Đền Cô Bơ - ngôi đền linh thiêng có vị trí đặc biệt giáp với 5 huyện, được nhiều người biết đến là nơi “một tiếng gà gáy 5 huyện nghe”.
Từ cầu Đò Lèn tại Quốc lộ 1A, đi ngược về hướng Tây và men theo triền đê con sông Lèn lên đến ngã ba Bông, ai ai cũng sẽ phải ngạc nhiên, thích thú trước vẻ đẹp huyền bí của cả một vùng thắng cảnh, văn hóa, lịch sử tâm linh, cổ kính gắn liền với những di tích lịch sử cùng những di sản cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Ngôi đền đi cùng lịch sử - văn hóa hơn một thế kỷ
Tọa lạc tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, đền Cô Bơ thuộc quần thể di tích đền Hàn Sơn. Ngôi đền uy nghi, cổ kính có tuổi thọ hơn 100 năm, nằm tại vị trí vô cùng đắc địa khi là nơi giáp ranh giữa 5 huyện: Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc và Yên Định.
Đền Cô Bơ có cảnh sắc sơn thủy hữu tình với những ngọn núi trùng điệp cùng dòng sông Mã êm đềm và sinh khí linh thiêng. Ngoài ra, nơi này còn lưu truyền nhiều câu chuyện kỳ bí từ hơn 500 năm trước về thần tích cô Bơ ở ngã ba Bông.
Trong cuốn sách cổ “Lê Triều Thần Phả Ngoại Biên” hiện đang được lưu giữ tại Thái Miếu họ Lê có ghi lại. Vào những năm đầu của thời Hồng Đức, danh tướng Lê Thọ Vực (người được giao trọng trách trấn ải vùng đất Ba Bông), trong một lần giao tranh ác liệt với quân địch, đêm đến, vị tướng này nằm mơ thấy một cô gái tuyệt sắc giai nhân, giáng xuống ngã Ba Bông và nói rằng “Hãy lui quân về Nhị Sơn để vây hãm giặc”.
Nghe theo, Lê Thọ Vực dẫn quân xuôi về Chí Thủy (ngày nay là thác Hàn Sơn) dâng lễ cầu Mẫu và bố trí quân mai phục. Sau khi được Mẫu hiến kế đánh giặc, vị danh tướng này ngay lập tức làm theo và tổng lực nhanh chóng phá tan quân xâm lược.
Sau khi lập chiến công trở về, tướng quân Lê Thọ Vực mới biết người con gái báo mộng cho ông chính là công chúa Mai Hoa (hay còn gọi là Cô Bơ). Để tưởng nhớ công ơn công chúa, tướng quân đã cho lập đền Hàn Sơn và người dân trong vùng hương khói, thờ tụng. Sau đó tướng quân tâu lên Vua Lê và cho lập đền thờ Cô Bơ cùng với đền thờ mẫu Đệ Tam ngay tại vùng đất này. Năm 1996, Đền Cô Bơ được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Văn hóa tín ngưỡng ở Lễ hội đền Hàn Sơn
Hằng năm, Lễ hội đền Hàn Sơn được tổ chức vào tháng 6 (âm lịch). Ngày 12/6 là ngày chính hội, người dân vùng Hà Sơn thường tổ chức lễ rước kiệu. Đây là cách thức rước bóng "cô Bơ" từ đền Cô Bơ về đền bái yết thánh mẫu Đệ Tam Đền Hàn. Quy mô của đoàn rước có khoảng vài trăm người cùng 3 loại kiệu là kiệu long đình, kiệu bát cống và kiệu võng, cờ bay phấp phới rợp cả một vùng trời, hòa theo tiếng nhạc tạo nên một bầu không khí vô cùng linh liêng và trang trọng. Đây là một trong những nét đẹp của văn hóa tín ngưỡng truyền thống lưu truyền trong dân gian.
Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, tại cụm di tích lịch sử Hàn Sơn vô cùng độc đáo và sôi động, ăn sâu vào tiềm thức dân gian. Từ mùng 1 đến 12/6 (âm lịch) hàng năm, dân tại các làng ở vùng Hà Sơn lại nô nức và long trọng tổ chức lễ hội đền Hàn, thu hút đông đảo du khách khắp nơi trong và ngoài nước đến tham dự.
Cứ đến ngày này, dân làng sẽ mua sắm rất nhiều lễ vật dùng để cúng, tế. Cùng với đó còn có những hoạt động về tín ngưỡng, tâm linh như trình chầu, hầu đồng,... Phần hội cũng diễn ra nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ người, kéo co, đánh vật,... Thông qua những hoạt động dân gian trong lễ hội này, du khách thập phương có dịp được giao lưu, kết nối và tìm hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa cổ truyền của quê hương, đất nước Việt Nam.