Dường như đặc tính sông ngòi miền Nam không đê kè, không đê chắn, trong chừng mực nào đó làm nên dáng duyên miệt vườn.
Dòng trôi cứ trôi, trôi đi rồi trôi về, dáng dấp những dòng nhỏ, những rẻo rạch, để người đi muốn đi muốn tiếp đi thì phải nhờ ở nhịp cầu, vì vậy nên đôi lúc bất chợt lòng lại lao xao với “cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi…”, như từ đó làm nên góc nhớ và đi vào tâm thức lúc nào không biết để bất chợt hồi nhớ rồi lâng lâng cùng thao thức. Tâm thức Nam bộ, đau đáu về Nam bộ với người Nam bộ như lẽ thường tình.
Miệt vườn tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long...
Trong công cuộc khai phá miền đất mới của cư dân Nam bộ ngày ấy hầu như tâm thức luôn dằng dặc cùng nếp ăn nếp ở, như từ đó ý niệm về một mảnh đất náu nương luôn vương vấn. Ngẫm ngợi, có chi bằng lập vườn, lập vườn cũng là lập nên góc cơ ngơi để từ đó mà có chỗ có nơi mà thảnh thơi khi tuổi già xế bóng.
Khác với vườn tược miền Bắc, miền Trung, Nam bộ mặt bằng đất đai rộng nên không gian vườn tược cũng rộng. Chân ướt chân ráo về với vùng đất lạ, ý thức mưu sinh cũng từ đó mà thoáng, hơn nữa đất thường là đất giồng, cao ráo, tâm ý với người mở đất là thỏa mãn. Theo Sơn Nam, miệt vườn là “những vùng cao ráo có vườn cam, vườn quýt”, “được xây dựng trên những đất giồng, đất gò ở ven sông Tiền, sông Hậu”.
Cũng theo ông, miệt vườn là cách gọi, là cách gọi tổng quát những vùng cao ráo, có vườn cam vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ. Với ông miệt vườn tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh
Tâm thức người miệt quê ngày ấy phần nào nói lên ao ước dung dị với đứa con gái đồng bằng. Và như trong chừng mực nào đó, sẽ rưng rức hoài nhớ với mảnh đất một thuở, nếu phải theo chồng tận chốn “chim kêu vượn hú”:
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu
Nếp sống như từ đó cũng theo đó mà vun trồng, vun trồng nên nền nếp công dung ngôn hạnh. Có không cũng không biết nếp hạnh đã làm nên nếp duyên, chỉ thấy tâm đắc với ví von, “chỉ có trai Gia Định mới xứng với gái miệt vườn”. Để phần nào ngọn nguồn hơn với khắc khoải ước ao về với miệt vườn ở trai gái nhất là ở đất giồng bưng nhất là miệt Cà Mau-Rạch Giá, với dung dị ước ao:
Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh
Xin được tản mạn đôi điều về một miệt đất lắm điều thú vị, Tràm Chim Tam Nông Đồng Tháp, một vùng sông nước với hệ thống kinh rạch chằng chịt, những cù lao đầy ắp hoa trái và sản vật chính là nguồn cảm hứng in đậm chất phương Nam. Tam Nông, thị trấn nhỏ giữa vùng đất khắc nghiệt đầy nắng và gió ngày nào, giờ không còn là vùng trũng chua phèn, muỗi mòng và đỉa vắt, cá, chim, rắn chuột, cả giống lúa trời, giờ là vùng ngập nước, thuộc vùng ngập nước Ramsar, một sinh cảnh thiên nhiên kỳ thú độc nhất của Đồng Tháp..., mãi là góc bảng lảng với khách du khi còn đó mùa năn, mùa của tìm về với loài “sếu đầu đỏ cổ trụi”.
Ấn tượng nhất là những món miệt đồng thấm đẫm hương đồng cỏ nội. Cá lóc nướng trui, lươn, rắn nướng lèo, cá tai tượng chiên xù ăn cùng với các loại rau, hoa cỏ lạ như lá lụa, lá cách, lá săng máu, kèo nèo, bông điên điển, so đũa đủ vị thơm, chua, chát, ngọt, bùi. Có đôi món có phần vụn vặt mà cũng hay hay, như nem Lai Vung, xoài cát Hòa Lộc, bánh phồng tôm Sa Đéc, góc độ nào đó vẫn đằm thắm hương vị miệt vườn.
