Chiếc xe tải chở rác thải của mỏ quặng antimon đổ xuống vách núi. Những đứa trẻ lao lên trên con dốc dựng đứng, cố mót chút quặng sót.
Đó là khung cảnh của mỏ quặng antimon Mậu Khê, Hà Giang. Nó có thể làm xót xa bất kỳ ai chứng kiến. Một đám đông người, bám vào một vách núi dốc ngược. Phía trên là chiếc xe tải lùi đến sát mép vực chuẩn bị đổ thải. Chiếc xe nâng thùng, quặng thải đổ xuống, đoàn người ồ ạt lao vào giữa đống chất thải để mong mót được chút quặng sót, bán lấy vài đồng. Đấy là nghề mưu sinh của nhiều trẻ con và người lớn vùng này.
Đỉnh núi rét căm. Chúng tôi dừng xe, phía bên kia thung lũng, và quan sát cuộc mót quặng ấy. Ngồi bên cạnh tôi trong xe hôm ấy là một nhân vật có chỗ đứng trong ngành đầu tư tài chính Việt Nam. Chúng tôi không hiểu những người kia bám vào cái vách dựng đứng ấy như thế nào. Quá nguy hiểm. Anh thốt ra vài câu cảm thán, thương cho những người mót quặng ở sườn núi bên kia.
Ngày cuối năm 2017, bỗng tôi nhớ lại khung cảnh tương phản ở mỏ antimon Mậu Khê năm trước. Bên phải tôi là những người khốn cùng đang bất chấp nguy hiểm tính mạng kiếm vài đồng bạc. Họ vô danh. Bên trái tôi là một nhân vật của ngành tài chính, làm việc với những con số có rất nhiều chữ số 0. Anh có tên tuổi, có chức danh được nhiều người nể trọng.
Nhưng rồi ít lâu sau khung cảnh ấy, chính người ngồi bên trái tôi lại không thể trụ thêm được ở cõi tạm nữa. Một buổi sáng, tôi được bạn bè thông báo rằng anh đã đi, đã chủ động vĩnh biệt tất cả. Không ai biết lý do. Đó là một người nổi tiếng, ở bề ngoài đang trên đỉnh cao sự nghiệp, và được bạn bè đồng nghiệp yêu mến. Sự ra đi làm nhiều người đau xót.
Bây giờ nhớ lại khung cảnh ở mỏ antimon Mậu Khê, và nghĩ miên man về những áp lực, những rủi ro mà đời sống mang lại cho mỗi người, tôi cảm thấy thật khó định nghĩa về “hạnh phúc”.
Những giây phút cuối năm này, trong lời chúc hướng tới năm mới của mọi người dành cho nhau, thường hay có lời chúc về “sức khỏe”.
Có một khía cạnh ít được nhìn nhận của “sức khỏe”, đó là theo định nghĩa của WHO, nó bao gồm sự lành mạnh ở 3 khía cạnh: tinh thần; thể chất và xã hội. Trong thói quen tư duy ở xã hội ta, sức khỏe thường chỉ được coi trọng ở khía cạnh thể chất. Nhưng thực tế là khi mà xã hội phát triển, va đập giữa những tế bào của xã hội ngày càng dày đặc và phức tạp hơn, chúng ta đối mặt với rất nhiều hiểm nguy về sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội.
Mối quan hệ của bạn với hàng xóm, với đồng nghiệp, với người thân có “khỏe mạnh” hay không quyết định bạn có đang sống tốt không. Thậm chí là ở nghĩa rộng, mối quan hệ của bạn với luật pháp có lành mạnh không, cũng là một trạng thái sức khỏe. Bạn có nhớ cảm giác giật mình khi đi xe máy và bỗng nhìn thấy người công an giao thông băng qua đường? Đó chỉ là một ví dụ nhỏ về quan hệ của một con người với xã hội có thể khiến họ trở nên yếu đuối thế nào.
Khi xét đến sức khỏe xã hội, thì một quan chức hay một doanh nhân có thể bị coi là người ốm, khi đặt cạnh một người làm công, chị bán hàng rong hay anh bốc vác.
Nhìn lại, tôi ước rằng nhiều người quanh mình, bạn bè hay người thân, đã quan tâm điều chỉnh khía cạnh ấy nhiều hơn. Một “trận ốm” ở khía cạnh tinh thần hay xã hội, có thể tạo nên những chuyện rất buồn, có thể khiến người ta không gượng dậy được nữa. Và rất nhiều lần trong đời, tôi thấy ăn năn, rằng mình đã không quan tâm đến một ai đó nhiều hơn, về tinh thần và xã hội, thay vì tin rằng họ “vẫn khỏe”.
Năm 2017, trên chuyên mục này chúng tôi đã xuất bản 325 bài Góc nhìn, và phần lớn trong số đó là các chủ đề thời sự quan trọng, rất nhiều là những đòi hỏi thay đổi bức thiết của chính sách. Nhưng để tóm lược tinh thần của năm cũ và mở ra một năm mới, tôi quyết định mình sẽ viết về sức khỏe: nếu như tất cả chúng ta cùng lưu tâm đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội của mình, thì tự xã hội sẽ tốt lên. Hãy tưởng tượng, từ việc xếp hàng ở sân ga cho đến việc tham gia giao thông, từ việc buôn bán đến họp hành, nếu mỗi người tự điều chỉnh để các quan hệ xã hội của mình lành mạnh hơn (nhằm tốt cho chính bản thân), thì xã hội nói chung sẽ lành mạnh hơn. Chỉ cần chúng ta quan tâm đến sức khỏe theo nét nghĩa này, thì rất nhiều vấn đề mà 325 bài Góc nhìn kia đã nêu ra có thể được giải quyết.
Phương Tây có một thứ “lý thuyết hấp dẫn” trong đó nói rằng nếu chúng ta nhìn nhận cuộc sống với thái độ tích cực, thì những điều tích cực sẽ tự nhiên xảy đến với ta. Lý thuyết ấy dường như có logic khoa học.
Phía dưới bài viết này, các độc giả thân thuộc của VnExpress chắc chắn sẽ dành cho bản thân, gia đình và xã hội nhiều lời chúc. Nhưng tôi muốn rằng năm nay, khi chúng ta chúc nhau “sức khỏe”, thì ta cùng thống nhất rằng nó không chỉ mang nghĩa thể chất.
Bạn khỏe mạnh, cả xã hội cũng sẽ khỏe mạnh.