Tại ngọn Kim Sơn (Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) có một ngôi miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa từ lâu đời.
Từ đây, nhiều người đặt ra giả thiết phải chăng năm xưa trên đường từ kinh đô Đồ Bàn của Champa về Đại Việt, công chúa đã dừng chân tại danh thắng này?
“Quốc tôn thần nữ vọng muôn thu”
Giới nghiên cứu gọi ngôi miếu cạnh chùa Thái Sơn (đường Sư Vạn Hạnh, P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn) là miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa. Còn người dân địa phương quen gọi ngôi miếu này là miếu Bà.
Ông Trần Văn Thuận (63 tuổi, trú tại tổ 20, P.Hòa Hải), người trông nom, nhang khói cho ngôi miếu, kể từ bao đời nay, vào ngày 16 tháng 2 âm lịch hằng năm, người dân đều đặn tổ chức cúng tế trang nghiêm tại ngôi miếu.
Miếu thờ Huyền Trân công chúa tựa lưng vào hòn Kim Sơn
Ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn dẫn bài viết Miếu công chúa Huyền Trân của tác giả Lê Hoàng Vinh và Lê Anh Dũng, cho biết riêng TP.Đà Nẵng, ở vùng Hóa Khuê cũ là tụ điểm dân cư Việt sớm nhất trong lịch sử bên sông Hàn. Tựa lưng vào núi Kim Sơn - trong quần thể Ngũ Hành Sơn, tổ tiên đã truyền lại miếu thờ bà Huyền Trân công chúa, xây dựng bằng gạch Chăm cổ, có văn bia và nơi thờ tự nghiêm chỉnh. “Tiếc rằng, khoảng những năm 1980, do trào lưu thực hành “bài trừ mê tín dị đoan” thiếu sáng suốt phân biệt, miếu Bà bao gồm văn bia đã bị đập phá san bằng, may còn lưu giữ một số dấu vết cũ”, bài viết nêu.
Theo ghi nhận, bên cạnh thiết kế truyền thống, khi xây dựng lại ngôi miếu, cư dân địa phương đã cố gắng bảo tồn nét xưa cũ bằng cách làm hàng rào cách điệu bằng gạch Chăm xưa. Để xiển dương công đức lớn lao của Huyền Trân công chúa bởi cuộc hôn nhân hòa hiếu chính trị của bà với vua Chế Mân (Champa) vào năm 1305, người dân địa phương cũng khắc 2 câu đối trước bàn thờ: Quốc tôn thần nữ vọng muôn thu/Thiên tạo Kim Sơn danh vạn thế. Nhờ bà mà một phần đất rộng lớn từ bờ nam sông Hiếu (Quảng Trị) đến bờ bắc sông Thu Bồn (Quảng Nam) trở thành lãnh thổ của Đại Việt.
Lập miếu “hàm ý lưu dấu nơi dừng chân”
Trong bài viết Miếu công chúa Huyền Trân, các tác giả dẫn lại thông tin lịch sử mùa hạ, tháng 6 (năm Bính Ngọ 1305), nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân... Chẳng may, đến tháng 5 Đinh Mùi 1307, trong lúc công chúa đang có thai, vua Chế Mân bị bạo bệnh qua đời. Theo luật tục, hoàng hậu phải chịu hỏa thiêu chết theo vua. Hay tin, vua Trần Nhân Tông đã sai thượng tướng Trần Khắc Chung đưa theo hàng nghìn thủy thủ, tùy tùng đi thuyền sang Đồ Bàn (kinh đô Chiêm Thành, nay ở Bình Định) vào cuối năm 1307 để giải cứu công chúa.
Người dân thường xuyên nhang khói tại miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa ở Ngũ Hành Sơn
Đến nơi, đoàn sứ Việt xin lập trai đàn trên một số chiến thuyền được kết lại ở ngoài biển để làm lễ cho vua Chế Mân và xin đón hoàng hậu đích thân ra tới trai đàn cúng tế chiêu hồn cho chồng theo phong tục Việt, trước khi quay vào bờ lên giàn hỏa thiêu. Khi thuyền của hoàng hậu đang đi trên biển thì thủy quân Việt bất ngờ đón lấy giong buồm về phía bắc. Chính chi tiết này cùng với việc miếu Huyền Trân được lập tựa lưng vào hòn Kim Sơn mà có nhiều ý kiến cho rằng trên đường trở về Thăng Long, công chúa đã cập thuyền trên sông Cổ Cò và ghé lại Ngũ Hành Sơn.
Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, một người nghiên cứu văn hóa Ngũ Hành Sơn, cho rằng bao đời nay đã có miếu Bà thì không thể không tồn tại câu chuyện công chúa ghé chân. Dù vậy, đây là câu chuyện rất khó có thể chứng thực. Để làm phong phú các hoạt động văn hóa tại lễ hội Quán Thế Âm, năm 2017, thượng tọa đã hình tượng hóa Huyền Trân công chúa trong hội đua thuyền. Thượng tọa tái hiện cảnh quân Chiêm Thành đuổi theo sau khi thượng tướng Trần Khắc Chung lập mưu đưa công chúa về Đại Việt bằng thuyền. Từ đó các đội đua rất hứng thú khi phải nỗ lực đoạt cờ để cứu công chúa.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng cho rằng việc nhân dân nhiều địa phương lập đền miếu thờ Huyền Trân công chúa thể hiện lòng tri ân của hậu thế đối với một công chúa Đại Việt đã góp phần phát triển tình hữu nghị láng giềng giữa Việt - Chăm. Do vậy, ngoài việc bày tỏ lòng biết ơn đối với tiền nhân, 2 miếu thờ vọng Huyền Trân công chúa trên địa bàn Q.Liên Chiểu và Q.Ngũ Hành Sơn còn “hàm ý lưu dấu nơi công chúa từng dừng chân”.
“Tuy nhiên, chưa có tư liệu nào ghi nhận việc Huyền Trân công chúa đã đến vùng đất Đà Nẵng từ bao giờ và bao nhiêu lần. Theo tôi, Huyền Trân công chúa không nhất thiết chỉ dừng chân ở 2 quận trên khi đang trên đường rời Champa về lại Thăng Long. Điều đó có nghĩa là với tư cách vợ vua Chế Mân, từ kinh đô Đồ Bàn, công chúa Đại Việt hoàn toàn có thể đến đây để ngoạn cảnh núi Ngũ Hành và vịnh Nam Ô - những thắng cảnh về mặt danh nghĩa đang thuộc quyền quản lý của Đại Việt và cũng rất gần, chỉ cách biên giới Champa con sông Thu Bồn”, ông Tiếng phân tích thêm.
Theo Hoàng Sơn/Thanhnien.vn