Cái nhìn nghiêm túc về căn bệnh nghiện dưới con mắt của chính quyền trong khoảng gần vài năm trở lại đây đã có những bước tiến triển và thay đổi rõ rệt về nhiều mặt, đặc biệt là về góc độ quyền con người.
"Trăm năm Kiều vẫn là Kiều…
Xì - ke tái nghiện là điều tất nhiên..."
Cả căn phòng cười ồ lên trước lời giới thiệu mở đầu một cuộc nói chuyện sóng gió của một người hơn 20 năm luẩn quẩn trong vòng xoáy của một vũng lầy mà xã hội gọi là ma tuý…
Gương mặt điển trai, cương nghị, mái tóc dài nghệ sĩ quấn quýt với đôi mắt thông minh nhưng đăm chiêu và nhiều suy nghĩ, anh đằng hắng, nói lớn vào micro:
- Chào các bạn tốt, các bạn có phải là các bạn của tôi không?
Nhiều tiếng ồ à nổi lên, và đương nhiên câu trả lời là “có”…
- Vậy ư? … Nhưng đừng coi ai là bạn nếu như họ rủ mình sử dụng cái ma tuý đầu tiên trong đời…
Cả gian phòng chìm trong im lặng, nghe rõ cả tiếng chiếc máy lạnh công nghiệp lâu đời đang vò võ ồ ề …
- Đó là ngày đáng ân hận nhất trong cuộc đời tôi…
Lại im lặng … Nhưng gương mặt anh ấy chợt giãn ra, dịu lại và bớt căng thẳng …
- Nhưng hoàn toàn không sao nếu như bạn chỉ sử dụng có 1 lần.
Nhiều giọng nói cất lên: “Nếu đã biết vậy, tại sao…”
- Sao trăng gì, nếu biết thì hôm nay người đứng đây đã không phải là tôi, có thể là một người khác…
Căn phòng bắt đầu chìm dần vào lời kể của anh chàng điển trai. Xuất thân từ một gia đình căn bản, nề nếp, và như bao bạn bè đồng trang lứa khác, anh mang trong mình những hoài bão, ước mơ và cũng đã theo đuổi đến những năm cấp 3 trong một ngôi trường có tiếng ở TP.HCM. Và trong những năm ấy, anh mắc nghiện.
Trung Tâm Cai Nghiện Ma Túy Làng Bình Minh số 310Bình Quới P28 Bình Thạnh TP.HCM
Tuổi nghiện lớn theo tuổi đời. Chật vật khi bước sang tuổi 40, a cũng đã bắt đầu nhận ra nhiều giá trị đã bị anh quên lãng trong cuộc đời mình và vô cùng nhiều cơ hội đã vẫy tay chào anh để ra đi, một khối lượng lớn tài sản, hai người vợ tận tuỵ, và gói ghém theo hơn 20 năm tuổi đời vật lộn với ma tuý, trần ai, khổ ải, năm trường bảy trại, tám chín cái trung tâm, tư nhân cũng như nhà nước, hình như nơi nào cũng đã đón bước chân giang hồ của anh. Dường như chưa có cái gì là anh chưa trải qua, để lại dấu ấn trên gương mặt của anh những ngoặc đơn, ngoặc kép nhàu nhĩ.
- Tôi dám tin chắc trong gian phòng này, không ai có nhiều và cũng không ai mất nhiều như tôi. Những cái tôi mất nhiều hơn những cái tôi đã có, cái duy nhất tôi chưa có, đương nhiên là trong quá khứ, đó là sự hiểu biết về chứng nghiện, và sự đủ yêu thương của gia đình để bao dung, để tha thứ, để bỏ qua lỗi lầm của tôi, vì các bạn ạ, đây là một căn bệnh, chứ không phải tội phạm.
- Khó khăn của việc cai nghiện này là gì vậy ạ, anh ơi? Sao người nghiện cứ tái đi tái lại vậy ạ?
