Hồi nhỏ ở quê, má tôi đi cấy xa mà đi rất sớm từ lúc 4 sáng. Lúc đó tôi cũng đã thức dậy và làm nhiệm vụ đưa võng, hát ru cho đứa em gái tôi ngủ.
Tôi hát rất bài bản và thuộc rất nhiều câu hát ru. Tất nhiên câu hát ru đều xuất xứ từ ca dao, thể thơ lục bát. Một đứa trẻ con 8-9 tuổi đầu thuộc lòng những câu hát ru, hát đưa võng cho đứa em gái ngủ nhưng không thể hiểu hết ý nghĩa từ những câu hát ru ấy. Theo thời gian tôi lớn lên, đi học, đọc sách, dần dần hiểu ra sự thâm thúy từ những câu ca dao lúc nhỏ đã thuộc nằm lòng. Tôi vẫn nhớ câu:
Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa
Cũng có dị bản:
Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua
Phần nghĩa bóng trong câu ca dao này tôi không bàn ở đây, nhưng phần nghĩa đen đã lồ lộ ra mà ít ai hiểu. Ngày đó tôi không hiểu đã đành, sau này lớn lên, dần dần qua thực tế tôi mới hiểu. Đó là tại sao "Về rẫy ăn còng".
Rẫy là vùng ruộng trũng thấp, chỉ trồng lúa được một vụ khi mùa mưa tới, mùa nắng, nước mặn, cây cỏ mọc hoang dại, nước phèn váng vàng trên mặt ruộng chỉ có loài còng sống khỏe, sinh sôi nẩy nở thành bầy đàn. Loài còng sống ở rẫy là loài còng lửa, nhỏ con, toàn thân có màu đỏ nên gọi là còng lửa, ngoài ra loài còng này mà kẹp vào tay thì đau tới... nháng lửa nên cũng là một lý do để nó mang tên là loài còng lửa.
Nhưng còng lửa ăn rất ngon, chế biến kiểu nào cũng ngon. Loài còng này chuyên ở hang, lại rất nhác, thấy bóng người là chui trốn vào hang, bắt rất khó và nếu moi hang bắt còng lửa mà không mang bao tay, không có kinh nghiệm thì rất khó bắt và thường bị chúng kẹp... nháng lửa.
Nhưng trẻ con ở quê thường có sáng kiến bắt còng từ thực tế bằng cách... câu. Mồi câu còng bằng một miếng cơm dừa khô cột vào sợi dây cước. Cần câu là một nhánh tre dài. Câu còng chỉ tay cầm cần câu cột sẵn miếng cơm dừa khô nướng lên cho thơm, tay xách cái thùng, cứ thế men theo bờ ruộng, nhắp miếng mồi thơm phức ngay miệng hang thì chú còng nào cũng bò lên kẹp miếng mối bằng cả hai cái càng sắc lẹm của nó. Người câu chỉ nhấc chú còng lên thả vào trong thùng, tự khắc chúng nhả miếng mồi, nằm chịu trận. Câu lưng thùng thì về.
Còng rửa sạch, rang muối, nấu canh chua khế, ram… là món ăn dân dã mà ngon bá cháy. Gò Công đã nổi tiếng với món mắm còng, và là đặc sản hiện cũng khó tìm mua. Nhưng giá trị con còng ở thôn quê không cao, thua cả cua đồng và rạm, lại tự nó phân chia thêm nhiều đẳng cấp trong họ nhà còng: Còng lửa, còng gió, còng quều… Tuy nhiên, con còng là hình ảnh rất thân thiết với tuổi thơ của tôi, ngoài việc câu còng để giải trí, một thú vui, còng còn là nguồn thực phẩm trong bữa ăn quê nghèo chế biến được nhiều món: còng nấu canh chua khế, canh rau ngót, canh mướp, còng rang muối, còng kho khô có thể mang đi ăn đường xa.
Khi còn đi học ở quê, hết lớp ba tôi thi sơ học, là kỳ thi chuyển cấp để lên bậc tiểu học. Đậu sơ học lên lớp nhì tôi phải xuống trường Tiểu học Lộc Thuận cách làng tôi 2km. Đi học phải cuốc bộ, qua 2 cây cầu. Lúc đó học ngày 2 buổi, nhà xa phải mang theo gàu mên (cà mèn) cơm để ăn trưa tại lớp rồi… đi chơi cho hết buổi trưa chờ giờ học buổi chiều. Tan học buổi chiều lúc 5 giờ mới cuốc bộ 2km về nhà. Do đó món còng rang muối hoặc còng kho khô ăn với 2 trái chuối xiêm chín bỏ trong ngăn gàu mên cơm của tôi là… thực đơn thường xuyên.
“Về rẫy ăn còng” đối với tôi suốt thời thơ ấu ở quê rất thực tế như vậy đấy. Và cũng nhờ thực tế này tôi mới hiểu vì sao con còng đã đi vào ca dao rồi trở thành câu hát ru em thời thơ ấu.
Hồi nhỏ ở quê, má tôi đi cấy xa mà đi rất sớm từ lúc 4 sáng. Lúc đó tôi cũng đã thức dậy và làm nhiệm vụ đưa võng, hát ru cho đứa em gái tôi ngủ.