Tết Đoan ngọ là cái tết chung được tổ chức hằng năm vào mùng 5 tháng 5 (âm lịch) ở các nước châu Á như Việt Nam, Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc.
Đây là ngày tết truyền thống được dựa trên văn hóa - tín ngưỡng phương Đông nhằm đánh dấu một giai đoạn mới mở đầu cho những điều tốt đẹp, cầu cho mùa màng bội thu, cuộc sống mưu sinh thuận lợi.
“Đoan” có nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là giữa trưa, vì vậy lễ cúng Tết Đoan ngọ thường được tổ chức vào giờ chính ngọ, tức 12 giờ trưa. Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã đó chính là “Tết giết sâu bọ”. Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Vì vậy, Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.
Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ là ngày diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là “Tết giết sâu bọ” vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh.
Vào ngày này, cả làng nhộn nhịp hẳn lên, nhà nào cũng dậy từ sớm chuẩn bị phẩm vật cúng tổ tiên và hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong một mùa bội thu. Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ và dùng bữa cùng nhau. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro,... để diệt trừ “sâu bọ”, xua đuổi hết bệnh tật.
Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.
Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết giết sâu bọ”, có người gọi nó là “Tết Đoan ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ. Bởi vậy, không thể quan niệm Tết Đoan Ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng như hiện nay.
Trong ngày Tết Đoan Ngọ người ta thường có những tục lệ khác nhau như: Tục chiết sâu bọ, Tục nhuộm móng chân móng tay, Tục tắm nước lá mùi, Tục khảo cây lấy quả, Tục hái thuốc vào giờ Ngọ,… Vì vậy, vào ngày mùng 4, mùng 5 người ta có lệ đi mua lá để trữ cho ngày cúng. Lá thuốc được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, đúng ngọ ngày mùng 5, lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, dùng khi nhà có người ốm đau. Một phần khác sẽ treo trước gian cửa nhà dùng để xua đuổi sâu bọ.
Theo truyền thống của từng miền, vào ngày này, ngoài hoa quả, những món ăn cũng khác nhau. Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu. Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mùng 5 tháng 5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.
Vào thời điểm này, trái cây, hoa lá bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu, vì vậy, hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra còn có những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương.
Khám phá phong tục ngày này ở một số nước châu Á
Tại Trung Quốc: Vào ngày này, ở Trung Quốc diễn ra các hoạt động khá thú vị như chèo thuyền, ăn bánh tro... không chỉ vậy người ta còn treo cây ngải ở ngay cửa ra vào. Đối với người Trung Quốc thì Tết Đoan Ngọ là một trong bốn cái tết quan trọng của họ. Lễ hội này của Trung Quốc cũng được xếp vào hạng di sản văn hóa phi vật thể của thế giới vào năm 2009.
Tại Hàn Quốc và Triều Tiên: Tại Hàn Quốc, Tết Đoan Ngọ được người dân gọi là Dano. Tại quốc gia này thì ngày 5 tháng 5 âm lịch cũng được gọi là một cái Tết Di sản văn hóa phi vật thể. Theo quan niệm dân gian tại hai quốc gia này, số 5 chính là biểu tượng của sự cường tráng, khỏe mạnh. Do vậy vào ngày nay, người dân ở Hàn Quốc và Triều Tiên cũng cầu nguyện cho quốc gia họ có một mùa nông nghiệp bội thu và tránh được sâu bọ. Ngày này người ta cũng nấu những món ăn giúp giữ gìn sức khỏe và thường ăn thật no bụng. Không chỉ tắm bằng cây diên vĩ để mong cầu sự may mắn, các trò chơi lễ hội dân gian cũng diễn ra sôi nổi vào dịp này.
Tại Nhật Bản: Đây là ngày mà chủ yếu dành cho các bé trai với tên gọi là Kodomo no hi. Người Nhật thường treo cờ cá chép với biểu tượng đó giống như những em bé trai khỏe mạnh cùng ý nghĩa cá vượt vũ môn. Đây cũng giải thích vì sao vào tháng 5 ở Nhật Bản, ta thường thấy rợp trời hình những chú cá chép tung bay trong gió.