Đi cùng với xu thế phát triển và hội nhập, Hà Nội vẫn giữ trong mình những nét cổ kính đặc trưng của vùng kinh kỳ xưa. Nhiều công trình kiến trúc xưa vẫn được người Hà Nội giữ gìn và bảo tồn cho đến ngày nay. Trong đó không thể bỏ qua một biểu tượng kiến trúc lịch sử lâu đời của Hà Nội – Cầu Thê Húc.
“Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này”
Trong suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến Hà Nội đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm và đổi thay. Đây chính là nơi hội tụ và thừa hưởng nhiều giá trị kết tinh của văn hóa, lịch sử Việt Nam. Đi cùng với xu thế phát triển và hội nhập, Hà Nội vẫn giữ trong mình những nét cổ kính đặc trưng của vùng kinh kỳ xưa. Nhiều công trình kiến trúc xưa vẫn được người Hà Nội giữ gìn và bảo tồn cho đến ngày nay. Trong đó không thể bỏ qua một biểu tượng kiến trúc lịch sử lâu đời của Hà Nội – Cầu Thê Húc.
Cầu Thê Húc là một trong những biểu tượng kiến trúc lịch sử lâu đời của Hà Nội
Sở dĩ cầu Thê Húc được xem là biểu tượng văn hóa của Hà nội là bởi vì phía sau nó là cả một lịch sử dài đằng đẵng. Sự tích ghi lại năm 1865 dưới triều Tự Đức, Nguyễn Văn Siêu cho xây cầu nối bờ hồ đến đền Ngọc Sơn nằm ở giữa hồ Hoàn Kiếm. Cây cầu đã được đặt tên là cầu Thê Húc (nghĩa là nơi lưu lại ánh sáng hay ngưng tụ hào quang). Cầu Thê Húc được xây hướng về phía đông – nơi mặt trời mọc nên nó có thể hứng toàn bộ dưỡng khí và hào quang của mặt trời.
Cầu đã trải qua hai lần tái thiết kể từ khi hoàn tất. Lần thứ nhất là vào năm 1897 triều Thành Thái. Lần thứ nhì là vào năm 1952 dưới thời thị trưởng Thẩm Hoàng Tín, sau khi một nhịp cầu gãy vào đêm Giao thừa năm Nhâm Thìn 1952 vì khách đi lễ đền Ngọc Sơn quá đông. Dưới sự giám sát của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng cầu được xây lại thay vì bằng gỗ thì móng cầu được đúc lại bằng xi măng năm 1953 dưới thời thị trưởng Đỗ Quang Giai.
Cầu Thê Húc mang màu sắc và lối thiết kế độc đáo
Cầu Thê Húc mang trong mình hình dáng cổ xưa, gồm 15 nhịp, 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi. Trên cầu lát ván gỗ và sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thiếp vàng. Màu đỏ trong văn hóa người châu Á mang ý nghĩa thịnh vượng, sung túc và may mắn. Dáng hình cây cầu không thẳng tắp mà lại hơi cong lên, nhìn từ xa, ta tưởng chừng như một nét thư pháp chấm phá uyển chuyển nhẹ nhàng trên bức tranh thủy mặt của hồ Hoàn Kiếm.
Điểm xuyến lên sắc xanh thăm thẳm của mặt nước hồ gươm, của hàng liễu rợp bóng ven hồ, chính là sắc đỏ rực rỡ tưởng chừng như hoàn toàn tương phản và rời rạc khỏi cảnh vật. Nhưng ngược lại, cầu Thê Húc lại hòa hợp với khung cảnh một cách lạ kỳ, như là ngay từ đầu, nó đã được xây dựng chung với ngôi đền theo một sự sắp xếp có chủ đích. Tuy nhiên, có thể vẫn có người chưa biết, sau khi đền Ngọc Sơn được xây dựng một thời gian thì mới có cầu Thê Húc. Vào ban đêm, cây cầu như bừng sáng giữa không gian nhờ hiệu ứng của những bóng đèn được lắp dọc thân cầu. Hình bóng cây cầu mờ ảo in bóng dưới mặt sông xanh biếc gợi cho ta một phong cảnh hết sức lãng mạn và hữu tình.
Cầu Thê Húc lung linh, huyền ảo khi vào đêm
Còn có tương truyền rằng, vào thời trước, từ khi có cầu Thê Húc thì sĩ tử thi Hương chen nhau vào đền thắp hương cầu khấn. Vào mùa thi (tháng 10 âm lịch) cầu Thê Húc lúc nào cũng chật cứng người nên cụ từ trông đền phải cho người ra nhắc nhở thí sinh không chen lấn vì sợ sập cầu. Cho đến nay, nhiều người vẫn còn giữ thói quen này. Cứ đến những kỳ thi quan trọng, người ta nhìn thấy đoàn người nườm nượp trên cầu Thê Húc, những em học sinh cùng gia đình và bạn bè vào viếng và thắp nhang trong đền Ngọc Sơn, cầu mong mọi việc suôn sẻ, thuận lợi.
Đến nay, đã hơn một thế kỷ, cây cầu vẫn ở đó âm thầm, như một chứng nhân lịch sử, chứng kiến mọi đổi thay của vùng đất thủ đô. Nó cũng là một biểu tượng không thể thay thế đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân Hà thành cũng như du khách đến ghé thăm vùng đất nghìn năm văn hiến này. Người Hà Nội từ đời này sang đời khác, luôn tiếp nối truyền thống giữ gìn, lưu truyền những giá trị truyền thống cho đến mãi nghìn sau.