Sau 6 ngày tham gia đào tạo thực hành trên xe VAR, từ ngày 14.6, một số trọng tài và trợ lý trọng tài sẽ chuyển sang giai đoạn đào tạo mang tính quyết định: thực hành ở một trận đấu không chính thức.
Những ngày qua, 18 trọng tài và trợ lý trọng tài tham gia khóa đào tạo VAR được thực hành điều hành các "trận đấu" có áp dụng VAR, với các tình huống giả định thời lượng ngắn nhằm làm quen với các quy định, giao thức cũng như sử dụng các thiết bị công nghệ để phân tích tình huống. Quá trình học tập diễn ra liên tục với từ 8 giờ đến 17 giờ 30 hằng ngày, để hoàn thành đủ tiến độ về từng bước đào tạo theo yêu cầu của FIFA.
Đội U.19 Hà Nội hỗ trợ trọng tài thực hành sử dụng VAR tại sân Hàng Đẫy (Ảnh: VPF)
Một số trọng tài đã hoàn thành đủ số lượng bài tập ở các bước đào tạo 3a và 3b với độ khó thấp và trung bình (các trận đấu 5 đấu 5 trong khoảng 10 phút và trận đấu 11 đấu 11 trong khoảng 30 phút) sẽ bước vào giai đoạn 3c với độ khó cao nhất (trận đấu 90 phút). Buổi học đầu tiên được tổ chức tại sân Hàng Đẫy vào sáng ngày 14.6 với sự hỗ trợ của đội U.19 Hà Nội.
Buổi học được giám sát bởi chuyên gia FIFA - Bhaveshan Moorghen. Ba trọng tài được chỉ định thực hành ở buổi học đầu tiên này gồm trọng tài chính Mai Xuân Hùng, trọng tài VAR Dương Hữu Phúc, trợ lý VAR Lê Vũ Linh. Ngoài ra, 3 trọng tài và trợ lý trọng tài của Ban trọng tài Hà Nội sẽ tham gia hỗ trợ điều hành trận đấu.
Trọng tài chính điều hành trận đấu của U.19 Hà Nội - Mai Xuân Hùng cho biết: "Ban đầu tôi còn những bỡ ngỡ về phương pháp phối hợp cũng như những sự khác biệt về phương pháp trọng tài khi có VAR so với trước đây. Ví dụ trường hợp một cầu thủ của đội đang tấn công có thể rơi vào thế việt vị. Trước đây, các trọng tài sẽ ra quyết định ngay lập tức. Khi có VAR, chúng tôi sẽ vấn để trận đấu tiếp tục, dẫn đến bàn thắng. Trọng tài VAR xem xét tình huống và tư vấn cho trọng tài chính để đưa ra quyết định có công nhận bàn thắng đó hay không”.Trước lo ngại về việc áp dụng VAR sẽ khiến trận đấu bị gián đoạn, ảnh hưởng tới khả năng thi đấu của cầu thủ, trọng tài Hùng khẳng định: “Thời gian đầu, anh em trọng tài sẽ cần nhiều thời gian để thao tác. Khi đã quen, chắc chắn thời gian sẽ được giảm xuống để không ảnh hưởng tới trận đấu”.
Trọng tài Mai Xuân Hùng xem màn hình VAR (Ảnh: VPF)
Theo lộ trình, các thành viên lớp học sẽ tiếp tục hoàn thành bước đào tạo 3a và 3b, và chuyển sang bước đào tạo 3c dự kiến từ ngày 16.6, đảm bảo mỗi trọng tài đều phải tham gia đào tạo tại một trận đấu không chính thức. Toàn bộ quá trình thực hành đều được được ghi hình (cả ngoài sân lẫn trong xe VAR) và gửi về FIFA mỗi ngày. Từ đó, các chuyên gia của FIFA sẽ đánh giá tổng quan quá trình thực hành của từng người. VAR chỉ chính thức được áp dụng tại Việt Nam sau khi vượt qua các bước kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt của FIFA.
Trọng tài Dương Hữu Phúc (bìa trái) chia sẻ thêm về phương pháp điều hành phòng VAR: “Có 4 tình huống VAR sẽ xem xét và can thiệp: Có bàn thắng hay không, có phạt đền hay không, thẻ đỏ hay không và các quyết định rút thẻ sai của trọng tài chính. Khi có tình huống cần can thiệp, trọng tài VAR sẽ lập tức xem lại tình huống. Trong khi đó, trận đấu vẫn tiếp tục và trợ lý VAR là người theo dõi. Khi trận đấu tạm dừng, trọng tài VAR sẽ đưa ra tư vấn đến trọng tài chính. Vẫn có những áp lực và lực lượng trọng tài VAR cần có thêm thời gian để hoàn thiện kỹ năng điều hành phòng VAR. Có VAR, anh em trọng tài sẽ đỡ áp lực và tăng được sự chính xác. Tất nhiên là mọi thứ cần thêm thời gian và VAR chỉ là hệ thống và người vận hành vẫn là trọng tài. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện”.
Theo Nghi Thạo/Thanhnien.vn