Hầu như ai từng sinh ra và lớn lên ở miền Tây cũng bị quyến rũ bởi hương thơm nức mũi từ những nồi nước lèo và tô hủ tiếu nghi ngút khói mỗi buổi sớm mai từ quán hủ tiếu trước nhà hay ở góc đường nhỏ.
Hủ tiếu miền Tây - món ngon đặc trưng miền sông nước
Miền Tây với sông nước và kênh rạch chằng chịt, không chỉ nổi tiếng với những món ngon đặc trưng như lẩu mắm, bún nước lèo, bánh xèo,... mà còn có một đặc sản chưa bao giờ hết hot, chính là hủ tiếu. Không chỉ vậy, hủ tiếu miền Tây còn có nhiều phiên bản được chế biến theo nhiều cách khác nhau tùy vào lịch sử, văn hóa ẩm thực từng vùng như hủ tiếu Sa Đéc ở Đồng Tháp, hủ tiếu Nam Vang ở các tỉnh gần hoặc giáp với nước bạn Campuchia, hủ tiếu Bến Tre ăn kèm pate - một loại chả làm từ thịt và tai heo, hủ tiếu sa tế, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu cá...
Hủ tiếu miền Tây là món ăn góp phần tạo nên sự phong phú cho ẩm thực nước ta với từng loại đều mang hương vị đậm đà, thu hút. Nếu có dịp du lịch bất kỳ tỉnh nào thuộc khu vực Tây Nam Bộ như Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ hay An Giang,... bạn đừng quên ghé lại và thưởng thức hủ tiếu nhé. Bạn sẽ nhận ra từng loại mang hương vị và cách ăn đặc trưng riêng, không lẫn vào đâu được.
Cũng là một bát hủ tiếu đầy đủ có sợi bánh nhỏ như sợi bún mang màu đục của nước dùng ăn với tôm, thịt heo, thịt băm hay lòng, pa tê, hải sản,... kèm với xà lách, cải cúc, hẹ, giá tươi... nhưng đã được biến đổi cho phù hợp với khẩu vị của từng tỉnh, từng vùng khác nhau ở miền Tây.
Cũng là hủ tiếu nhưng khi check in tại những quán hủ tiếu Sa Đéc bà Sẩm, hủ tiếu Sáu Sen, Tám Lài ở Đồng Tháp hay quán hủ tiếu patê ở địa chỉ 226/1A đường 30/4, phường 4, TP. Bến Tre, du khách mới cảm nhận được trọn vẹn vị ngon đặc biệt.
Khi được thưởng thức món ngon này ở một quán nhỏ trên đường về miền Tây hay giữa chợ hoặc dưới chiếc xuồng nhỏ trên chợ nổi bên sông, bạn mới cảm nhận được món ăn miền Tây chuẩn vị và đúng điệu nhất. Nếu may mắn đi vào đúng mùa nước nổi, du khách sẽ vừa được thăm thú cảnh vật vừa tha hồ thưởng thức hủ tiếu với topping thủy hải sản ngập tràn. Còn gì thú vị hơn giữa cảnh sông nước mênh mông, bạn được check in chợ nổi Ngã Năm, Ngã Bảy hay Cái Răng rồi ngồi ăn một bát hủ tiếu vừa thơm ngon vừa giàu dinh dưỡng với giá cực kỳ phải chăng. Đó sẽ là một trải nghiệm khó quên khiến bao người thương nhớ.
Điểm danh những thương hiệu hủ tiếu ngon ở miền Tây
Sa Đéc là một địa danh nổi tiếng thuộc tỉnh Đồng Tháp. Đây không chỉ là nơi trồng hoa cảnh, cây kiểng nổi tiếng khắp miền Tây và cả nước mà còn là vùng đất gắn liền với thương hiệu hủ tiếu miền Tây lừng danh là hủ tiếu Sa Đéc. Hàng trăm quán hủ tiếu khác nhau đã ghi dấu trong lòng thực khách địa phương và du khách gần xa, tồn tại hơn 4 thập kỷ trên mảnh đất này. Có thể nói rằng hủ tiếu Sa Đéc đã trở thành món ăn thân quen, luôn níu chân bất kỳ ai mỗi khi có dịp đi qua.
