Trong văn hóa Trung Quốc hổ ( 虎 ) là vua của các loài động vật. Người Trung Quốc từ lâu ngưỡng mộ sự uy nghiêm và sức mạnh của loài hổ nên tạo ra nhiều thành ngữ và tục ngữ liên quan đến tên gọi của chúng.
Vì vậy mà ở Tam Quốc chí, một nhân vật dũng cảm được gọi là Hổ tướng (虎将), còn khi nói về nơi nguy hiểm thì ví von là Long đường hổ huyệt (龙塘虎穴), tức ao rồng, hang hổ. Một trận đấu ác liệt, ngang sức ngang tài giữa hai kỳ phùng địch thủ thì gọi là Long tranh, hổ đấu (龙争虎斗).
Thành ngữ Hổ đầu xà vĩ (虎头蛇尾) có nghĩa là đầu hổ đuôi rắn, tuy nhiên nghĩa bóng lại không liên quan với hai con vật này, vì nó diễn tả một việc khởi đầu tốt đẹp song lại kết thúc tồi tệ.
Trong Tam Quốc chí, một nhân vật dũng cảm được gọi là Hổ tướng (虎将)
Kỵ hổ nan hạ (骑虎难下) là cưỡi hổ khó xuống, một thành ngữ diễn tả cảnh lâm vào tình thế khó khăn, không thể lùi mà phải theo đến cùng
Để nói về con người, có nhiều cách diễn đạt bằng thành ngữ. Hổ bối hùng yêu (虎背熊腰) là cách miêu tả một người đàn ông cao lớn, lưng như hổ, còn eo thì như gấu, thân hình vạm vỡ. Hổ đầu hổ não (虎头虎脑) thì chẳng liên quan gì tới con hổ, đơn giản là nói về một người (thường là con trai) trông khỏe mạnh, giản dị và trung thực.
Ngọa hổ tàng long (卧虎藏龙) là thành ngữ ngụ ý rằng tài năng của ai đó chưa được phát hiện, họ giống như một con hổ đang cúi mình hoặc một con rồng ẩn trong bóng tối mà người khác không thể nhìn thấy.
Kỵ hổ nan hạ (骑虎难下) là cưỡi hổ khó xuống, một thành ngữ diễn tả cảnh lâm vào tình thế khó khăn, không thể lùi mà phải theo đến cùng. Thành ngữ hổ khẩu dư sinh (虎口余生) có nghĩa là “thoát khỏi miệng hùm”, diễn đạt tình huống thoát chết trong gang tấc, sống sót qua cảnh cực kỳ nguy hiểm.
Hổ bối hùng yêu (虎背熊腰) là thành ngữ miêu tả một người đàn ông cao lớn, lưng như hổ, còn eo thì như gấu, thân hình vạm vỡ
Loài người từ lâu ngưỡng mộ sự uy nghiêm và sức mạnh của loài hổ
Một người ăn ngấu ăn nghiến, ăn như hùm như sói tương ứng với thành ngữ Lang thôn hổ yết (狼吞虎咽), nghĩa là người tham ăn cố uống. Trong tiếng Việt có câu “Cáo mượn oai hùm”, tương ứng với câu Hổ giả hồ uy (狐假虎威) trong Hán ngữ. Câu này diễn tả một người đe dọa ai đó bằng cách phô trương mối quan hệ với kẻ mạnh bạo, có quyền lực hơn.
Ở Việt Nam có lẽ không phổ biến thành ngữ Mã mã hổ hổ (馬馬虎虎) song ở Trung Quốc người ta sử dụng rộng rãi thành ngữ này trong cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là câu chuyện về nguồn gốc của thành ngữ Mã mã hổ hổ
Vào thời nhà Tống, có một họa sĩ thích vẽ bất cứ điều gì mà ông ta cảm thấy thích. Tuy nhiên phần lớn không ai hiểu những bức tranh của ông ấy. Ngày nọ, khi ông vừa hoàn thành bức tranh vẽ đầu hổ thì một người bạn đến, đề nghị ông vẽ bức tranh ngựa. Nhân tiện ông đã vẽ thêm thân ngựa phía sau đầu hổ.
Người bạn hỏi trong bức tranh đó là con hổ hay ngựa. Ông trả lời: “Mã mã hổ hổ (馬馬虎虎), nghĩa là ngựa và hổ. Người bạn từ chối, không nhận bức tranh đó, vì vậy ông họa sĩ đã đặt nó trong phòng khách nhà mình.
Người con trai lớn của ông hỏi: “Cha vẽ gì trong tranh thế?" Ông trả lời: “Một con hổ”. Tuy nhiên, khi đứa con trai nhỏ của ông hỏi thì ông lại bảo rằng: “Một con ngựa”.
Ngay sau đó, người con trai lớn của ông đi săn và đã bắn chết con ngựa trên đường vì nghĩ rằng đó là một con hổ. Thế là ông họa sĩ phải đền rất nhiều tiền cho chủ nhân của con ngựa.
Mã mã hổ hổ (馬馬虎虎) là thành ngữ dùng để mô tả một người nào đó bất cẩn, cẩu thả trong hành động để rồi gây thiệt hại cho bản thân mình
Con trai thứ hai của ông đi ra ngoài và nhìn thấy một con hổ, cậu ta muốn cưỡi nó vì nghĩ rằng đó là một con ngựa. Nhưng, khi cậu cố gắng cưỡi con hổ thì nó vồ chết cậu.
Quá buồn nên anh họa sĩ đã đốt bức tranh rồi làm một bài thơ than trách, khuyên người đời rút kinh nghiệm bất cẩn của gia đình mình.
Ngày nay, thành ngữ Mã mã hổ hổ này được sử dụng để mô tả một người nào đó bất cẩn, cẩu thả trong hành động để rồi gây thiệt hại cho bản thân mình.
(Còn tiếp)
Theo Vương Trung Hiếu/thanhnien.vn