Cách đây một năm, nhiều trào lưu ăn vặt ra đời nhanh chóng được giới trẻ đón nhận, có thể kể đến bánh mỳ nướng muối ớt, xoài lắc, trà sữa, mỳ cay 7 cấp độ, mỳ bay, kem khói…
Những món này đã tạo nên cơn sốt tràn ngập mạng xã hội, ai ai cũng rủ nhau đi khám phá, chụp ảnh, check-in. Điều dễ thấy ở chúng là tạo hình bắt mắt, đẹp và độc, thu hút sự tò mò của nhiều người.
Nhưng rồi bẵng đi một thời gian không còn ai “tha thiết” với các hàng bánh mỳ muối ớt, xe đẩy xoài lắc hay quán mỳ cay, mỳ bay nữa. Hàng quán dần thưa thớt khách rồi đóng cửa hẳn.
“Sớm nở chóng tàn” – người ta vẫn hay nói như thế khi nhắc đến các trào lưu ăn vặt đình đám một thời. Nhưng trà sữa vẫn luôn còn đó, chưa bao giờ hạ nhiệt mà còn ngày càng “bành trướng” và phát triển hơn.
Giới trẻ Sài Gòn xếp hàng mua trà sữa. Ảnh: Minh Khoa.
Bao nhiêu trào lưu đã ra đời nhanh chóng được đón nhận rồi lại bị “thất sủng” không ai có thể nhớ hết được. Song trà sữa lại khác, nó vẫn tồn tại bền bỉ theo năm tháng.
Trà sữa có nguồn gốc từ Đài Loan, du nhập vào thị trường Việt Nam những năm 2000 và trở thành thức uống được teen yêu thích. Trải qua hơn một thập kỷ, trà sữa vẫn giữ cho mình một vị thế nhất định trong lòng giới trẻ Sài thành.
Trong trí nhớ của anh bạn Định Phúc (23 tuổi, du học sinh Mỹ), ly trà sữa thời cấp 2 chỉ là sữa bột thơm thơm pha với vị trà đắng nhẹ, thêm chút trân châu dai dai được nấu từ bột sắn. Cách pha chế đơn giản chưa có nhiều mùi vị, nhưng cũng đủ khiến học sinh, sinh viên thời đó mê mẩn.
“10.000 đồng là mua được một ly trà sữa trân châu rồi. Mỗi ngày ba mẹ cho tiền ăn vặt, mình thường dành ra một nửa để uống”, Phúc chia sẻ.
Trà sữa là thức uống quen thuộc với học sinh ngày ấy. Ảnh: Foody. |
Quán trà sữa ngày ấy cũng đơn giản không kém. Hầu như trước cổng trường lúc nào cũng có hàng trà sữa, chỉ là chiếc tủ kính, vài ba bộ bàn ghế nhựa con con kê sát vỉa hè, trở thành nơi tập kết của học sinh mỗi chiều tan trường.
Định Phúc cho biết những quán “sang chảnh” hơn thì có lắp máy lạnh và wifi miễn phí, nhưng thường trang trí rất loè loẹt, khách ngồi trên gối đệm như kiểu Nhật.
“Quán như vậy cũng hiếm lắm và lúc nào cũng đông nghẹt khách. Giá cả cũng không mắc hơn nhiều, cao nhất tầm 20.000 đồng thôi”, chàng trai Sài thành kể.
Ngày càng được giới trẻ đón nhận và yêu thích, thị trường mở rộng, các quán trà sữa vì thế ồ ạt mọc lên. Từ đầu năm 2016 đến giữa năm 2017, nhiều thương hiệu nước ngoài như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… du nhập vào Việt Nam làm “bùng nổ” những chuỗi cửa hàng quy mô và chuyên nghiệp.
Quán trà sữa san sát nhau trên đường Hồ Tùng Mậu, quận 1. Ảnh: Minh Khoa. |
Từ quán trà sữa trong hẻm nhỏ giờ đây được thay thế bằng cửa hàng mặt tiền, vị trí vàng trên các con đường trung tâm quận 1. Các “phố trà sữa” nổi tiếng Sài Gòn như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu với các hàng quán mở ra san sát nhau.
Không còn bộ bàn ghế nhựa, quán trà sữa ngày nay được nâng cấp bắt mắt, “sang chảnh” hơn. Mỗi quán có một phong cách thiết kế và chủ đề đặc trưng cũng là một phần thu hút giới trẻ đến chụp ảnh, check-in.
“Thực đơn trà sữa lên đến cả trăm món, nhìn vào menu mà choáng ngợp, quá nhiều món để chọn lựa”, Khoa Nguyễn chia sẻ về sự đa dạng của trà sữa.
Để “lôi kéo” sự yêu thích, ly trà sữa ngày nay có nhiều hương vị và cách pha chế phức tạp hơn, kèm theo đó là vô số các loại hạt ăn kèm, giúp người mua dễ dàng pha trộn theo đúng sở thích.
Quán trà sữa đẹp thu hút giới trẻ đến check-in. Ảnh: Hồng Nhung. |
Hình thức cũng dần phát triển theo thời gian. Không còn đơn giản đựng trong ly nhựa bình dân, một ly trà sữa bây giờ rất đa dạng kiểu dáng: nào là trà sữa bóng đèn, trà sữa túi zip cho đến trà sữa 2 ngăn, trà sữa bình…
Tự làm mới không ngừng, gây được sự tò mò của đám đông, trà sữa chưa bao giờ là cũ.
Chất lượng ngày càng đi lên, song song đó là giá cả cũng thay đổi chóng mặt. Một ly trà sữa cơ bản dao động từ 50.000-60.000 đồng, nếu cho thêm topping, milk foam, các loạt hạt thì có thể lên đến 100.000 đồng.
Giá thành cao trong khi khách hàng đa số nằm trong lứa tuổi học sinh, song các quán trà sữa vẫn luôn trong tình trạng đông nghịt khách.
Định Phúc chia sẻ: “Số tiền đó không hẳn là chi cho ly trà sữa, 50.000 còn là thương hiệu nổi tiếng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm chất lượng mình uống sẽ an tâm hơn”.
Trà sữa thời này có đa dạng các loại hạt ăn kèm. Ảnh: Lozi. |
Sau khi du học nước ngoài về, Định Phúc cho biết anh giật mình về sự phổ biến của trà sữa. Không còn là thức uống của trẻ con, trà sữa giờ đây phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau như sinh viên, nhân viên văn phòng, kể cả các bậc phụ huynh cũng rất yêu thích.
Từ việc quá nhiều quán trà sữa mở ra, khi muốn tụ họp bạn bè, anh đều nghĩ ngay đến nó. Dường như trà sữa không còn là trào lưu mà trở thành thói quen của các bạn trẻ.
Dạo một vòng quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ dễ dàng thấy các quán trà sữa lúc nào cũng đông nghẹt người đứng xếp hàng chờ mua. Không đơn thuần đến để uống trà sữa, nó còn là chốn giải trí của giới trẻ.
Không ngoa khi nói rằng trà sữa chính là “nét văn hoá” mới trong cộng đồng teen Sài Gòn.