Anh cười, cái cười pha cả sự chua xót:
- Khó khăn lớn nhất của bệnh này là chính bản thân những người nghiện. Họ có những đấu tranh của riêng họ, có những vật lộn của riêng họ cho chứng nghiện. Khi chúng ta mệt mỏi vì vấn đề gì, chúng ta có thể có biểu hiện bột phát ngay bằng hành động, thậm chí gào thét lên để giải toả, nhưng họ biết kêu với ai, kêu rằng “Tôi thèm quá” ư, hay “Tôi thích chích 1 mũi quá” ư? Họ thèm làm con người bình thường hơn tất cả chúng ta đang ở trong gian phòng này. Anh muốn bình thường không, không ư, chị muốn bình thường không, lại không ư, nhưng những người nghiện rất muốn bình thường. Vì sao ạ, vì các anh chị vốn đã bình thường, còn chúng tôi, luôn bất thường.
Ở đời, vốn dĩ ta không có cái gì thì ta thèm thuồng cái đó, âu cũng là điều dễ hiểu. Cuộc chiến của riêng họ, nó nhấm nháp, cắn rứt, cấu xé họ, ừ… một tuần thì đơn giản, một tháng cũng giản đơn, một năm cũng chẳng sao, nhưng nó kéo dài suốt đời các anh chị ạ. Và họ là những con người dễ bị tổn thương nhất, vì những định kiến của xã hội, những ngờ vực của gia đình, những chi ly, đề phòng của những người chung quanh… dễ vứt họ trở về ma tuý lắm. Ngoi mãi mới lên được gần mép cuộc sống, tuột một phát là tuột luôn… Vì chỉ có “mũi” đầu tiên chứ không có “mũi” cuối cùng đâu… Đấy chính là một cuộc chiến không cân sức của những người nghiện và chứng nghiện.
- Sao anh lại nói đây không phải tội phạm, khi mà rõ ràng đã xảy ra rất nhiều những vụ việc phạm tội liên quan đến ma tuý?
- Các anh chị ạ, ở đâu thì yếu tố con người cũng là yếu tố quan trọng nhất, chúng ta nên nhìn nhận từ gốc rễ của vấn đề. Đây là một căn bệnh mãn tính, “chữa” thì dễ nhưng “trị” thì khó, cai thì dễ thôi, nhưng giữ thì phải cả đời. Mà căn bệnh mãn tính nào cũng dễ tái các anh chị ạ. Vấn đề cốt lõi tôi nhận ra được là công ăn việc làm sau cai.
Đồng ý rằng chính quyền và nhà nước cũng đã có cái nhìn đúng đắn về căn bệnh này, và đã có những sự giúp đỡ thiết yếu và căn bản từ phía chính quyền, như những chương trình đào tạo dạy nghề và giai đoạn hậu cai trước khi tái hoà nhập cộng đồng, nhưng kết quả thì vẫn đếm trên đầu ngón tay. Vì sao ạ, vì xã hội chúng ta vẫn kỳ thị với căn bệnh nghiện, và cả căn bệnh HIV kèm theo như một luật bất thành văn cho những năm tháng cai nghiện tập trung đằng đẵng không biết trước ngày trở về của nghị định 19 vắt qua nghị định 20 của cựu Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài. Tại sao tôi lại nói là không biết trước được ngày về? Vì tất cả các bạn học viên cai nghiện khi đang chấp hành nghị định 19 phải chấp hành thêm luôn nghị định 20, và biết đâu sẽ còn thêm cái nghị định nào nữa từ phía lãnh đạo thành phố. Các anh chị nghĩ xem, những môi trường cai nghiện tập trung như những xã hội thu nhỏ, "cấm cái gì có cái đó" hay "càng cấm càng có", lại đang bị một cái nghị định dài và dai dẳng, không biết trước được ngày về mà chúng tôi gọi là "án dây thun", thì khi có cái cấm, chậc, đành tặc lưỡi "nhắm mắt đưa tay"... gần như trăm phần trăm nhiễm bệnh.