Một tô hủ tiếu Sa Đéc đúng điệu có đầy đủ các nguyên liệu quen thuộc như tôm, thịt, gan ăn cùng sợi hủ tiếu trắng mịn, mềm mà không bở, không vị chua vì làm từ bột gạo có truyền thống trăm năm ở địa phương. Nhưng làm nên linh hồn của món ăn này phải là nước dùng nấu từ nước hầm xương heo. Cách hầm đặc trưng tạo nên một vị ngọt thanh ngon khó tả. Hủ tiếu Sa Đéc chính hiệu được bày bán ở các quán hủ tiếu ngon ở miền Tây khắp các tỉnh thành.
Tiền Giang không chỉ có chùa cổ Vĩnh Tràng, vườn trái cây Vĩnh Kim và nhiều thắng cảnh mà còn sở hữu thương hiệu hủ tiếu Mỹ Tho khiến bao du khách phải lòng. Một tô hủ tiếu ở đây khá bắt mắt với sự góp mặt của nhiều màu sắc như màu đỏ ngon mắt của tôm, màu xanh tươi của cần tây, cải cúc, màu đỏ tươi của ớt, màu trắng ngà của bánh hủ tiếu nhỏ, dai, khô và hơi có vị chua.
Hủ tiếu Mỹ Tho còn được điểm xuyết thêm chút hành lá và rau mùi... cùng với tỏi băm nhỏ phi thơm. Sau đó, món ăn sẽ được chan lên nước dùng trong vắt, ngọt thanh vì hầm từ xương heo và củ cải. Hủ tiếu sẽ ngon hơn nếu ăn kèm vài lá xà lách, giá tươi, hẹ. Topping chính của tô hủ tiếu là thịt nạc hoặc hải sản.
Khi ăn, bạn hãy chấm các loại topping với nước mắm tỏi pha cùng ớt hiểm ngâm giấm. Màu sắc và hương vị hài hòa từ các nguyên liệu sẽ làm cho thực khách không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của một tô hủ tiếu Mỹ Tho chính hiệu.
Có nguồn gốc từ nước bạn Campuchia nhưng hủ tiếu Nam Vang là cái tên không hề xa lạ. Được du nhập vào Việt Nam từ rất lâu, qua bàn tay chế biến của người Hoa, người Kinh, hủ tiếu Nam Vang được nêm nếm, chế biến sao cho phù hợp với khẩu vị của chúng ta ngày nay.
Nước dùng của món hủ tiếu Nam Vang không ninh xương như hủ tiếu Mỹ Tho hay Sa Đéc mà dùng thịt bằm nhuyễn cùng nước để tạo ra độ ngọt và béo rõ hơn. Nguyên liệu chính là hủ tiếu khô hay mì được trụng sơ vào nước dùng rồi cho thêm thịt bằm nhỏ, tôm, cua, mực cùng lòng heo giá, hẹ vào.
Người dân Bến Tre cũng như bất kỳ người miền Tây nào, khá thích ăn hủ tiếu và có thể ăn vào buổi sáng, buổi trưa hay tối, từ hủ tiếu chay, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu xương heo đến thập cẩm và đặc biệt là hủ tiếu patê, xuất hiện đầu tiên ở Bến Tre và cũng chỉ ngon nhất ở đây.
Patethực chất là tên gọi của một loại "chả" rất đặc biệt, có vị dai giòn sần sật khi ăn. Món này được làm từ thịt nạc, da heo, lưỡi heo, da đầu, mỡ, tiêu hạt cùng các loại gia vị sao cho đạt đến độ dai mà không bở nát với mùi thơm đặc trưng.
Pate kiểu Bến Tre ăn riêng đã ngon mà còn được kết hợp với chút thịt nạc xắt lát, miếng bao tử giòn cùng lát gan mỏng, phèo non và còn có cả tôm lột tạo nên phần topping ngon khó cưỡng của một tô hủ tiếu patê Bến Tre. Khi ăn cùng bánh hủ tiếu dai mà không cứng thấm vị nước lèo ngọt béo hầm từ xương trong vắt, thơm ngon, các loại thịt, lòng heo và pa tê ăn kèm càng dậy mùi và cuốn hút.
Nếu vì một lí do nào đó mà bạn chưa có dịp thưởng thức một tô hủ tiếu miền Tây thì hãy thử ngay nhé, để cảm nhận hương vị thơm ngon đến từ một món ăn đặc trưng của vùng sông nước, dù là nghe quen tên quen vị như hủ tiếu Nam Vang, Sa Đéc, Mỹ Tho hay có chút lạ lẫm như hủ tiếu patê Bến Tre.