Facebook đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích khi báo cáo cho biết mạng xã hội này đã làm rò rỉ thông tin của 50 triệu người dùng. Người đưa sự việc trên ra ánh sáng là Christopher Wylie, 28 tuổi, nhân viên của công ty phân tích số liệu Cambridge Analytica (CA), đơn vị dính líu trực tiếp tới scandal nói trên.
Wylie đã sử dụng kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực mã hóa và dữ liệu khoa học để thu thập thông tin cá nhân của các cử tri Mỹ. Sau đó nhắm mục tiêu quảng cáo vào họ, cụ thể là cung cấp những quảng cáo chính trị đã được cá nhân hoá cho từng người. The Guardian đã theo dấu Wylie một thời gian dài để tìm cách trò chuyện và khai thác những câu chuyện đằng sau con người đặc biệt này, thậm chí đã đặt câu hỏi liệu có thể gọi anh là "người tố giác đầu tiên vĩ đại, nghìn năm có một" hay không.
The Guardian mô tả Christopher Wylie là người "thông minh, hài hước, có đôi chút xấu tính, sâu sắc, hăng hái, đầy thuyết phục".
Wylie lớn lên ở bang British Columbia, Canada. Khi mới 6 tuổi, anh bị một người tâm thần không ổn định lạm dụng. Mặc dù trường học đã cố gắng che giấu vấn đề, việc này vẫn được đưa ra tòa.
Wylie chia sẻ, khoảng thời gian chữa trị tâm lý là thời điểm khó khăn nhất đối với không chỉ riêng bản thân mình mà cả bố mẹ lẫn bác sĩ. Anh cũng bị chẩn đoán mắc ADHD (hội chứng tăng động giảm tập trung) và chứng khó đọc khi còn là một thiếu niên.
Mặc dù có một tuổi thơ và quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường không êm ả, vào năm 14 tuổi, Wylie vẫn tạo được tiếng vang khi thắng kiện Bộ giáo dục bang. Kết quả của vụ kiện đã buộc cơ quan này phải thay đổi các chính sách về quản lý, bao gồm việc bắt nạt học đường. Sự việc này được xem là bước đệm khiến anh dần ghét bỏ trường học cũng như khơi dậy sự hứng thú về chính trị, dẫn tới quyết định chấm dứt sự nghiệp học hành vào năm 16 tuổi.
Năm 17 tuổi, Wylie tới làm việc tại văn phòng Quốc hội, phục vụ cho lãnh đạo phe đối lập ở Canada. Cố vấn chiến lược chính trị của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama là Ken Strasma khi đó đã dạy chàng trai trẻ tuổi rất nhiều kiến thức, đặc biệt là sự quan trọng của việc sử dụng dữ liệu trong chính trị. 19 tuổi, Wylie tự học để một năm sau thi đỗ vào chuyên ngành luật tại Trường Kinh tế London rồi sang Anh du học. Năm 21 tuổi, anh lại một lần nữa bỏ dở việc học để tiếp tục theo đuổi đam mê chính trị khi vào làm việc cho Đảng Dân chủ tự do ở Anh.
"Chính trị cũng giống như bọn du côn", Wylie nói. "Bạn không bao giờ thực sự thoát khỏi chúng".
Trong quá trình làm việc tại đây, anh giúp tổ chức này "nâng cấp cơ sở dữ liệu cũng như tuyên truyền nhắm tới từng cử tri". Vai trò chiến lược này của Wylie giúp anh nhận được một thị thực làm việc cao cấp, loại chỉ phát cho 200 người mỗi năm tại Anh.
Theo New York Times, ở tuổi 24, Wylie đã được nhiều tổ chức quan tâm nhờ khả năng "sử dụng những đặc điểm tâm lý cố hữu để ảnh hưởng đến hành vi của cử tri" và đã "tập hợp được một nhóm các nhà tâm lý học và các nhà khoa học dữ liệu, một số trong số đó là thành viên của Đại học Cambridge".
Thời điểm đó, anh đang theo học bằng tiến sĩ trong lĩnh vực dự báo xu hướng thời trang. Tuy nhiên, sau một lần gặp gỡ với Stephen Bannon, người sau này trở thành chiến lược gia trưởng và cố vấn cấp cao nhất cho tổng thống Donald Trump, anh đã gia nhập CA cùng với đội ngũ riêng của mình.
Trước khi trở thành Giám đốc nghiên cứu của CA, Wylie từng từ chối lời mời từ tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ nghề nghiệp hàng đầu thế giới Deloitte. "Lúc nào tôi cũng có một suy nghĩ là nếu mình nhận công việc ở Deloitte hay bất kỳ công việc nào khác, CA sẽ không tồn tại", Wylie chia sẻ.
Anh cũng là "một bậc thầy kể chuyện, nhà chính trị và chuyên gia phân tích thông tin", theo The Guardian.
Sau khi tố cáo Facebook, Wylie đã bị mạng xã hội này khóa tài khoản. Anh cho biết thậm chí tài khoản của anh ở các công ty con của Facebook là Instagram và cả WhatsApp cũng bị "treo giò". Tuy nhiên, phía WhatsApp sau đó đã thông báo rằng họ đã không động chạm gì tới tài khoản của anh trên hệ thống. Để đáp trả, Wylie chuyển sang dùng Twitter và chia sẻ các bằng chứng về việc Facebook đã khóa tài khoản của mình trên mạng xã hội mới này.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Channel 4 News tại Anh, Wylie đã giải thích một phần công việc của mình trước đó.
"Trên các phương tiện truyền thông xã hội, mọi người tự tin và cung cấp quá nhiều thông tin về bản thân ở một nơi duy nhất. Vì vậy, bất cứ nơi nào bạn đi và thích một cái gì đó, bạn đang cho tôi một đầu mối về việc bạn là ai và tất cả những điều này có thể được nắm bắt rất dễ dàng chỉ nhờ một thuật toán", Wylie cho hay.
Anh cũng khuyên những người đang cảm thấy không thoải mái về việc chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội rằng: "Tôi không muốn nói rằng tôi chẳng tin tưởng bất kỳ ai. Tôi đã trải qua một cuộc sống với rất nhiều sự hoài nghi mạnh mẽ, nên tôi nghĩ rằng bạn nên tập trung vào những gì bạn đang nhìn thấy, nghe thấy và người bạn đang nói chuyện. Đó là cách tốt nhất để đi qua cuộc đời này".
Vụ rò rỉ thông tin được cho là lớn nhất trong lịch sử Facebook được báo chí đăng ngày 19/3. Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica bị phát hiện sở hữu lượng thông tin cá nhân của hơn 50 triệu tài khoản Facebook. Kho dữ liệu này được mua lại từ Aleksandr Kogan, giảng viên Đại học Cambridge thông qua việc thu thập thông tin dựa trên ứng dụng thisisyourdigitallife. Sự việc gây rúng động bởi kho dữ liệu được cho là dùng để phân tích, tạo nội dung quảng cáo ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Con số 50 triệu tài khoản Facebook tương đương 25% số cử tri Mỹ trước giai đoạn bầu cử.