Đội ngũ chuyên gia cán bộ nhân viên, những người tâm huyết với công tác phòng chống ma túy của Trung Tâm Cai Nghiện Ma Túy Làng Bình Minh
Cái nhìn nghiêm túc về căn bệnh nghiện dưới con mắt của chính quyền trong khoảng gần vài năm trở lại đây đã có những bước tiến triển và thay đổi rõ rệt về nhiều mặt, đặc biệt là về góc độ quyền con người. Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc ảnh hưởng lớn đến quyền tự do cá nhân và tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm quyền con người và lạm dụng quyền từ phía các cơ quan nhà nước. Việc đảm bảo quyền con người của người nghiện ma tuý không chỉ bảo vệ quyền cá nhân tại cơ sở cai nghiện mà còn phải đảm bảo thủ tục công bằng trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc. Biện pháp cưỡng chế cai nghiện này mang tính chất pha trộn giữa các loại hình tố tụng tư pháp.
Tính cưỡng chế gần với hình phạt tù, thủ tục giống với phiên toà rút gọn và tranh tụng giống tố tụng hình sự và dân sự. Do vậy, việc "tư pháp hoá" thủ tục này là điều tất yếu và nhà nước cần phải thừa nhận các chuẩn mực của trình tự công bằng để đảm bảo quyền của người bị đề nghị đồng thời ngăn ngừa vi phạm tố tụng. Trước năm 2014, quá trình thực hiện các thủ tục để đưa người đi cai nghiện bắt buộc chưa thực sự đảm bảo và coi trọng quyền con người. Trong giai đoạn này, gần như không có sự tham gia của người nghiện ma tuý trong suốt quá trình các cơ quan nhà nước chuẩn bị các thủ tục hồ sơ đề nghị đối với họ. Người nghiện phải đối mặt với sự mặc cảm, xa lánh từ xã hội và từ các cơ quan nhà nước.
Đối với góc nhìn từ các cán bộ ngành y trong công tác cai nghiện ma tuý, họ không chỉ làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều hiểm nguy khi hàng ngày phải tiếp xúc với đủ loại bệnh tật, trong đó có nhiều căn bệnh xã hội nguy hiểm, như: AIDS, lao phổi, bệnh mãn tính (viêm gan B, đái tháo đường...). Các y bác sỹ phải rất bản lĩnh, kiên định và phải thực sự yêu cái nghề giúp người này, thì mới có thể tồn tại lâu trong công tác chung sức để làm lại cuộc đời cho những người nghiện. Đó cũng là một cuộc chiến không cân sức giữa sức cám dỗ của bệnh nghiện và tấm lòng của một người thấy thuốc, và họ buộc phải dặn lòng thật vững vàng trên cuộc chiến thầm lặng này. Vì đây là một lĩnh vực công tác khác hoàn toàn so với các bệnh viện, cơ sở y tế thông thường.
Rất nhiều các y, bác sỹ chuyên khoa về ma tuý sau nhiều năm công tác, chứng kiến những lần tái đi tái lại của người nghiện cũng đã nhận định rằng, nguồn cội gốc rễ của căn bệnh này nằm ở khía cạnh tâm lý, điều trị cho người nghiện không phải là một việc dễ dàng, một sớm một chiều, mà đứng về nhiều góc độ, xã hội cũng như gia đình, phải có đủ sự yêu thương, bao dung để tha thứ cho những lỗi lầm của những con người lỡ mắc chứng nghiện, và luôn tạo cơ hội cho họ làm lại cuộc đời.
Về pháp luật, năm 2021, luật mới đã mở rộng phạm vi điều chỉnh về phòng, chống ma tuý, quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý, cai nghiện ma tuý, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng chống ma túy, quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng chống ma tuý. Quy định này nhằm bao quát đầy đủ các nội dung quy định về phòng chống ma tuý và tránh chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Luật phòng chống ma tuý năm 2021 được ban hành nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng chống ma tuý và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của luật phòng chống ma tuý năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma tuý, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, an ninh góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Hằng Anh (Với sự tư vấn của Tổ công tác tư vấn Trung tâm Cai nghiện Ma tuý Làng Bình Minh
(310 Bình Quới P.28 - Q. Bình Thạnh, TP.HCM - ĐT: 02835562954 - Website: www.langbinhminh.com)