“Bắt hôi” là phương ngữ của Nam bộ, cụ thể là ở quê tôi một địa phương vùng biển để chỉ những người bắt cá đi phía sau chủ đìa, chủ đập, chủ đăng… và thường thì không chỉ bắt cá, mà đụng gì bắt nấy vì “của” người ta bỏ sót mình chỉ phí công sức mà nhặt nhạnh về.
Người đi “bắt hôi” vốn đã nghèo, chạy ăn từng bữa nhưng gặp mùa “bắt hôi” trúng lại không được thưởng thức con tôm, con cá ngon do mình bỏ công sức ra mới có. Thật éo le, của ngon từ công sức có được, người bắt hôi phải mang đem bán lấy tiền mua gạo, còn họ chỉ ăn những con cá, con tép lụn vụn sau một buổi “bắt hôi” khá vất vả, thường thì phải ngâm mình, lặn lội trong bùn lầy, làm mồi cho bầy muỗi đói chích hoặc bù mắc cắn.
Muôn kiểu bắt hôi
“Bắt hôi” đìa hoặc đập đỡ vất vả hơn “bắt hôi” đăng, nhưng ngược lại “bắt hôi” đăng khoảng cách giữa chủ đăng và người bắt hôi phía sau ít bị phân biệt hơn vì dù cho nước rút cạn cũng còn tới gối, mạnh ai nấy mò, có khi người bắt hôi lại gặp may hơn chủ đăng vớ được được con cá lớn. Nhưng trước hết xin nói về bắt hôi đìa, bắt hôi đập. Người quê tôi gọi đìa và đập để phân biệt một vùng nước trũng sâu trên đồng ruộng, nhưng đìa nhỏ hơn đập và có bờ bao quanh và thường thì do tự nhiên mà có hay chủ ruộng phải đào, xây bờ để trữ nước. Còn đập thì có thể không có bờ bao quanh mà do nhánh của một con rạch ăn vào ruộng tự nhiên, chủ ruộng đắp một đầu bờ bao lại thường thì chỗ nước thoát ra kênh, có đặt cống xả gọi là bọng để tháo nước ra hoặc lấy nước vô đập tùy theo mục đích của chủ ruộng. Nhưng khi trữ nước nhằm mục đích lấy cá ăn sau mùa lúa thì chủ ruộng nhét bọng lại không cho nước thoát ra.
Người ta tháo đập, tháo đìa một năm hai lần với khoảng cách 6 tháng mưa và 6 tháng nắng. Đập hay đìa của chủ ruộng làm sát bờ kênh để dễ lấy nước hoặc tháo nước và thường ờ xa thôn xóm vài cây số. Tuy nhiên có xa mấy, điểm đặc biệt là khi chủ ruộng chuẩn bị tháo đập, tháo đìa thì người trong xóm đều hay nhất là chị em phụ nữ và trẻ con cho dù là tháo ban ngày hay ban đêm, hoặc lúc gần sáng tùy theo con nước. Nhưng thường chủ ruộng thích chọn con nước ròng lúc 2-3 giờ sáng để tháo đập, tháo đìa. Thế là cả xóm kháo nhau đi “bắt hôi”, chị em phụ nữ, trẻ con chộn rộn chuẩn bị thùng bọng, rổ rá đi từ chập tối tới chòi của một ai đó trong xóm, gần chỗ tháo đập, tháo đìa ngủ nhờ để khi chủ đập, chù đìa bắt cá thì nhảy xuống ngay để bắt hôi, không sẽ lỡ dịp.
