Nhà thơ Nguyễn Văn Gia cũng như nhiều người bạn bước chân vào Đại Học Huế trước khi nội chiến kết thúc, một số có lẽ là thành viên của “thế hệ chiêm bao”.
Tin và bài liên quan:
Đọc 'Vỉa từ' Nguyễn Hữu Hồng Minh: Thi ca, Kịch nghệ và sự Chuyển hóa Bản thân
Nghệ thuật Nguyễn Hữu Hồng Minh: Cánh hoa giữa vực thẳm và đỉnh cao
“Chén trà sương sớm bên thềm/ Vừa nghe chim hót, vừa thèm chiêm bao” (Bùi Giáng).
“Rồi thế nào hòa bình cũng phải đến/ Như mặt trời thức dậy cuối đêm đen.” (Mơ ngày hòa bình. Huế 1972). Nguyễn Văn Gia làm thơ buổi tàn cuộc binh đao, đâu đó trước khi Hiệp Định Paris (1/1973) được ký kết. Anh hân hoan “Chào chim sẻ, chim cu của ngày còn bé/ Rủ nhau về sau năm tháng mù tăm”… ”Và khi đó anh xin làm một thầy giáo trẻ/ Dạy dỗ bầy em dưới mái trường làng.” Thật hồn nhiên và rất đỗi "lạc quan cách mạng"… Cho đến khi:
“Quá nửa đời gió bụi với sương phai/ Khi ngoảnh lại đã hoàng hôn nắng quái/ Cái không thực làm sao tìm cho được/ Đôi tay gầy không thể hái trăng sao.” Nhà thơ “Bỏ rơi viên phấn nửa chừng/ Ta về nằm ngủ giữa rừng chiêm bao.” Lại chiêm bao, bây giờ anh mơ bóng tre xanh, quê nhà đã thành cố hương, mùa trăng cũ và tiếng chim…
Có những người bạn, nhà văn - nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh… phải lên tận bán đảo Sơn Chà mai phục may ra ghi hình chim và vọoc. Đất Thanh Khê của anh, cửa ngõ phía Tây thành phố Đà Nẵng, khe nước xanh đổ ra Vũng Thùng nay không còn xanh nữa, chỉ may mắn còn lưu giữ cái chợ nửa tỉnh nửa quê, nhưng để nghe được tiếng chim gù nơi thảo lư có lẽ hơi chông chênh. Thì đành chiêm bao vậy.
Thế hệ mình bước chân vào đại học khi chiến tranh không còn lởn vởn nơi vùng ven, có lúc đã đổ ập vào thành phố. Rớt Tú Tài anh đi trung sĩ, trượt Đại Học anh vào Thủ Đức. Khung trời đại học Huế không cao vời vợi, mùa giêng hai mây mù bảng lảng vờn qua sát nhịp cầu ánh bạc, sà xuống cành phượng vĩ đến tận bãi cỏ chân cầu, hành lang Văn Khoa thì hẹp và sâu hun hút nên anh em sinh viên hầu như đều quen biết nhau, từ những nhan sắc một thời nay nhắc đến tên còn thấy xao xuyến, đến anh chàng sinh viên quần kaki vàng, đội mũ beret lệch thời thượng Che Guavara, trong câu chuyện, thỉnh thoảng chêm vào câu bùa chú “cuộc kháng chiến giữ nước và dựng nước vĩ đại của dân tộc ta” cóp nhặt đâu đó qua những tài liệu Văn-Sử-Địa miền Bắc lưu truyền vào. Chúng mình hồi ấy sống hài hòa, mỗi người có nỗi niềm riêng, điều quan trọng là tôn trọng giấc mơ người khác. Có lẽ, đời sống sinh viên bấy giờ sàn sàn như nhau, bổng lộc là hư vô, nên kèn cựa, cơ hội để mà làm chi? Khác với không khí đại học sau 1975 và xã hội bây giờ “Dối trá và sợ hãi/ Đã trở thành thói quen/ Cái tôi đã thành cái/ Hai mặt và phân thân” (Hai mặt. NVG).
Cho nên, thế hệ chiêm bao tồn tại qua chiến tranh từng trăn trở:
“Sống như thế nào là phải đạo/ Chẳng lẽ theo gió mà trở chiều.”
Một mai khi hòa bình đến, những năm tháng của tuổi trẻ đẹp nhất, chúng mình được lùa vào “Trại Súc Vật” (Animal Farm, tên một tiểu thuyết của George Orwell). Có anh ném giấc chiêm bao thời hoa mộng xuống sông Hương, sông Hàn… đi tìm giấc mơ khác bên kia đại dương, có anh quy khứ lai từ hay ra chợ bán văn ngày tháng qua, số ít chen được một chân vào giai cấp mới (chữ của Milovan Djilas), nghe lời phủ dụ của mấy con heo có vai vế trong trại súc vật, riêng anh vẫn dạy học, thỉnh thoảng làm thơ “Nghĩ về đất nước”. Nhà thơ ơi, hãy khoác một vòng hoa và tránh ra cho người ta yêu nước!
“Lặng Lẽ Phù Sa” những câu thơ tưởng yên ả như lớp trầm tích lắng đọng với thời gian, nhiều bài hư ảo như một bài kệ, vậy mà thỉnh thoảng thơ trỗi dậy phun trào như dung nham núi lửa muốn dịch chuyển cả đại cục.
Nhà thơ không ly hương, vậy mà thao thiết nhớ quê hương! Bên kia địa đàng, con người có mặt với hoa lá, chim muông, núi đồi-dòng sông, những giấc mơ- chiêm bao. Chẳng thể ngồi xuống chiêm nghiệm và chiêm ngưỡng hoài những giấc mơ, sợ rồi lại hóa đá hay biến thành ảo ảnh… Trên từng bước chân đi, biến giấc mơ để làm người Tự Do bởi Tự Do chưa bao giờ là món quà miễn phí.
[Nhân đọc Lặng Lẽ Phù Sa. Thơ Nguyễn Văn Gia - NXB Hội Nhà Văn - 2015]
2/2022
Tống Văn Thụy