Xây dựng từ năm 1927, Đền Chín Gian là địa chỉ tâm linh nổi tiếng nhất của cộng đồng người Thái ở Nghệ An. Đền có chín con trâu đắp bằng đá tượng trưng cho vật hiến tế của chín mường người Thái ở phía tây bắc Nghệ An.
Ngôi đền trên đỉnh ngọn núi đất có tên Pu Pỏm ở bản Kim Khê, xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An). Đền Chín Gian hiện tại có kết cấu của một nhà sàn truyền thống và các phòng là những gian thờ tự thần linh. Đó là những người được cho là đã đến đất này khai thiên lập địa xây dựng bản mường.
Con trâu, vật hiến tế cúng thần đền
Theo truyền thuyết dân gian, ngôi đền ban đầu được xây dựng từ thế kỷ thớ 14 ở một địa điểm gần đó. Đền thờ Lò Ỳ, thờ Trời và một số tù trưởng tên là Cằm Lữ, Cằm Lạn là những người đầu tiên lập mường người Thái mạn tây bắc Nghệ An. Họ đã tạo ra một vùng dân cư thịnh vượng, giàu có. Để tạ ơn thần linh đã cho mưa thuận giò hòa, mùa màng tốt tươi, người dân ở chín mường người Thái, phủ Quỳ Châu đã góp gỗ dựng đền. Đền có chín gian, cũng là tên gọi ngôi đền tượng trưng cho chín mường người Thái. Vào ngày lễ đền, mỗi mường góp một con trâu đen hoặc trắng để tế trời và thần linh.
Không khí ngày lễ đầy bản sắc Thái
Khoảng thế kỷ thứ 17, đền được dời đến vị trí hiện đại. Vì là ngôi đền thiêng nhất của người Thái ở Nghệ An nên công trình gắn với nhiều huyền thoại trong đó có câu chuyện cho rằng chính thần linh đã ra chỉ dấu dời đền về vị trí hiện tại (núi Pu Pỏm) thì cư dân sẽ được yên vui, no ấm. Sau này vào năm 1927 ông Sầm Văn Lá, một trong 17 vị quan phủ người Thái cai quản một vùng rộng lớn phía tây bắc Nghệ An đã cho chở gỗ về dựng lại đền. Đất này xưa gọi là phủ Quỳ Châu. Qua gần trăm năm, ngôi đền đã có một số lần trùng tu nhưng vẫn giữ được kiến trúc căn bản như hồi 1927.
Trong nhiều năm, lễ hội đền Chín Gian thu hút đông khách thập phương đến cúng tế, vãn cảnh
Thi bắn nỏ và dệt vải tại hội đền Chín Gian
Ngôi đền có diện tích 138m2 tọa lạc gần chop đỉnh một ngọn đồi. Có một con đường với 164 bậc đá xanh dẫn lên đền. Trên đường đi từ bến nước Tắm Trâu dưới chân núi lên đền, còn có hai công trình nhỏ là am thổ thần và am nghỉ chân. Đó là những công trình có vai trò phụ cận đối với đền Chín Gian. Theo những cao niên người bản địa, sau năm 1945, có một thời gian dài đền bị bỏ hoang và xuống cấp trầm trọng. Đến 2005 mới được trùng tu lại dựa trên những kết cấu còn sót lại.