệt thự nằm bên vách núi trông ra Thái Bình Dương
Việc cấm du khách leo lên núi đá thiêng đổi màu của Australia sẽ giúp các nhân viên kiểm lâm của Công viên Quốc gia Uluru-Kata Tjuta thở phào nhẹ nhõm vì sẽ không phải nhận được cuộc gọi (ít nhất mỗi tuần 1 lần) giải cứu khách du lịch bị thương hoặc mắc kẹt.
Từ ngày 27/10, bất cứ ai đi vào khu vực cấm đều bị phạt 430 đô la Mỹ (hơn 10 triệu đồng) và có thể bị truy tố theo luật hiện hành. Người quản lý công viên Mike Misso cho biết: "Khu vực này sẽ được khoanh vùng cấm tham quan và chuỗi leo núi sẽ dần bị hủy bỏ”.
Núi thiêng Uluru thu hút hàng trăm nghìn người đến leo núi mỗi năm
Núi đá Uluru cao 328 mét, cao hơn Tháp Eiffel (Pháp) và Shard (Anh), là một địa điểm linh thiêng của người Anangu, tộc người đã cư ngụ ở đây hàng nghìn năm qua. Từ những năm 1950, khi có hoạt động leo núi ở Uluru đến nay, đã có ít nhất 35 người chết. “Đó là chưa tính những người đã về phòng khách sạn sau khi leo núi và không thức dậy nữa. Núi đá Uluru nóng, trơn và thường có gió. Dù có thể leo lên khá nhanh nhưng sẽ thật nguy hiểm nếu bạn không có nước và quần áo, giày dép phù hợp. Tôi thấy có người còn đi dép xỏ ngón và giày cao gót leo lên Uluru. Thật lố bịch!", Grant Hunt, người điều hành các khách sạn và khu cắm trại gần Uluru nói.
Bất chấp những nguy hiểm, hay cảnh báo việc cấm leo núi Uluru, du khách vẫn đổ xô đến sa mạc đỏ trong 18 tháng qua để xem núi đá đổi màu 5 lần trong ngày và cảnh hiếm nước trong Hồ Eyre, hồ nước mặn lớn nhất Australia.
Vẻ đẹp của hồ nước mặn Eyre
Những người thổ dân Anungu cho rằng núi thiêng của họ đang bị những du khách xâm phạm khi làm xói mòn bề mặt của đá, đổ rác và làm ô nhiễm các hố nước gần đó.
Trước quy định cấm leo núi, hầu hết các du khách đến Uluru gần đây đều vui vẻ tuân thủ. Chỉ khoảng 15% du khách thực sự leo lên đá, tuy nhiên, người quản lý công viên cho biết những người khác lại cho rằng Uluru nên mở cửa cho tất cả du khách du tham quan, khám phá.
Một thác nước chảy xuống khe núi sau cơn mưa
Jim Mullett, thành viên của Câu lạc bộ Hàng không Monduran là một trong số đó. Sau vài năm, anh lại cùng bạn bè bay tới Uluru để leo lên núi đá. Anh cho biết: "Tôi tin rằng mọi thứ ở đất nước này là dành cho tất cả người Australia và tôi nghĩ nó nên được mở cho tất cả mọi người”.
Vẻ đẹp kỳ ảo của núi đá Uluru
Núi đá Uluru được nhà thám hiểm người Anh William Gosse phát hiện ra vào năm 1873 và đặt tên là Ayer's Rock theo tên của Sir Henry Ayers, thủ tướng Australia lúc bấy giờ. Những người định cư ban đầu cho rằng màu đỏ không tốt cho việc canh tác nên họ không mạo hiểm gần địa điểm này cho đến những năm 1940 khi những người khác chuyển đến. Những năm 1950, Len Tuit, một cư dân chuyển đến đây bắt đầu xây dựng các tour du lịch đầu tiên.
Năm 1958, có hơn 2.000 người đã đến thăm Uluru. Năm nay, khoảng 460.000 người đã bay hoặc lái xe hàng trăm km đến Di sản Thế giới được UNESCO công nhận này. Sau khi việc leo núi bị cấm, nhiều người bắt đầu nghĩ ra các cách thức khác để có thể tham quan Uluru, như đi xe đạp hoặc trải nghiệm cuộc sống tại một trại chăn nuôi gia súc gần đó.