Cuối tháng giêng âm lịch, người dân xã Thanh Quân (Như Xuân – Thanh Hóa) lại mổ trâu cúng thần tại ngôi đền tên gọi là Chín Gian.
Từ trung tâm xã Thanh Quân qua một quãng đồng lúa là tới núi Pú Pỏm thuộc thôn Thống Nhất. Từ cánh đồng có thể trông rõ tòa kiến trúc trị giá 10 tỷ đồng, còn khá mới. Cạnh đó là bức tượng phật cao khoảng 3m.
Ngôi đền ở gần đỉnh núi, xây dựng từ 2017. Ông Lương Văn Dương, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Quân, huyện Như Xuân chia sẻ một tài liệu cho thấy tòa kiến trúc được xây dựng lại dựa theo ký ức của những người cao tuổi về một ngôi đền nơi thực hiện các nghi lễ tâm linh của cư dân địa phương từ những năm 1940 trở về trước. Đền có tên gọi Chín Gian.
Gian thờ trời tại đền Chín Gian, xã Thanh Quân, Như Xuân (Thanh Hóa)
Tên gọi cũng là đặc điểm của đền với 9 gian thờ 9 mường của người Thái huyện Như Xuân (Thanh Hóa và Quỳ Châu (Nghệ An).
Theo tài liệu UBND xã Thanh Quân lưu trữ thì ngôi đền cũ là một ngôi nhà sàn bằng gỗ gồm chín gian thờ Pỏ Phạ (trời), nàng Xỉ Đả (con gái nhà trời), Tạo Lò Ỳ, Cầm Lạn là những người tạo lập nên các mường người Thái gồm 6 mường ở huyện Như Xuân và 3 mường ở Quỳ Châu. Phế tích còn lại chỉ còn một số cột gỗ lim trên nền đất cũ của ngôi đền. Trước đây, lễ hội được tổ chức vào tháng 6 âm lịch. Các mường tề tựu về mổ trâu cúng thần. Ngoài ra còn một số sản vật bản địa khác. Lần tổ chức cuối cùng theo lệ cũ vào năm 1946. Tại lễ này, các tiền nhân đã tiễn thần linh về trời và chỉ gọi trở lại trong đợt làm lễ theo quy tắc mới vào năm 2019. Lễ hội mới được cử hành vào cuối tháng giêng âm lịch năm đó. 3 năm trở lại đây người dân ngừng lễ hội do tác động của dịch Covid -19. Tuy nhiên theo ông Lương Văn Dương thì vào dịp lễ và tết nguyên đán chính quyền địa phương vẫn tổ chức cúng lễ và bỏ qua phần hội. Phần lễ vẫn có phần hiến tế trâu.
Trước đền có chín con trâu đá được tác tượng trưng cho lễ vật của các mường
Ngôi đền mới được xây dựng lại là một tòa kiến trúc mô phỏng ngôi nhà sàn người Thái với hai tầng. Tầng trên thờ các mường như xưa kia và một số vị thần gồm Phỏ Phạ, nàng Xỉ Đả, Cầm Lạn, Tạo Lò Ỳ. Tầng dưới là nơi thờ liệt sỹ thuộc các xã, thị trấn trên dịa bàn huyện Như Xuân. Bức tượng Phật phía ngoại vi ngôi đền nhằm để khách thập phương có chỗ làm lễ.
Cách xã Thanh Quân khoảng 50 km là huyện Quế Phong (Nghệ An) cũng có một ngôi đền tên gọi Chín Gian. Theo sách giới thiệu về ngôi đền của Sở Văn Hóa – thể Thao Nghệ An biên soạn thì đền được xây dựng từ năm 1927 bởi tri phủ Quỳ Châu là ông Sầm Văn Lá. Ngôi đền cũng dựa trên truyền thống về tục thờ trời, nàng Xỉ Đả và các tạo cũng với 9 mường người Thái ở các huyện Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp. Theo nhà văn Sầm Nga Di - một người địa phương 76 tuổi trước kia lễ hội đền Chín Gian, ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong cũng diễn ra vào tháng 6 âm lịch. Như vậy hai ngôi đền đều có những nét tương đồng về tục thờ cúng. Đền Chín Gian này cũng là một tòa kiến trúc mô phỏng nhà sàn người Thái được xây dựng lại vào năm 2006 khi chính quyền địa phương khôi phục lễ hội Đền Chín Gian. Ngôi đền được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 2017.