Miệt vườn mà căn kẻ kể cũng hơi nhiều, trót kể thì kể luôn thể để khỏi hẫng hụt. Cần Thơ có thể coi là địa danh tiêu biểu của vùng.
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về...
Tính chất ca dao lưu truyền từ bao đời không nhiều thì ít cũng làm lay động lòng người mỗi khi có dịp dừng chân ghé thăm vùng đất miền sông Hậu. Cần Thơ đâu chỉ chừng ấy, thì cách gì để khách đến rồi khách đăm hoài nhớ.
Ca dao cũng có câu rằng:
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Có thương em, anh mua cho một chiếc đò
Để em lên xuống thăm dò ý anh!
Còn nói về xứ dừa, không ai là không biết đó là nói về Bến Tre. Miền đất thành đồng một thuở làm nên góc niên sử Đồng Khởi. Đến với Bến Tre là đến với vùng hạ lưu và cửa sông Cửu Long.
Vốn là vùng sinh thái nước lợ nên cũng đừng lạ là vùng với bạt ngàn dừa. Theo lời kể, có một thưở người dân vùng Cái Mơn đi mưu sinh khắp nơi, nên lượm lặt được nhiều giống cây lạ như: măng cụt, sầu riêng, bòn bon, chôm chôm…Trái lạ lại ngon, nên gợi ý nhân giống, nhờ vậy mà có danh là đất tổ của nghề làm cây giống, ngon nhất là giống sầu riêng, sầu riêng Cái Mơn đặng tiếng là vậy.
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn,
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày
Đã nhắc về dừa, không thể không nói về đặc sản từ dừa.
Kẹo Mỏ Cày vừa thanh, vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo, vừa ngoan...
Nhìn chung, có thể nói nét đặc thù của thiên nhiên miệt vườn đã làm nên duyên dáng miệt vườn. Quá trình hình thành miệt vườn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn tạo ra những yếu tố văn hóa mộc mềm thấm đẫm hương đồng cỏ nội, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Chừng ấy thôi cũng đủ để làm nên những góc nhớ để hoài nhớ. Cho nên người miệt đồng dẫu có vì duyên cớ nào đó phải đi xa, dù xa thật xa vẫn luôn có góc nhớ để quay về.
Trong Văn minh miệt vườn, theo Sơn Nam là địa danh “miệt” chỉ để gọi vùng đất nhỏ, như miệt trên chỉ Biên Hòa, Bà Rịa, Gia Định, Tân An và miệt dưới chỉ vùng Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau, Châu Đốc. Còn “miền” là để chỉ vùng đất rộng lớn như: miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ. Riêng miền Tây Nam bộ còn được gọi là vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng theo ông, gọi “miệt vườn” là gọi cái bình dân, đơn sơ giản dị, mộc mạc, chân tình, chất phác. Trong chừng mực nào đó, ca dao phản ánh phần nào dáng duyên chơn chất, giản dị nhưng thấm đậm nghĩa tình son sắc: “Má ơi đừng gả con xa/Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”.
Trong Văn minh miệt vườn Sơn Nam kể, cách đây trên dưới 100 năm, có nghĩa là từ năm 1900 tới năm 1945, văn minh miệt vườn bắt đầu xuất hiện do ảnh hưởng văn minh vật chất phương Tây. Dưới góc nhìn của Sơn Nam miệt vườn là góc văn minh mới, văn minh miệt vườn. Theo ông góc độ nào đó, văn minh miệt vườn là thứ văn minh nửa vời, có bề nổi mà không có bề sâu.
Sâu xa hơn, góc độ nào đó “Văn minh miệt vườn” là nỗi ai oán thân phận hơn là hồ hởi, vì thực chất là phản ảnh những nỗi bức xúc, xót xa, cùng cực của tầng lớp nông dân, trước nền văn minh chấp vá ở tầng lớp xã hội bấy giờ.
Do vậy mà có những trăn trở từ những nhà văn, nhà thơ như: Học Lạc (Nguyễn Học Lạc), Hồ Biểu Chánh. Và phần nào day dứt được giải tỏa sau khi cuộc cách mạng giải phóng đất nước thành công (1975). Cả nước thống nhất và hòa bình, công cuộc xây dựng bắt đầu phát triển đồng bộ cho cả miệt vườn lẫn miệt thứ.
Theo Nguyễn Quang Hòa/ Thanhnien.vn