Trước khi tháo đập, tháo đìa, chủ ruộng và lực lượng phụ trợ toàn là người trong nhà hoặc bà con thân thuộc phân công nhau trong khâu chuẩn bị. Quan trọng nhất là phát quang cửa đập, cửa đìa cho thật thông thoáng, rồi dựng một tấm đăng cao hơn mặt nước đập, chân đăng cắm sâu vào đáy bùn ngăn cá thoát ra miệng đập khi rút bọng tháo nước. Hai thanh niên có sức khỏe chuẩn bị tát gàu dai khi nước không còn thoát ra cửa bọng được nữa, việc này mất khá nhiều thời gian và công sức chủ yếu tát cho nước trong đập hay đìa cạn trơ đáy để dễ bắt cá. Khi nước đã rút cạn, gia đình chủ ruộng chia lực lượng ra làm ba phần, mỗi phần vài ba người. Một, bắt đầu bắt cá từ cuối đập tiến dần lên, một đứng ở giữa đập, một ngay chân đăng. Người “bắt hôi” không bao giờ được bén mảng tới giữa đập hay ngay chân đăng mà chỉ được bắt cá phía sau gia đình chủ ruộng ở phía cuối đập và theo họ đi dần lên.
Luật bất thành văn
Người “bắt hôi” tức là bắt những gì còn sót lại sau khi gia đình chủ ruộng đã đi qua và cũng tất nhiên bắt toàn tôm, cá nhỏ. Nhưng đôi khi có những con cá lớn, nhất là cá lóc chúi dưới bùn thật sâu mà người của chủ đập không mò tới được. Nếu người “bắt hôi” chịu khó mò, kiên nhẫn lùng sục dưới lớp bùn sâu thì cũng gặp may. Hoặc những con cá lớn từ phía trước thoát khỏi tay phóng về phía sau thì theo luật bất thành văn người “bắt hôi” ai bắt được thì lấy, không có việc phải trả lại chủ đập.
Lực lượng “bắt hôi” luôn luôn đông đảo hơn người nhà chủ đập, chủ đìa và nếu ai chịu khó lặn lội mò tìm cũng bắt được kha khá. Thủa ấy tôi là một đứa trẻ 9-10 tuổi nhưng khá kinh nghiệm trong việc “bắt hôi”. Sau khi “quần” phía sau lưng những người trong gia đình chủ đập mà đặc biệt trong đó có đứa con gái học cùng lớp thì “nó” thường khéo léo “thả” vài chú cá lóc, hoặc cá trê qua chân cho tôi bắt phía sau. Nhưng chủ yếu tôi rảo hai bên bờ đập, bờ đìa để bắt cá trốn trong hang mà khi nước rút các loại cá thường chui vào đây trốn. Hai ba “nguồn lợi” tổng hợp nên tôi thường bắt được nhiều cá trước sự thán phục của người cùng xóm.
So với “bắt hôi” đăng, người bắt hôi cực nhọc, vất vả hơn vì chủ đăng chọn con nước ròng kiệt trên kênh, hoặc xẻo kênh để chận đăng. Nhưng dù cho nước kênh ròng kiệt cũng còn cao đến trên đầu gối nên “bắt hôi” đăng chủ yếu là mò trong sự may rủi và luôn phải thủ sẵn một cái nơm để nơm cá. Hoặc ai có chài tay thì vải chài để bắt cá nhanh hơn. “Bắt hôi” đăng tôi cũng có một kinh nghiệm, chắc ăn nhất là… bắt tép, vì sau khi người đi trước “quần” cật lực thì nước kênh đã ngầu đục, mà tôm tép thì không chịu được nước đục nên phải nổi đầu lên mặt nước. Nếu “bắt hôi” đăng tôi chuẩn bị một cái rổ xúc và trái bầu khô đựng tép rất to, trái bầu thì đựng “chiến lợi phẩm” cỡ nào cũng nổi trên mặt nước,tôi chỉ việc cột dây rồi quấn ngang eo kéo theo. Còn cái rổ xúc thì hứng hết tôm, tép nổi đầu, tha hồ bắt bỏ vào trái bầu cho đến khi không còn chỗ chứa. Loại tép “bắt hôi” đăng hầu như là tép bạc, nhiều con to cỡ ngón tay, gom vài rổ xúc thì chỉ có nước về phơi khô chứ không thể làm gì cho hết.
“Bắt hôi” là một thú vui suốt cả khoảng thời thơ ấu cho những ai từng ở nông thôn. Kỷ niệm này luôn gắn bó với một góc làng quê mà cả đời người không thể nào quên.